(GD&TĐ) - Sau mấy ngày trở lạnh, trời bỗng ấm lại. Cái nắng vàng hanh hao tỏa trên khuôn viên rộng của khu trung tâm càng làm Trại giam Phú Sơn 4 giống một công viên thanh bình hơn là nơi đang giam giữ hàng ngàn phạm nhân. Trên con đường rợp bóng mát, Đại tá, Giám thị Nguyễn Xuân Trường kể cho tôi nghe về chuyến công tác thực tế vừa qua của ông tới thăm quan một số cơ sở thuộc hệ thống trại giam Hoa Kỳ. Những kinh nghiệm giam giữ chặt chẽ, khoa học là điều ông và đồng sự sẽ nghiên cứu, vận dụng để công tác giam giữ được tốt hơn nhưng định hướng của trại vẫn là kết hợp linh hoạt giữa giam giữ với cải tạo, giáo dục con người hướng thiện, hoàn lương như đã thực hiện rất thành công trong nhiều năm qua.
Các phạm nhân chia sẻ niềm vui khi nhận được thư chức Tết của gia đình |
Nơi mảnh đời lầm lỡ gieo hy vọng
Tại Trại giam Phú Sơn 4, mỗi phạm nhân khi nhập trại đều được phổ biến, học tập những kiến thức pháp luật cơ bản, nội quy, quy định của trại, quyền và nghĩa vụ của phạm nhân. Cán bộ quản lý nghiên cứu kỹ hồ sơ, trực tiếp trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ để kịp thời động viên và phân loại hợp lý về các phân trại, đơn vị sản xuất. Với nhiều nhóm ngành nghề như làm mi giả, may mặc, khâu bóng, đồ gỗ, làm gạch, chăn nuôi, trồng trọt…, phạm nhân không bị giam nhốt quá tù túng mà được tham gia lao động vừa tạo nguồn thu xây dựng trại, vừa được tăng thêm tiêu chuẩn sinh hoạt so với quy định, có nghề nghiệp ổn định cuộc sống sau khi ra trại. Nhiều phạm nhân không biết chữ, không nghề nghiệp đã được cán bộ trại dạy chữ, được học nghề. Trại cũng hợp đồng với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo việc làm cho phạm nhân, đồng thời thường xuyên tổ chức các hội thảo định hướng nghề nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm tạo cho số phạm nhân sắp mãn hạn tù được tìm hiểu và có cơ hội kiếm việc làm.
Đi thực tế xuống các phân trại, tôi thấy các khu giam giữ được xây dựng khang trang, vừa đảm bảo sự an toàn cần thiết vừa có sự thoáng đãng, trông như những khu trường học cao tầng. Trong các buồng giam, trật tự nội vụ và vệ sinh đều đảm bảo, có tivi cho phạm nhân cập nhật tin tức và giải trí buổi tối. Những phạm nhân gương mẫu được bầu làm trưởng buồng, trưởng khu, chịu trách nhiệm giúp cán bộ quản giáo giữ trật tự và quản lý phạm nhân trong buồng, trong khu. Thiếu tá, Phó giám thị Lê Đình Thanh cho biết, nhờ thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, giáo dục tốt và thực hiện chế độ tự quản hợp lý mà tình trạng “đầu gấu, đại bàng” được ngăn chặn tận gốc, giúp phạm nhân ổn định tâm lý và yên tâm cải tạo. Phạm nhân Đinh Đức Quân tâm sự: “Tôi được phân về Phân trại 1 và ở cùng buồng với 42 bạn tù. Trước khi vào trại tôi sợ lắm vì cứ nghĩ sẽ bị bạn tù bắt nạt và đánh đập nhưng qua gần một năm ở trại nỗi sợ đó trong tôi đã không còn mà thay vào đó là hơi ấm tình người. Anh em trong buồng giam và ở các buồng khác đều quan tâm, động viên nhau cải tạo tốt để nhanh được trở về với gia đình…”.
Tại khu trại giam nữ, nhóm này đang tập các tiết mục văn nghệ chuẩn bị đón xuân, nhóm khác trang trí buồng giam, làm báo tường, nhóm kia vẫn lao động hăng say ở xưởng để kịp tiến độ giao mẻ hàng cuối năm cho doanh nghiệp. Chỗ nào cũng rộn ràng tiếng nói, tiếng cười như vẫn thường thấy ở nơi nào… nhiều phụ nữ.
Một chút thoáng buồn khi tôi hỏi về cảm xúc đón xuân, phạm nhân Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Tết đầu cũng tê lòng lắm nhà báo ạ, càng gần tết càng buồn, mấy chị em cùng buồng toàn ôm nhau khóc. Nhưng được sự quan tâm của cán bộ trại, chị em được động viên cả về tinh thần và vật chất, cũng chuẩn bị đón tết như ở nhà nên nỗi buồn cũng nguôi ngoai. Chị nào được gia đình gửi quà nhiều lại san sẻ cho chị em thiệt thòi cái bánh chưng, miếng giò lụa…Lúc giao thừa, cán bộ trại đến từng buồng giam chúc tết rất ân cần. Những ngày tết, các phạm nhân đều được hưởng khẩu phần ăn gấp năm lần ngày thường, được tham gia các trò chơi, văn nghệ, thi thể thao nên cũng không khí tết lắm…”.
Khi tôi xin phép được chụp ảnh, các nữ phạm nhân nhao nhao cười và vội vuốt lại mái tóc, nhờ nhau chỉnh lại chiếc áo kẻ sọc đang mặc. Ừ nhỉ, dù ở đâu, hoàn cảnh nào, phụ nữ vẫn là phái đẹp mà.
Trang trí Trại đón xuân sang |
Những người thắp lên lửa thiện
Các phân trại ở Trại giam Phú Sơn 4 đều có những căn buồng hạnh phúc được đưa vào sử dụng từ năm 2010. Những phạm nhân cải tạo tốt, mỗi tháng sẽ được đăng ký gặp riêng vợ hoặc chồng trong những căn buồng nhỏ. Thời gian thăm gặp ngắn ngủi nhưng ý nghĩa với họ rất lớn. Nhìn ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ vừa bước ra khỏi buồng hạnh phúc, tôi tin đó sẽ là nguồn động viên lớn lao để mỗi phạm nhân tiếp bước trên hành trình hướng thiện... |
Do đặc thù công tác ở nơi xa đô thị, đối tượng tiếp xúc thường xuyên là những người đã có quá khứ lầm lỗi nên cán bộ làm công tác trại giam có nhiều thiệt thòi. Nhiều chiến sỹ gia đình ở xa nên có khi mấy tháng mới về thăm nhà được một lần. Họ gắn bó với phạm nhân ở những tổ, đội sản xuất trên các đỉnh đồi heo hút đầy gió hú hay dưới thung lũng khe suốt ngày tĩnh lặng hơn ở tiếng nước róc rách. Với nữ cán bộ quản giáo, những khó khăn, hy sinh của họ còn lớn hơn gấp bội phần, nhất là những thiệt thòi cho tình cảm riêng tư.
Nhằm động viên cán bộ chiến sỹ, Ban giám thị trại luôn tạo điều kiện tối đa về chế độ đãi ngộ cả về tinh thần và vật chất. Có trường hợp, lãnh đạo trại còn trực tiếp làm “bà mối mát tay” chắp nối hạnh phúc cho cán bộ của mình với người dân địa phương hoặc nhân viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Con cái của chiến sỹ nếu muốn nối nghiệp bố mẹ làm việc tại trại đều được quan tâm. Với những cán bộ làm việc ở những phân trại vùng sâu, có gia đình ở xa, lãnh đạo trại giam tạo điều kiện phân đất, trợ cấp xây nhà, giúp đỡ về công việc để cán bộ có thể vận động vợ con chuyển lên sinh sống, lao động trong khu vực trại để cán bộ yên tâm công tác. Nhiều trường hợp đã ổn định cuộc sống, tạo dựng được cơ ngơi khang trang, xác định yên tâm gắn bó lâu dài với trại như gia đình Đại úy Bùi Văn Thưởng (Phân trại 4), Trung úy Nguyễn Quốc Tuấn (Phân trại 1), Trung tá Nguyễn Văn Vinh (Phân trại 1)…
Trò chuyện với những cán bộ của Trại giam Phú Sơn 4, từ người gắn bó lâu năm cho đến ngày sắp nghỉ hưu như Đại tá, Phó giám thị Hoàng Văn Quân cho tới những chiến sỹ trẻ như Thiếu úy Trần Trường Sinh, Thượng sỹ Đỗ Thị Huyền…tôi hiểu hơn về công việc, cuộc sống còn nhiều lo toan, vất vả và hy sinh của các anh, các chị. Và cũng qua câu chuyện đời thường, tôi cảm nhận rất rõ nhiệt huyết và tình cảm gắn bó với nghề, với đơn vị. Với họ, công việc mà không phải ai trong xã hội cũng đã hiểu hết để chia sẻ là cái nghiệp cuộc đời và họ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc bình dị trong gian khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Các anh, các chị tâm sự rất thật rằng, sự cảm thông, chia sẻ và gần gũi giữa họ và phạm nhân nhiều khi như được xóa nhòa, không còn nhiều khoảng cách giữa hai thái cực “cán bộ - tù phạm” vì vậy họ thực sự thoải mái, nhiệt huyết với công tác giáo dục, hướng thiện cho những mảnh đời lầm lỡ. Biết bao con người lúc ngoài xã hội là những tay anh chị, giang hồ cộm cán nhưng khi vào trại, được các anh chị cảm hóa, giáo dục, đã cải tạo tốt và khi ra tù trở thành những công dân lương thiện, sống có ích.
Phía sau cảnh cổng này là bao tâm hồn, con người đang khát... |
Khúc vĩ thanh trước mùa xuân tới
Con suối Giang Tiên mang theo con nước bắt nguồn từ tận Cao Bằng uốn chảy quanh trại được ví như dòng nước mát lành làm dịu lại những tâm hồn nóng trước đây để phải sa vào vòng lao lý. Những ngày công tác thực tế tại Trại giam Phú Sơn 4, được trò chuyện, tìm hiểu sâu về cuộc sống của cán bộ và phạm nhân nơi đây, tôi hiểu thêm nhiều điều về một xã hội thu nhỏ, một thế giới mà đối với nhiều người vẫn còn là bí ẩn với tâm lý e ngại. Bản thân tôi khi ngồi bên bờ suối, khỏa tay trong dòng nước mát, tôi càng cảm thấy giá trị, yêu hơn tự do và những gì mình đang có, dặn lòng mình phải biết sống tốt hơn, làm nhiều việc tốt hơn, tránh xa những điều xấu…
Kết thúc chuyến công tác khi chỉ còn ít ngày nữa là đến xuân sang, Đại tá Trường tiễn tôi ra tận xe ô tô. Tôi nhìn lại Trại giam Phú Sơn 4. Đúng là trại đẹp thật, đẹp không chỉ về hình thức như mọi người vốn công nhận mà còn đẹp cả về những điều nhân văn tôi đã được biết, được cảm nhận. Cổng chính của Trại giam Phú Sơn là một cánh cổng sắt rất to và phía sau cánh cổng ấy là bao tâm hồn, bao số phận con người đang vươn lên vì một ngày mai tươi sáng. Các phạm nhân vẫn nói với nhau: “Đường vào lao tù muôn nẻo nhưng đường về chỉ có một”. Ngoài những cán bộ trại vẫn thường ngày ra vào qua cánh cổng ấy để làm công việc thường ngày của họ, tôi ước mong sẽ có ngày càng ít hơn những con người lầm lỡ phải bước vào qua cánh cổng và có nhiều hơn những mảnh đời hoàn lương được bước ra để trở về với cuộc sống tươi đẹp này…
Hoàng Đoàn – Vũ Hùng