“Mùa xuân ở lại”: Mặn mòi chuyện giáo viên cắm bản

“Mùa xuân ở lại”: Mặn mòi chuyện giáo viên cắm bản

Quen để... lạ

“Mùa xuân ở lại” là bộ phim có đề tài “rất cũ” khi xoay quanh chủ đề giáo viên cắm bản. Vẫn là những cô giáo miền xuôi nhỏ nhoi, lẻ loi, cô đơn giữa rừng xanh bạt ngàn khi lên vùng cao dạy học. Sau mỗi buổi lên lớp, các cô lại lóc cóc đến từng nhà trong thôn bản vận động trẻ con đi học nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của các ông bố bà mẹ. Với người dân miền cao, trẻ con còn bận trông em, lên nương, lên rẫy, làm gì còn thời gian đi học cái chữ!

Đã có giáo viên cắm bản thì tất sẽ có những người lính biên phòng ngày đêm tuần tra gìn giữ sự bình yên cho nhân dân. Từ đó, họ gặp gỡ, giao duyên... Và tất nhiên, “Mùa xuân ở lại” sẽ không thể thiếu hình ảnh những em nhỏ lem luốc, ngơ ngác đến trường.

Những câu chuyện ấy được lồng vào sắc màu mênh mang của núi rừng cũng rất đỗi quen thân: Dòng thác trắng xóa, cánh rừng, ngọn núi trập trùng, con đường độc đạo bám bên sườn núi giống như con rắn, chợ phiên lao xao... Thêm vào đó, giai âm ở đây vẫn là bản hòa tấu đã bắt gặp ở rất nhiều bộ phim khác. Vũ điệu vẫn là múa khèn tình tứ. Hoặc, khán giả còn dễ dàng nhận ra cách kể chuyện có phần lãng mạn “quá đà” giống phim Hàn, kiểu như hễ cô giáo gặp nạn ở đâu là người hùng - anh lính biên phòng xuất hiện cứu giúp. Ngoài ra, nhiều nhân vật trong phim đều do các nghệ sĩ rất “quen mặt” đảm nhận: Thu Trang - cô giáo Hòa, Huỳnh Anh - Nghĩa, Tô Dũng - Ngọc, NSND Lan Hương - mẹ Hòa, Quỳnh Hoa - cô giáo Loan...

Thế nên, có thể nói “Mùa xuân ở lại” là bộ phim không có gì mới mẻ. Đã thế, phim còn có những phân cảnh mang nặng tính tuyên truyền nên đôi lúc không tránh khỏi... hô khẩu hiệu. Quá quen đến cũ kỹ là thế, vậy nhưng, thật lạ thay khi phim được phát sóng lại vẫn có sức hút đặc biệt khi nhiều khán giả chẳng thể rời màn hình tivi mỗi tối, hoặc cả trăm nghìn lượt xem lại trên trang web: vtvgiaitri.

Cũng bởi những mặn mòi

Có thể nói, sức hút của phim “Mùa xuân ở lại” là ở những vị mặn mòi. Có khi vị mặn mòi nằm ở trong mỗi suy tính của giáo viên cắm bản. Nếu như ở nhiều kênh tuyên truyền khác, chuyện giáo viên cắm bản thường được tụng ca đấy là sự xung phong vô điều kiện của các cô giáo vùng xuôi thì ở đây các cô lại có biết bao toan tính được đặt ra. Rõ ràng, chưa khi nào cô giáo Hòa muốn rời khỏi ngôi làng ven biển để xung phong lên miền ngược dạy học. Chỉ vì vừa mới ra trường, không có tiền cũng như mối quan hệ thì cô mới chấp nhận bài toán: Cố chịu đựng 3 năm – khoảng thời gian không dài để sau đó trở về và có được một suất biên chế ở trường nhà.

Những toan tính ấy cũng có ở cô giáo Duyên, cô giáo Trang. Thậm chí, với người đi trước như cô giáo Loan dù đã xác định mãi mãi ở lại với núi rừng Tây Bắc vì không có điều kiện trở về mà cũng không ngừng toan tính cho đám đàn em khi ngày ngày nhắc chúng phải biết giữ gìn để vượt qua 3 năm...

Vị mặn mòi còn là sự “thất bại” của những giáo viên trẻ khi không kiểm soát được những khát khao hạnh phúc xuân thì. Chẳng thế mà cô giáo Trang phải bỏ cuộc giữa chừng vì lỡ dại yêu đương với gã buôn Sở Khanh để bị mang tiếng xấu. Rồi thì cô giáo Duyên lên kế hoạch mang bầu để sớm rời xa những lớp học heo hút. Với riêng cô giáo Hòa, vị mặn mòi còn nằm trong mối tình yêu xa - tưởng vững bền nhưng bỗng chốc bay theo gió, theo mây.

Sẵn sàng gieo những vị mặn mòi ấy nên câu chuyện mà “Mùa xuân ở lại” kể đã vượt qua những tình tiết rất quen để không ngừng chạm đến cảm xúc khán giả. Những vị mặn ấy không quá rơi vào bi lụy khi len vào đó là gió xuân nồng ấm phả ra từ trái tim của những người thầy. Có thể đêm đêm cô giáo Hòa chẳng ngăn được nước mắt vì nhớ nhà, nhớ người yêu và trăn trở cho toan tính của mình. Có thể đêm đêm các cô giáo bám bản chụm đầu bên bếp lửa động viên nhau ráng mà chịu đựng để vượt qua ba năm rồi trở về... Thế nhưng, mỗi sớm mai khi ánh bình minh vừa ló rạng và gặp lại những gương mặt học trò thơ ngây cùng tiếng gọi cô tíu tít thì bỗng đâu những mặn mòi ấy đều tiêu tan. Những toan tính, những nỗi buồn được phủ lấp để chỉ còn lại những tiếng cười đong đầy yêu thương.

Vậy nên, sao tránh khỏi cái cảnh cô giáo Duyên vừa đi vừa lau nước mắt lúc trời còn chưa sáng để “chạy trốn” học trò. Cuộc trở về sau khi kết thúc bài toán 3 năm của cô Hòa cũng thế. Bước chân cô cứ líu ríu lại bởi tiếng gọi tha thiết của đám học trò ngày ngày không chỉ chăm chỉ học cái chữ mà còn cười tít cùng cô, được cô gội đầu, bắt chấy... Còn với cô giáo Loan – cô đã mải miết cắm bản mà quên cả thanh xuân của mình để hòa vào cuộc sống của đồng bào... Những phân cảnh khiến người xem không khỏi rơi nước mắt khi thì xa xót, khi thì mừng vui. Chúng chính là “chìa khóa” để “Mùa xuân ở lại” khác biệt, gây thương nhớ và nhiều khán giả còn mong chờ phim sẽ được nối tập... 

“Mùa xuân ở lại” là một bộ phim của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng đã được phát sóng đúng vào dịp Tết Canh Tý, gồm 4 tập (45 phút/tập). Bộ phim vừa mới được phát sóng lại trên kênh VTV1, lúc 21 giờ từ thứ 2 đến thứ 6, gồm 7 tập (25 phút/tập). Khi thưởng thức lại bộ phim, nhiều thầy cô đã chia sẻ rằng, họ tìm thấy sự đồng cảm cùng với mỗi nhân vật. “Đã từng xem bộ phim vào dịp Tết nhưng khi hay tin phim được chiếu lại tôi không thể bỏ qua. Cũng vì “Mùa xuân ở lại” không chỉ khiến tôi xúc động mà còn để lại cho tôi những mối đồng cảm cùng sự trăn trở, nghĩ suy...” – cô giáo Thúy Trinh (Thái Bình) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.