Một thông điệp mạnh mẽ của Moskva

Một thông điệp mạnh mẽ của Moskva

(GD&TĐ) - Cả tuần qua, câu chuyện Nga bán vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa diệt hạm “Yakhont” đời mới cho Syria được cả thế giới quan tâm theo dõi. Vậy là những nỗ lực của phương Tây qua các chuyến công du Moskva gần đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm ngăn chặn vũ khí Nga đến Syria trong thời điểm nhạy cảm này đã tan thành mây khói. Moskva đã hành động cứng rắn để bảo vệ đồng minh và cũng là bảo vệ quyền lợi của họ ở Trung Đông - một động thái hiếm thấy trong những năm gần đây.

Ngày 16/5, báo chí Mỹ trích lời các quan chức nước này đồng loạt đưa tin Nga đã chuyển cho Syria vũ khí hiện đại, trong đó có “sát thủ chiến hạm” Yakhont. Cùng với thông tin Moskva sẽ cung cấp cho Damascus 6 bệ phóng tên lửa S-300 theo “hợp đồng cũ”, phương Tây như ngồi trên đống lửa. Sở hữu tên lửa Yakhont và S-300, chính quyền của Tổng thống Bashar Assad yên tâm bảo vệ vùng trời và vùng biển của Syria trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Thực ra, loại tên lửa “sát thủ chiến hạm” Yakhont có tầm bắn 300 km đã được Nga cung cấp cho Syria từ trước đó. Năm 2011, lô đầu tiên gồm 72 tên lửa, 36 bệ phóng và các thiết bị hỗ trợ đã được Moskva bàn giao cho Damascus theo hợp đồng ký từ năm 2007. Tuy nhiên, theo các nguồn tin tình báo, loại “sát thủ chiến hạm” mà Moskva cung cấp cho Damascus lần này được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn nhiều so với số tên lửa được cung cấp trước đó. Báo New York Times lưu ý rằng tất cả những việc làm của Nga đều diễn ra trong bối cảnh các đại diện của Nga, Mỹ, Anh đang bàn bạc về một hội nghị hòa bình cho Syria. Các Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã cáo buộc Nga “tiếp sức cho chế độ độc tài”, “làm tổn thương những nỗ lực thực hiện tiến trình chuyển đổi chính trị ở Syria”. Tờ Wall Street Journal loan báo rằng Nga đã gửi 10 tàu chiến đến tuần tra ở vùng biển Địa Trung Hải gần  căn cứ quân sự Tartus ở Syria. Mỹ và Israel coi đây là thông điệp cứng rắn của Moskva nhằm ngăn chặn phương Tây và Israel can thiệp quân sự vào Syria.

Một thông điệp mạnh mẽ của Moskva ảnh 1
Một số hình ảnh về “sát thủ chiến hạm” Yakhont

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Lầu Năm Góc ngày 17/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gọi quyết định bán vũ khí Nga cho Syria là “quyết định đáng tiếc”, rằng Nga đã giúp chính quyền Bashar Assad kéo dài xung đột đẫm máu tại Syria. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey xác nhận việc Moskva gửi tên lửa Yakhont cho Syria và khẳng định việc làm của Moskva đã khuyến khích chính quyền Bashar Assad có những hành động liều lĩnh hơn.

Theo Wall Street Journal, các quan chức Lầu Năm Góc hiểu rằng Moskva đang phô diễn sức mạnh trong một nỗ lực nhằm củng cố vị thế của họ ở hội nghị đàm phán về tương lai của Syria. Đặc biệt, Tổng thống Nga V.Putin không muốn “kịch bản Lybia” được tái diễn ở Syria. Các động thái của Nga vào thời điểm này được đánh giá là rất mạnh mẽ và kiên định. Tại cuộc họp báo chung trong khuôn khổ chuyến thăm Moskva của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi không hiểu tại sao báo chí Phương Tây lại quá lưu ý đến việc bán vũ khí cho Syria. Chúng tôi công khai việc bán vũ khí cho Syria theo một hợp đồng đã ký trước đây. Hoạt động xuất khẩu vũ khí này không vi phạm bất kỳ hiệp ước quốc tế nào cũng như luật pháp của Nga…Việc chúng tôi cung cấp hệ thống phòng không cho Syria không làm mất sự cân bằng sức mạnh trong khu vực”.

Việc chuẩn bị “nhân sự” và chương trình cho hội nghị quốc tế về hòa bình ở Syria cũng thể hiện quan điểm cứng rắn của Moskva với mục đích không để hội nghị bị lái theo những lợi ích khác. Trước đây, Nga và Mỹ đã từng bất đồng trong việc mời Iran tham gia đàm phán giải quyết xung đột ở Syria. Lần này, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov khẳng khái tuyên bố: “Iran có mối quan hệ chặt chẽ với Syria… Tôi nhấn mạnh rằng không có thành kiến mang tính chính trị nào có thể ngăn cản Iran tham gia vào tiến trình chuẩn bị cho hội nghị sắp tới về Syria”.

Như vậy, quan điểm của Nga là hết sức rõ ràng và đầy thuyết phục.

Những cam kết ủng hộ mạnh mẽ cùng vũ khí tối tân của Nga dành cho chế độ của Tổng thống Bashar Assad giữa lúc Israel và Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng hối thúc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria là những nỗ lực đáng ghi nhận của Moskva. 

Những năm gần đây, Nga được coi là cường quốc bị thất bại trong cuộc chiến địa chính trị với phương Tây. Dư luận xã hội Nga từng bức xúc khi lãnh đạo nước này khoanh tay đứng nhìn những đồng minh quan trọng của Nga như: Nam Tư, Kosovo, Iraq, Lybia bị thất thủ trước sức mạnh quân sự của phương Tây. Ở Trung Đông, Syria được coi là đồng minh cuối cùng của Moskva còn sót lại trên bản đồ địa chính trị khu vực. Nếu không bảo vệ được Syria, nói theo cách của các nhà phân tích, Nga sẽ là “người khổng lồ cô độc”. Đừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria! Nga không muốn là “người khổng lồ cô độc”! Đó là thông điệp mạnh mẽ mà Moskva muốn gửi đến Mỹ và NATO.      

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ