Mùa... no gió

Mùa... no gió

Chẳng biết gió đói, gió no thế nào, nhưng nhìn những cánh diều bay cao giữa làng mạc, thôn ấp mới hiểu cái thú chơi vừa cổ xưa thanh nhã, vừa hiện đại cũng đầy những triết lý sống.

Tung hoành đến tận trời xanh

Nghệ nhân Nguyễn Khắc Khoái ở Thái Bình là người nổi tiếng nhất nhì trong giới chơi diều hiện nay. Với 77 tuổi đời thì ông Khoái có đến 70 tuổi nghề trong cái thú chơi cổ kính lẫn hiện đại này. Ông bảo, từ xưa ở vùng đất lúa này đã có câu ca: “Thái Bình là đất ăn chơi/ Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành/ Tung hoành đến tận trời xanh/ Ngọc Hoàng cười bảo chúng mình cùng quê”.

Cái câu ca cổ xưa ấy, thoạt nhiên nhiều người những tưởng nó chỉ về một vùng đất khó, mất mùa lẫn thất bát khiến sinh linh lầm than phải bị, gậy đi xin. Ừ, thì cái lối suy luận ấy có đúng phần nào. Nhưng sâu xa hơn thì nó cũng tả về cái thú chơi diều của người xưa.

“Các cụ xưa kia cơm nắm cơm gói cho vào bị và vác diều đi khắp nơi chơi diều. Diều ngày xưa là thú chơi tao nhã và tuyệt vời nhất. Nó chứng tỏ cho con người vùng đất ấy nhiều hoa tay lẫn biết ước mơ bay bổng. Có khi người chơi diều tỉnh này còn đem diều sang tỉnh khác thi thố nữa”, ông Khoái cho hay.

Để chứng minh cho câu ca ấy, ông Khoái kể ra hàng loạt những làng diều trứ danh của đất lúa. Ấy là một Song An truyền thuyết với ngôi đền Sáo nổi tiếng và cũng là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Lại còn những Nghi Xá, Kỳ Bá, Nam Cường, Hồng Thái với lịch sử làng gắn với lịch sử diều mà ai có điều kiện dự thăm những lễ hội ấy cũng đủ biết về vùng đất “sáng rối - tối chèo”.

“Tất nhiên, trong cái thú chơi bao giờ cũng gắn với trí tuệ, với ước mơ của người nông dân. Thả diều trong suy nghĩ rất nhiều người thì nó chỉ là trò chơi con trẻ, nhưng không phải vậy. Phải những ai đam mê, những ai sống gắn với đồng ruộng, với phong trào thì mới hiểu hết ý nghĩa của nó”, ông Khoái chia sẻ.

Ở Thái Bình, nhiều làng quê còn giữ được 
truyền thống chơi diều.
Ở Thái Bình, nhiều làng quê còn giữ được truyền thống chơi diều.
Tung diều lên với gió.
Tung diều lên với gió.
Sáo đơn nặng 4kg cho diều lớn.
Sáo đơn nặng 4kg cho diều lớn.

Người diều - đời gió

“Thả diều là một hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu. Châu Âu, châu Á, châu Mỹ đều có những quốc gia thả diều. Đặc biệt là ở khu vực châu Á - nơi mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính xứ sở đầu tiên xuất hiện những cánh diều với độ tuổi trên 2.000 năm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ tầng văn hóa của mỗi dân tộc mà lễ hội thả diều cũng khác nhau”, TS Nguyễn Văn Thắng - Khoa Việt Nam học - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Thái Bình hay nhiều vùng miền trên đất nước ta, những người làm diều lão luyện hầu hết đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Lại có cả những bài nghiên cứu, lý luận về lịch sử, lễ hội lẫn thú vui chơi diều. Cũng bởi vậy, đua diều - chọi diều - hay đơn giản là làm diều trưng bày đã trở thành nghệ thuật.

Không nói đâu xa, ngay nghệ nhân Nguyễn Khắc Khoái đã cả đời gắn bó với diều. Ở thế hệ ông, khi tóc còn để chỏm thì cánh diều gắn với tuổi thơ, gắn với cả một làng quê với bao miền ký ức.

Suốt 70 năm làm diều, ông đã nâng giá trị thú chơi, nghề nghiệp lên tầm nghệ thuật. Những cánh diều dù to hay nhỏ, dù diều đơn, đôi hay cánh cốc thì đó cũng là những tuyệt tác của bầu trời.

Từ cách chọn tre cho đến vót “xương diều”, từ cách chọn bạt cho đến cách khâu vá, từ cách chọn mắt gạo đến ống tre “hóa” để làm sáo cũng đầy tài nghệ. Cánh diều làm ra, không chỉ bay cao mà dây phải thẳng đứng, tiếng sao vi vu thôi chưa đủ mà còn biết thủng thẳng theo cơn gió nặng, nhẹ.

Ông Khoái bảo: “Nghề làm diều, chơi diều nó cũng như bao thứ nghề khác. Khi anh thành thục nghề, quá quen với nó rồi thì chỉ cần chút sáng tạo tìm tòi nữa thì tự dưng trở thành nghệ thuật. Người nghệ nhân làm sao phải làm trăm chiếc diều đều không bị lỗi, nghìn chiếc sáo mỗi tiếng khác nhau mà thanh âm vẫn trong trẻo thì mới hay, mới tài”.

Về Song An (Vũ Thư), có lẽ khách lạ không phải hỏi đường nhiều. Nếu trời tạnh ráo, nắng nhẹ, gió vi vu thì chỉ cần theo đường từ bóng những con diều trên nền trời mà đến. Dù từ nẻo đường nào, cứ theo bóng diều ấy thì đích đến không sai.

Đây là đất quy tụ những tay chơi diều thiện nghệ nhất Bắc bộ nếu không muốn nói là cả Việt Nam. Ở xã này, cũng là xã duy nhất có ngôi đền thờ diều. Đền ấy có tên chính thức cổ xưa là Sáo Đền.

Họ đã nâng diều tới bực thánh nhân, ngõ hầu con trẻ lẫn lão bộc biết trọng tôn giá trị sáng tạo. Cũng vì cái nghèo, cái khó của đồng ruộng nơi tệ ấp chốn quê mùa xưa mà người ta biết bay bổng những mơ ước. Để rồi đây, nam phụ lão ấu thời công nghệ cũng chẳng quên lối chơi thuần Việt vậy.

Cụ Chiêm, tôi chẳng dám hỏi cụ họ gì, chỉ biết cụ 80 năm ròng gắn bó với diều như tri kỷ. Hôm tôi đến, trời đổ mưa rả rích khiến cụ buồn lắm. Mưa đồng nghĩa với việc phải khiên cưỡng ẩn náu trong nhà. Còn nếu nắng, cụ thực hiện đúng theo câu ca “Tay bị, tay gậy khắp nơi tung hoành”.

Cụ bảo, người chơi diều cũng là người của giời. Người diều - đời gió là vậy. Ngót 90 năm làm người cõi trần, sống 365 ngày mỗi năm thực chỉ có vài ba ngày là có nghĩa. Ngày có nghĩa ấy chính là những khi làng vào hội - hội đua diều ở Sáo Đền đất Song An.

Như một triết lý sống

Mùa... no gió ảnh 4
Chuẩn bị cho mùa lễ hội.

Tôi ngồi bên vệt cỏ ven đồng Giáo xứ Giáo Nghĩa ở xã Bình Minh (Kiến Xương) ngắm những cánh diều ngược gió cùng anh Nguyễn Văn Khất. Khất là tay đua diều “thâm niên” vùng này. Anh làm hẳn con diều dài 28m, cùng đôi sáo nặng tới 52kg. Nhưng diều và sáo ấy chỉ để trưng bày, nặng quá không cất được gió.

Anh phải lấy con diều nhỏ hơn để đua với các bạn cùng xóm. Anh bảo, chơi diều thì phải biết cái thâm ý của nó. Diều như người vậy, “diều phải ngược gió mới cao, người phải gặp khó mới lao thân mình”. Cuộc sống con người phải đương đầu với khó khăn, với thử thách như cánh diều đương đầu với gió lớn.

Cánh diều cũng là ký ức tuổi thơ. Ai nhìn thấy cánh diều cũng dễ thấy tuổi thơ mình trong đó với những triền đê buổi chiều. Đẹp đấy nhưng gợi buồn, gợi luôn cả những nhân văn sâu thẳm trong thời sống ồn ào.

Cũng tâm ý ấy, ông Hoàng Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam chia sẻ, tuổi thơ ông gắn với đồng quê, với cánh diều. Thuở nhỏ thấy các cụ trong làng mỗi khi nông nhàn thả diều sáo là lại kéo nhau đi xem. Từ yêu thích trở thành đam mê lúc nào không hay. Hình ảnh cánh diều cong vút như in, như khắc trên nền trời xanh, cùng với tiếng sáo vi vút, du dương mỗi chiều hè là những kỷ niệm tuổi thơ không thể nào quên.

Mê diều như ông Điệp cũng là có một không hai. Năm 2008, sau khi đi bộ đội về, ông Điệp xây dựng cả nhà hàng Cánh Diều Vàng, mái cong vút in trên nên trời như một cánh diều no gió, để vừa kinh doanh, vừa thỏa đam mê với thú chơi thuở thiếu thời. Ông Điệp có ý tưởng thành lập một tổ chức để gắn kết những người chơi diều sáo truyền thống, đồng thời góp công, góp của bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc này.

Ông Điệp đã đề xuất với Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thành lập Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Diều Việt Nam. Không chỉ đến Thái Bình, Nam Định... ông Điệp còn đi nhiều nơi, nhiều tỉnh thành vận động các nghệ nhân làm và chơi diều sáo tên tuổi khắp các làng quê đồng bằng Bắc bộ tham gia, như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang…

Mong muốn của những người yêu diều sáo là tập hợp tài liệu, hiện vật liên quan đến di sản diều truyền thống như lịch sử phát triển của các loại diều, các loại chất liệu làm diều từ truyền thống đến hiện đại, các loại diều và sáo diều ở địa phương… để tạo dựng một nhà trưng bày. Cùng với đó, sẽ tổ chức các chuyến điền dã về những vùng quê có truyền thống, có câu lạc bộ chơi diều để hỗ trợ về thông tin, về kỹ thuật, quy tắc chơi diều an toàn, góp phần đẩy mạnh phong trào chơi diều, tiến tới tổ chức các hội thi với quy mô lớn... Tâm huyết ấy thật đáng quý, như một cánh diều đã căng chỉ chực chờ cơn gió mát...

Đêm đến, những cánh diều không ngủ. Tiếng sáo vi vu dìu dặt, lúc xa lúc gần theo hướng gió đưa lại làm ta bâng khuâng. Tiếng sáo đêm nghe vui ít buồn nhiều, nhưng gợi cho người hay trí tưởng tượng một đám người canh diều đang chấm những củ khoai vào đĩa đường trắng giữa màn đêm mà thụ hưởng cuộc sống an nhàn.

Đam mê mới thấu, thả diều không chỉ là trò chơi dân dã, giải trí sau giờ lao động mệt nhọc, mà với người dân, người làng đó còn mang cả tính tín ngưỡng. Ý nghĩa sâu xa của hội diều là lễ cầu tạnh của cư dân trồng lúa nước, mong muốn sau mùa đông xuân, thời tiết không còn ẩm ướt, âm u. Diều gặp gió lên thẳng, vươn cao, sáo diều ngân nga, thánh thót tức là lễ hội thành công, báo hiệu năm ấy mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tật bệnh tiêu tan. Qua cánh diều, nông dân cũng nhận biết được thời tiết mưa nắng để dự liệu việc đồng áng… Đây là vốn tri thức được truyền qua các thế hệ mà cánh diều chuyên chở bay cao.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ