Mùa hè "chật chội" của trẻ em thành phố

Mùa hè "chật chội" của trẻ em thành phố

(GD&TĐ) - Tôi tự hỏi: liệu các em sẽ thả diều ở đâu khi trên đầu lúc nào cũng chằng chịt dây điện, cao vút những tòa nhà chọc trời? Các em sẽ chạy nhảy ở đâu khi mà vỉa hè bị lấn chiếm, sân bãi trở thành nơi để xe? Bất kì nơi nào cũng có thể là mối đe dọa đầy nguy hiểm đến con trẻ mà chúng ta không thể yên tâm để chúng vui chơi được.

Mỗi năm đến kỳ nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh lại đắn đo trước sự lựa chọn sân chơi theo đúng năng khiếu và sở thích của con em mình. Chơi gì và chơi ở đâu để vừa đảm bảo an toàn mà con vẫn được phát triển đúng sở trường luôn là tiêu chí hàng đầu của những người làm cha, làm mẹ. Có lẽ điều này chỉ đúng, chỉ phù hợp với những trẻ em ở thành phố, khi mà điều kiện vật chất đầy đủ, môi trường xung quanh ô nhiễm, chật hẹp, con người lại dễ dàng vô cảm, thiếu thân thiện... Trẻ sẽ học được gì nếu chúng tiếp xúc với những điều như vậy? Nhiều trung tâm, lớp học hè mở ra nhan nhản và lại tạo điều kiện cho các em tiếp tục bận rộn với việc học thêm văn hóa và các loại hình khác.

Trẻ học làm nhà thiết kế
Trẻ học làm nhà thiết kế

Còn mùa hè của trẻ em nông thôn, miền núi là những trò chơi dễ tìm, dễ thấy... chẳng phải đi đâu xa, những đứa trẻ ấy cũng có một khoảng không gian đủ rộng để bắn bi, ú tìm, đánh trận giả hay bắt dế, thả diều, bơi lội, đá bóng...

Các em sổi nổi đá bóng trên nền đất
Trẻ em Hà Giang sổi nổi đá bóng trên nền đất

Thậm chí lớn hơn chút nữa nhiều em còn phụ giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ, gặt lúa, nuôi gà... trong suốt tháng hè không đến trường của mình. Ấy thế nhưng, các em vấn phát triển một cách rắn rỏi, khỏe mạnh. Khi tôi hỏi bố mẹ các em về con của họ, họ đều có chung một tâm trạng yên tâm và biết chắc: “chúng chỉ loanh quanh ở gần đây thôi”. Thậm chí họ còn đọc vanh vách tên thằng Minh Tèo, con My Tít... những đứa chúng đang chơi cùng. Hầu hết trò chơi của các em đều không hề tốn kém, chỉ cần một vài cọng rơm, que tre, quả bóng, hòn bi... là đã tạo nên một mùa hè đầy sôi động. Các em tự học cách vót tre làm diều, kết chun làm dây nhảy... môi trường tự nhiên chính là lớp học của các em – những đứa trẻ chạy chân trần trên nền đất để tung cú sút bóng vào cung thành được đánh dấu bằng hai viên gạch, những đứa trẻ thả hồn theo cánh diều cao tít mà chúng đã cùng nhau tô vẽ, cắt dán suốt mấy ngày trời... Ắt hẳn kí ức về tuổi thơ của những đứa trẻ ấy sẽ là những kỉ niệm ngập tràn màu sắc. 

Trận đấu kéo co diễn ra đơn giản nhưng thu hút nhiều bạn nhỏ
Trận đấu kéo co diễn ra đơn giản nhưng thu hút nhiều bạn nhỏ

Điều này có lẽ ngay cả với người lớn chúng ta đang sống ở chốn đô thành cũng khó bao giờ có được. Tôi tự hỏi: liệu các em sẽ thả diều ở đâu khi trên đầu lúc nào cũng chằng chịt dây điện, cao vút những tòa nhà chọc trời? Các em sẽ chạy nhảy ở đâu khi mà vỉa hè bị lấn chiếm, sân bãi trở thành nơi để xe? Bất kì nơi nào cũng có thể là mối đe dọa đầy nguy hiểm đến con trẻ mà chúng ta không thể yên tâm để chúng vui chơi được. Một sự thật thấy rõ, Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung đều đang thiếu đất chơi cho trẻ. Người lớn chúng ta sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng để xây dựng tòa nhà cao ốc đồ sộ, xây dựng các khu trung cư cầu kì và sang trọng, xây dựng những cây cầu lớn nhỏ khác nhau... Nhưng một sân chơi theo đúng nghĩa cho trẻ thì ít người lớn nào quan tâm đến. Nơi mà ở đó trẻ được an toàn tiếp xúc với môi trường tự nhiên, được trải nghiệm những trò chơi dân gian tập thể đầy thú vị, được hòa mình với bạn bè, tự do vui đùa, chạy nhảy, khám phá... chắc chắn trẻ sẽ học được nhiều hơn, nhớ được lâu hơn, và cảm thấy thích thú hơn khi được tự mình học hỏi.

Khu vui chơi của trẻ bị lấn chiếm
Khu vui chơi của trẻ bị lấn chiếm

 Vào năm học, các em thường bận rộn với quỹ thời gian học văn hóa trên lớp, học thêm, làm bài tập về nhà. Nghỉ hè các em cũng đi học ngoại khóa, học năng khiếu. Khái niệm về những trò chơi dân gian đang ngày càng bị mất dần đi trong tiềm thức của trẻ em Hà Thành. Thực tế, ngoài thời gian đi học, các em chỉ ở nhà, xem phim, chơi đồ chơi, sử dụng máy tính mà chẳng quan tâm tới người bạn cùng trang lứa ngay gần nhà. Có phải chúng ta đang vô tình tạo cho trẻ lối sống thờ ơ và ích kỉ hay không? Điều này giải thích cho lý do tại sao trẻ ở nông thôn lại có tính tập thể, tự giác, sức đề kháng và ý thức vươn lên cao hơn rất nhiều so với trẻ ở thành phố?

Thu Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ