Mưa lũ ở miền Trung do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ảnh minh họa). |
* Tại Hà Tĩnh, có 17/22 xã của huyện Hương Khê; 9/12 xã của huyện Vũ Quang bị ngập chìm trong nước lũ. Có 20.966 nhà dân bị nhấn chìm hoàn toàn, nặng nhất là huyện Hương Khê với 20.000 ngôi nhà bị ngập
* Mưa lớn trên địa bàn Quảng Bình đã làm ngập 34.650 nhà dân tại 6 huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, Lệ Thủy và Quảng Ninh.
* Tại Quảng Trị, ngập lụt trên diện rộng đã khiến khiến một số tuyến đường trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, ĐaKrông và Hướng Hóa bị ngập sâu, chia cắt. Có trên 5.500 hộ dân bị ngập lụt.
* Tại Thừa Thiên Huế tình trạng ngập lụt xảy ra tại 11/24 xã phường của thành phố Huế; 5 xã thuộc huyện Phong Điền dọc theo sông Ô Lâu; 3 xã huyện Phú Vang; 3 xã huyện Hương Trà; 4 xã huyện Quảng Điền bị ngập từ 0,3-0,5m.
Mưa lớn cũng đã khiến giao thông đường sắt tê liệt ở các điểm từ Nghệ An đến Quảng Bình; lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung đều đã vượt báo động 3 và chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 1979 là 0,1m.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động; cần kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc cần tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Đối với các hồ chứa cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, thực hiện vận hành điều tiết bảo đảm an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình.
Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vung hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời đối phó.
TH