(GD&TĐ) - Chúng ta đang sống trong giai đoạn nóng nhất từ 1.400 năm nay - các nhà khoa học khẳng định như vậy trên tạp chí “Nature Geoscience” (Anh).
Khoảng 80 nhà khoa học từ 24 quốc gia đã phân tích các dữ liệu liên quan đến sự dao động nhiệt độ trên tất cả 7 châu lục. Các dữ liệu được thu thập từ vòng tuổi của gỗ, phấn hoa lưu trữ trong các lớp trầm tích, lõi băng… Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng các thông số đo lường do tổ tiên của chúng ta để lại và do các nhà khoa học hiện đang làm việc trên khắp thế giới cung cấp.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm thay đổi quá trình lạnh toàn cầu, bắt đầu từ 300 năm về trước. Từ cuối thế kỷ XIX, nhiệt độ trung bình trên hành tinh tăng khoảng 0,8 độ C. Trong những năm 1971 - 2000, nhiệt độ trung bình được xem là cao nhất trong các khoảng thời gian gồm 3 thập kỷ, tính trong vòng 1400 năm trở lại đây.
Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng mùa hè năm 2003, khi có khoảng 70.000 người chết vì những đợt nắng nóng và hạn hán ở châu Âu, là mùa hè nóng nhất trong 2000 năm qua trên châu lục này.
Nơi nóng lên nhanh nhất, gấp hai lần nhiệt độ trung bình toàn cầu, là vùng Bắc cực. Các nhà khoa học ở trường đại học Harvard (Mỹ) cho biết, những mùa hè Bắc cực trong hai thập kỷ gần đây là nóng nhất trong khoảng thời gian 600 năm nay.
Bắc cực là khu vực quan trọng bởi nó ảnh hưởng đến khí hậu toàn bộ bán cầu bắc. Tại hội thảo về nghiên cứu Bắc cực “Arctic Science Summit Week” năm 2013 tại Kracow (Ba Lan), các nhà khoa học đã bàn luận về những biến đổi đột ngột của khí hậu khu vực này. Bên lề hội thảo, giáo sư John Walsh, nhà khí hậu học ở trường đại học Alaska (Fairbank - Mỹ) đã trả lời phỏng vấn báo chí.
- Tại nhiều quốc gia, tháng Ba vừa rồi là một trong những tháng lạnh nhất trong lịch sử. Nhiều nhà khoa học cho rằng, mặc dù có hiện tượng nóng lên toàn cầu nhưng tại nhiều khu vực bán cầu bắc vẫn còn băng giá và tuyết trong tháng Ba. Lý do là lớp vỏ băng trên Bắc Băng dương ngày càng tan chảy mạnh. Hiện tượng này có ảnh hưởng như thế nào tới mùa hè năm nay?
Giáo sư John Walsh: Tất nhiên ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy biến đổi khí hậu xảy ra ở phương Bắc ảnh hưởng đến mùa thu hay mùa đông. Còn nếu nói về mùa hè thì sự nóng lên ở Bắc cực hầu như không ảnh hưởng gì.
- Tại sao vậy, thưa giáo sư?
Giáo sư John Walsh: Vào mùa hè, chỏm băng vùng cực ngày càng mỏng đi chứng tỏ vào mùa thu và mùa đông những lớp băng dưới đáy đã nhận được từ Bắc Băng dương nhiều nhiệt lượng hơn so với trước kia. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa vùng Bắc cực và các khu vực có vĩ độ thấp hơn cũng ngày càng giảm đi. Điều này làm nhiễu loạn sự tuần hoàn của không khí.
Ngược lại, vào đầu mùa xuân, sau thời kỳ đêm Bắc cực kéo dài vài tháng, toàn bộ đại dương lại bị băng bao phủ. Chỏm băng này cũng co lại, nhưng rất chậm chạp và không ảnh hưởng tới thời tiết mùa hè.
Cũng cần nhớ lại rằng tháng 3/2012 là một trong những tháng ấm áp nhất. Nhiệt độ trung bình dao động từ năm này sang năm khác và đó là những dao động tự nhiên. Vì thế chúng ta cần coi đó là hiện tượng bình thường.
- Các mô hình khí hậu cho thấy có sự sụt giảm mạnh về diện tích chỏm băng trên Bắc Băng dương. Tuy nhiên các nhà khoa học Nga cho rằng trong vòng vài ba năm tới Bắc cực sẽ lại lạnh đi?
Giáo sư John Walsh: Có thể họ đưa ra kết luận đó vì căn cứ vào những dao động tự nhiên của nhiệt độ trên khu vực bắc Đại Tây dương hoặc Thái Bình dương. Đại Tây dương đang đến gần cuối pha “nóng ấm”, còn Thái Bình dương đang ở trong giai đoạn lạnh đi. Chắc là chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ biết được họ có lý hay không.
Tuấn Sơn (Theo báo nước ngoài)