Một việc làm cần thiết cho văn hóa nơi công cộng

GD&TĐ - Từ ngày 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng, trong đó hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.0000 đồng (quy định cũ từ 200.000 – 300.000 đồng). 

Một việc làm cần thiết cho  văn hóa nơi công cộng

Với quy định sẽ được áp dụng và thực thi này, liệu có đủ sức “nặng” để răn đe, cũng như ý thức của người dân có được nâng cao?

Khi Nghị định mới được thực thi thì tôi nghĩ, đại đa số người dân nói chung, và hết thảy những công dân có ý thức sống, ý thức với môi trường nói riêng đều rất vui, đồng tình ủng hộ, bởi có làm mạnh tay, đánh vào “túi tiền” của những người vô ý thức, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng, xã hội như thế thì may ra môi trường sống mới được cải thiện, đồng thời hình ảnh mỹ quan mới không bị làm xấu xí đi bởi tình trạng quá nhiều người cứ thản nhiên đại, tiểu tiện bừa bãi ở nơi công cộng(?!)

Theo quan điểm cá nhân tôi, để mọi người dân tuân thủ, thực hiện tốt Nghị định này, ngoài việc các thành phố, thị xã, thị trấn phải xây dựng, lắp đặt thật nhiều các khu, cụm nhà vệ sinh công cộng, được phân bổ hợp lý ra, thì cũng nên đồng loạt miễn phí tiền đi vệ sinh. Việc miễn phí tiền đi vệ sinh cho người dân, theo tôi là một cách làm rất hay, mà song hành cùng với quy định phạt tiền nặng như Nghị định 155/2016/NĐ-CP mới ban hành, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.

Với những người sống có ý thức thì không nói làm gì, nhưng với một bộ phận cư dân không nhỏ, khi họ sống có ý thức quá thấp kém thì việc có nhiều hay ít nhà vệ sinh không quan trọng, mà điều quan trọng với họ là nếu bị mất tiền đi vệ sinh (dẫu chỉ là 1 - 3 ngàn đồng/lượt), họ sẽ không vào đó, mà sẽ thản nhiên xả bậy bạ đâu đó ngoài lề đường, bãi cỏ, gốc cây...

Trong những năm gần đây tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... chuỗi hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã được xây dựng, lắp đặt khá nhiều, vậy mà tình trạng người dân đại, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng cũng chỉ giảm đôi chút.

Sở dĩ vẫn còn có nhiều người phóng uế, tiểu tiện bừa bãi, làm mất vệ sinh nơi công cộng, một phần cũng vì chính quyền chưa thật mạnh tay để áp dụng phạt tiền; phần nữa số nhà vệ sinh công cộng miễn phí còn chưa nhiều (đại đa số vẫn thu phí).

Như đã nói, một khi chính quyền mạnh tay bắt phạt với hành vi đại, tiểu tiện bừa bãi nơi công cộng, kết hợp với hết thảy các khu nhà vệ sinh công cộng đều mở cửa phục vụ miễn phí, thì chắc chắn bộ phận những người sống thiếu ý thức, luôn có ý “tiết kiệm”, không muốn mất tiền, mà xưa nay quen thói xả bậy, sẽ vào... nhà vệ sinh để “giải quyết nỗi buồn”! Bởi vì, thứ nhất nhóm đối tượng này sẽ sợ phạt tiền nên không dám xả bậy liều, và thứ hai là vào nhà vệ sinh công cộng đâu có mất tiền, không hao hụt kinh tế bản thân, nên vào đó cho yên ổn!

Việc thu tiền đi vệ sinh của người dân ra vào nhà vệ sinh công cộng thiết nghĩ là không hề nhiều, mà việc chi tiền ra để trả lương công nhân cũng như duy trì sự hoạt động của nhà vệ sinh công cộng chủ yếu vẫn do chính quyền địa phương chi trả.

Chính vì vậy mà chúng ta không cần tính đếm tới nguồn thu ít ỏi bằng tiền phí vệ sinh, mà nên miễn phí hoàn toàn trong tất cả hệ thống các nhà vệ sinh công cộng trên toàn quốc, bởi như tôi đã nói, nó sẽ rất hiệu quả trong việc “nâng tầm ý thức” của một bộ phận dân cư bấy lâu nay vẫn sống thiếu trách nhiệm, sống thiếu ý thức với cộng đồng và môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ