Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ: Tại sao và như thế nào?

Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ: Tại sao và như thế nào?

(GD&TĐ) - Chỉ trong 5 ngày, từ một cuộc biểu tình ôn hòa ở Istanbul nhằm phản đối việc phá hủy công viên thành phố Gezi thành khu mua sắm đã phát triển thành hàng loạt cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất trong lịch sử 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Recep Erdoga.

ThT Erdogan
ThT Erdogan

Ngoài Istanbul, tình trạng bất ổn còn bao phủ các thành phố lớn như Ankara, Izmir, Adana, Antalya và Gaziantep. Tại đấy, người biểu tình kêu gọi Chính phủ từ chức và ngăn chặn làn sóng “Hồi giáo hóa Thổ Nhĩ Kỳ”

Kết quả của các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến nhiều người biểu tình thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, hơn 1.700 bị bắt giữ trên toàn quốc. Các nhà chức trách đang cố gắng xoa dịu những người biểu tình bằng cả “cà rốt và dùi cui”.

Phó Thủ tướng Bulent Arinc xin lỗi các nạn nhân và kêu gọi các đảng đối lập không thực hiện thêm các cuộc biểu tình. Ông Arinc cũng đã thông báo ý định “đàm phán” để đáp ứng yêu cầu của những người tổ chức các cuộc biểu tình. Còn Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan thì đổ lỗi cho những kẻ cực đoan có quan hệ với nước ngoài gây lên tình trạng bất ổn tại đây và đe dọa chính phủ sẽ không nương tay.

Vậy điều gì đã khiến cho một đất nước đang là hình mẫu về phát triển kinh tế, tự do dân chủ, hòa bình, ổn định… lại trở ra nông nỗi này và liệu “Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ”, như cách gọi  của các phương tiện truyền thông địa phương, có thực sự đang xảy ra tại đây hay không và vì sao?

Ông Recep Tayyip Erdogan sinh tháng 2/1954 tại thành phố Istanbul và bắt đầu tham gia hoạt động chính trị vào năm 1976, khi ông chính thức được bầu làm trưởng chi nhánh Istanbul của đảng Cứu quốc (Hồi giáo).

Thập niên 90 thế kỉ XX đánh dấu bước thăng tiến mạnh của Erdogan trên chính trường. Năm 1991, ông lần đầu trở thành nghị sĩ trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1994 - 1998 ông  làm Thị trưởng Istanbul nhưng ngay sau đó phải ngồi tù vì tội phát ngôn xúc phạm tôn giáo và kích động thù hận.

Ra tù vào tháng 7/1999 thì đầu năm 2011, Erdogan đã bắt tay vào thành lập đảng mới lấy tên là đảng Công lý và Phát triển (AKP)- một đảng Hồi giáo. Ông trở thành Thủ tướng vào năm 2003. Sau 8 năm dưới quyền lãnh đạo của Erdogan, không như nhiều người nghi ngờ và quan ngại về khả năng điều hành đất nước của ông, TNK đã vượt qua muôn vàn khó khăn và phát triển ổn định.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang là một trong những quốc gia có nền kinh tế ổn định và phát triển năng động nhất thế giới với GDP năm 2012 đạt 8,9%. Trong khi đó EU, khối đã gây khó dễ đối với TNK trong việc gia nhập liên minh này, hiện nay đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng khiến cho EU và cả Mỹ quay trở lại trông cậy vào TNK trong hàng loạt chính sách khu vực và quốc tế.

Bạo loạn tại THK
Bạo loạn tại THK

Bên cạnh những thành công về kinh tế và đối nội, Erdogan cũng gặt hái khá nhiều thành công trên lĩnh vực ngoại giao. Thổ Nhì Kỳ đã chìa bàn tay thân ái ra với Israel – “Kẻ thù” của thế giới Arập và Hồi giáo – đồng thời kết giao với Syria, trong khi bản thân Erdogan cũng dần dần xây dựng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hơn thế nữa, Ankara còn đẩy mạnh quan hệ hữu hảo với Hy Lạp và các nước láng giềng Balkan, kể cả Armenia ở Trung Á, đến tận Ukraina ở Đông Âu và Morocco, Tunisia, Ai Cập, Lybia ở Bắc Phi. Đạt được những thành công nhất định trong các chính sách về kinh tế và đối ngoại, ông Erdogan cũng bắt đầu đặt tham vọng nhiều hơn ở khu vực Trung Đông - nỗ lực nâng cấp vai trò “nước lớn” của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, thông qua việc trung gian hòa giải và đàm phán bình thường hóa quan hệ Syria - Israel, đồng thời đứng ra nhận lãnh vai trò trung gian hòa giải giữa Iran với Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ khi Israel ngang ngược triển khai chiến dịch Cast Lead tại dải Gaza vào cuối năm 2008 đầu 2009 tàn sát dã man hơn 1.300 người Palestine vô tội, Thủ tướng Erdogan đã quyết định thể hiện vai trò “đầu tàu” khu vực bằng cách quay ngoắt 180 độ trong quan hệ với Isael.

“Mùa xuân Arập” chính là thời thế tạo nên anh hùng Erdogan trong thế giới Ả rập. Chính Erdogan là người đầu tiên lên tiếng thuyết phục Tổng thống Hosni Mubarak chấp nhận từ bỏ quyền lực cũng như đảm nhận lãnh vai trò tổ chức hội nghị nhóm tiếp xúc để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Lybia.

Còn bây giờ, đến lượt Syria. Ngày 22/11, ông Erdogan đã lần thứ 2 lời kêu gọi Tổng thống Syria Assad từ chức… Làm nên được những kỳ tích như vậy, ông Erdogan đã tưởng mình là “Thánh nhân” trong khu vực Trung Đông và không ngần ngại thể hiện tham vọng to lớn biến đất nước này thành một đế chế Ottoman mới.

Thủ tướng Erdogan đã vấp phải một sai lầm vô cùng chiến lược là “không biết mình biết ta”. Tất cả những thành công, chí ít, trên mặt trận ngoại giao mà ông Erdogan đạt được tại khu vực cũng như trên thế giới đều thành công vì thuận theo kịch bản bí mật mà Hoa Kỳ đã bày binh bố trận một cách kín đáo và tinh vi đến tuyệt vời khiến không một ai nghi ngờ rằng Erdogan chỉ là “con rối” trong tay người Mỹ.

Hoa Kỳ chỉ muốn sử dụng Erdogan như là “công cụ” đắc lực để loại bỏ Thủ tướng Assad hay bất cứ lãnh đạo nào tại khu vực làm trái ý Mỹ mà không muốn ông này trở thành nhà lãnh đạo trong khu vực. Erdogan là một nhà chính trị có tham vọng vô cùng, vậy nên khi đã “mọc lông, mọc cánh” ông dễ trở thành nhà độc tài và chối từ sự “quản lý” của Washington.

Ông Erdogan bắt đầu chống Mỹ, chống Do Thái, ủng hộ các dự án xã hội Hồi giáo hỗ trợ cho người nghèo. Ông có kế hoạch thay đổi hiến pháp, ủng hộ của phe đối lập Syria, thay đổi các nguyên tắc của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ và “tán tỉnh” với những người Kurd vì lợi ích của quyền lực cá nhân…tiến tới giấc mơ thành Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành trì của thế giới Hồi giáo dòng Sunni.

Điều này làm đảo lộn kế hoạch của Nhà Trắng. Hoa Kỳ có dự án riêng của mình, trong đó vấn đề Iran được ưu tiên nhất. Quốc gia này, trong chiến lược của Washington, có thể đóng vai trò số một trong cuộc đối đầu với người Hồi giáo dòng Sunni có mặt từ Pakistan đến Bắc Phi.

Nói cách khác, Tổng thống Mỹ Obama muốn nhân rộng “mô hình Iraq” với cuộc nội chiến khốc liệt và lâu dài giữa người Sunni và người Shiite ra toàn bộ khu vực Trung Đông. Tạo ra được một ma trận như thế, Hoa Kỳ có thể  yên tâm rút quân ra khỏi đây một cách an toàn và từ đó triển khai các kế hoạch đối phó với Trung Quốc và Nga ở các địa bàn khác.

Năm 2014 là cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ . Và nếu theo đúng kịch bản đã định, sau khi thay đổi được hiến pháp, TNK sẽ trở thành nhà nước Hồi giáo - một đế chế Ottoman mới, trong đó Erdogan là một vị vua.

Tất nhiên, người Mỹ không để cho điều này trở thành hiện thục và kịch bản “Mùa xuân TNK” được dàn dựng nhằm  chôn vùi ý tường về một tân Ottoman của Erdogan nagy từ trong trứng nước.

Để làm được điều đó họ có nhiều “quân bài”. Các tướng quân đội bị về vườn hay đang ngồi tù trong 10 năm qua - những người bị mất khả năng thay đổi chính phủ để bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục tại TNK vô cùng tức dận Erdogan.

Không những thế, các quân nhân tại ngũ cũng không hài lòng với Thủ tướng vì lực lượng tình báo quốc gia - MIT - được đặt dưới sự kiểm soát cá nhân của ông Erdogan và được dẫn dắt bởi các nhân vật không chuyên nghiệp.

Thêm vào đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn không được chuẩn bị để chiến đấu với Syria - Đối tác luôn gây khó chịu cho Ankara. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn tại các tỉnh phía nam của TNK với 10 - 12 triệu người di cư từ Syria đã bị lờ đi do Erdogan muốn gia tăng mối quan hệ dân tộc lên bên cạnh những người Hồi giáo chống lại chính phủ thế tục của Syria khiến tình hình như giọt nước tràn ly.

Vào chính thời điểm đó với bàn tay của nước ngoài, mà lộ diện rõ rằng nhất là của một trong những nhà lãnh đạo của “Mặt trận cánh tả” kiêm thành viên thường trực của Hội nghị Quốc tế Hồi giáo Ả rập (OIANK) - ông Heydar Jemal. Từ cuộc biểu tình chống lại sự phá hủy của công viên thành các cuộc biểu tình chính trị nổi lên trên khắp đất nước và “Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ” bắt đầu.

“Mùa xuân TNK” có bản chất rất khác với “Mùa xuân Ả rập”. Phe đối lập tố cáo ông Erdogan muốn điều hành đất nước theo cách Sultan của đế quốc Ottoman, và do đó phá hủy thành quả vĩ đại của Ataturk, người đã tạo ra một Thổ Nhĩ Kỳ thế tục.

Còn quá trình của các cuộc cách mạng ở thế giới Ả rập nhằm lật đổ chế độ độc tài thế tục và thay vào đó thế bởi người Hồi giáo. Như vậy mục đích thực sự của “Mùa xuân TNK”, theo ý đồ của nước ngoài, là bộc ông Erdogan phải “ngoan ngoãn” đi theo “la bàn” đã vạch sẵn mà thôi.

Cho đến nay, tại TNK không có một chính khách nào có uy tín hơn ông Erdogan nên việc lật đổ ông là rất khó. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động trong tình trạng tốt. Tự do kinh doanh đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự xuất hiện của giai cấp tư sản và tầng lớp trung lưu.

Sự kiện tại quảng trường Taksim trong mấy ngày qua cũng chỉ khiến cho thị trường chứng khoán TNK tụt khoảng 10%. Ngoài ra, lực lượng chống lại ông Erdogan rất “đa dạng” từ những người cộng sản, chủ nghĩa dân tộc, cánh tả, công đoàn… Nhưng họ không thể thống nhất vì không có một nhà lãnh đạo đủ uy tín.

Mặt khác quân đội và giới tư bản không muốn xáo trộn nội bộ một cách bất ngờ trong khi cơ hội làm ăn đang thuận lợi trong bối cảnh toàn cầu bị cuộc khủng hoàng kinh tế EU đe dọa. Vì vậy, những gì chúng ta thấy ngày nay chỉ là một cú “đã vô lê về lưới nhà” để từ đó xốc lại đội hình cho một cuộc “lấn sân mới” chứ không phải là một dấu hiệu của sự bùng nổ chính trị sắp xảy ra ...

                                                                                     Nguyễn Thành Minh
                                                                                 
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ