Có thể nói, đổi mới như một làn gió mát lành lan tỏa bao trùm mọi hoạt động của xã hội. Hòa nhập trong không khí đó, Báo Người giáo viên nhân dân cùng tôi cũng trăn trở, tìm hướng đổi mới: đổi mới về nội dung, đổi mới về hình thức...
Ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ đắc lực cho ngành Giáo dục , Báo muốn mở rộng nội dung và hoạt động để thu hút và đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài ngành.
Giữa lúc đó, đời sống Văn học nghệ thuật đang bộc lộ nhu cầu đánh giá lại một số tác giả, tác phẩm, một số hiện tượng văn học, mà trước đây, do nhiều lý do chưa được đánh giá đúng, hoặc có cái nhìn phiến diện, một chiều, thậm chí sai lệch.
Nắm bắt và đón đầu nhu cầu này, lãnh đạo Báo quyết định ra số phụ trương đặc biệt "Nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học" nhằm trả lại giá trị đích thực cho những tác phẩm nói trên.
Cung cấp mở rộng vốn tri thức về văn chương cho các nhà trường, nhất là đội ngũ cán bộ nhà giáo dạy văn, để từ đó năng cao chất lượng dạy và học văn.
Mục đích thứ ba khá quan trọng, là góp một tiếng nói đổi mới với đời sống văn học nghệ thuật nước nhà (một cách để Báo dần vươn ra xã hội).
Là phóng viên văn hóa văn nghệ của Báo lúc đó, tôi được giao là người triển khai chính công việc này. (Báo Người giáo viên nhân dân ngày đó ra theo kỳ, 2 tuần 1 số 8 trang, sau mới tuần 1 số. Phóng viên của báo, kể cả lãnh đạo có hơn chục người. Mỗi phóng viên được giao phụ trách một mảng nội dung trên báo và thực hiện "từ A tới Z", chưa tổ chức thành phòng, ban như ngày nay).
Nhận nhiệm vụ mà tôi rất lo, vì đây là việc mới mẻ (Báo lần đầu làm phụ trương), bản thân lại chưa có kinh nghiệm gì. Nhưng đã là nhiệm vụ thì không thể khác. Chỉ còn tự nhủ: Cố gắng thực hiện sao cho tốt.
Sau khi tìm hiểu, suy nghĩ kỹ và lắng nghe góp ý của các đồng nghiệp trong tòa soạn, nhất là của lãnh đạo báo, tôi lập một kế hoạch triển khai gồm 2 phần chính: Một là những tác giả, tác phẩm... cần đánh giá lại như: phong trào Thơ mới, dòng văn học lãng mạn...
Rồi Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Bên kia sông Đuốngcủa Hoàng Cầm... Hai là, người viết bài phải là người am hiểu về văn chương, có trình độ lý luận và thực tiễn, có uy tín nghề nghiệp và xã hội...
Không ai khác là các nhà văn, nhà lý luận phê bình, nhà giáo lâu năm có kinh nghiệm. Tôi nghĩ thế nên các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Hoàng Cầm, Xuân Diệu, Bùi Hiển, Vũ Quần Phương, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Lưu, Bùi Việt Thắng... được "đưa vào tầm ngắm".
Tôi còn dự kiến mời thêm một số nhà giáo dạy văn phổ thông lâu năm, có kinh nghiệm của Hà Nội cùng tham gia như Vũ Dương Quý, Lê Đình Mai...
Để tờ phụ trương bớt nặng nề và thêm phần hấp dẫn, tôi chọn một số văn, thơ hay viết về thầy giáo và nhà trường đưa vào. Tạm coi như nội dung thứ ba. Được lãnh đạo chấp nhận rồi, khâu thực hiện mới thực là khó khăn.
Mời được các nhà văn, nhà thơ tham gia thật không dễ. Họ lại ở rải rác khắp thành phố, phương tiện liên lạc lại rất hạn chế. Ngày đó, điện thoại bàn chỉ cơ quan mới có, nói chi đến di động. Phương tiên di chuyển của phóng viên cũng chỉ là chiếc xe đạp.
Đành! Không kể sớm tối, nắng mưa, chiếc xe đạp cùng tôi rong ruổi khắp thành phố, nhiều người phải đến ngoài giờ, đến ban tối mới gặp. Mỗi ngày phải tới không chỉ một lần.
Có người phái tới gặp tới 3, 4 lần: đến đặt bài, đến nhận bài, đến yêu cầu sửa chữa nếu có.v.v. Rất may cho tôi là các nhà văn, nhà báo được mời viết bài ít người từ chối. Phần vì thấy vấn đề Báo đặt ra có ý nghĩa, thiết thực, nên ủng hộ, phần vì thấy được Báo và phóng viên tôn trọng, tín nhiệm mình.
Ngày tờ phụ trương từ nhà in về tòa soạn, cơ quan tấp nập như ngày hội. Bộ phận phát hành làm việc quên cả trưa chiều, làm sao để báo về các địa phương nhanh nhất (Phụ trương này báo tự phát hành). Hà Nội và vài tỉnh gần Hà Nội thì các cơ sở giáo dục lấy báo tại tòa soạn.
Báo về địa phương, hồi âm trở lại tòa soạn rất nhanh: Các địa phương hoan nghênh. Đặc biệt, các nhà giáo dạy Văn, gần như người nào cũng mua để làm tư liệu tham khảo, giảng dạy. Riêng ở Hà Nội, tờ phụ trương sớm có mặt trên nhiều sạp báo, thu hút được sự chú ý của nhiều bạn đọc ngoài xã hội.
Một lần, có việc phải sang trụ sở của Hội Nhà văn ở 65 Nguyễn Du, gặp một số bạn bè và nhà văn quen biết ở đây, ai cũng nhắc đến tờ phụ trương của Người giáo viên nhân dân, chứng tỏ là mọi người đã đọc.
Bên cạnh lời khen ngợi, động viên vì cho đây là một tờ phụ trương tốt, có ý nghĩa và kịp thời. Một nhà văn đã chân tình bảo tôi: "Việc này đáng lẽ là của Hội Nhà văn. Người giáo viên nhân dân của các bạn đã đi trước một bước".
Nghe mà thật vui! Hạch toán tờ phụ trương ấy, do tự phát hành, Báo cũng thu được một khoản kinh phí (không nhiều) góp phần cải thiện chút ít đời sống cho cán bộ, phóng viên.
Tuy nhiên, đó không là mục đích chính. Cái đích mà Báo vươn tới ở tầm chiến lược hơn, là thử sức và từng bước đưa tờ báo ra xã hội- công việc mà Báo đã kiên trì và cố gắng từ nhiều năm nay, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi.
Các đồng nghiệp trẻ ngày nay chắc khó hình dung được việc làm báo của chúng tôi vài chục năm trước. Bởi ngày nay, những công việc tương tự, có thể các bạn chỉ cần ngồi ở tòa soạn, với vài lần nhấp chuột...
Ngay cả với chúng tôi, đó cũng đã là kỷ niệm của một thời... Và, sau những bận rộn và vất vả ấy, cái được lớn hơn với tôi là xây dựng cho Báo một đội ngũ cộng tác viên có trình độ, có tay nghề, có uy tín xã hội cao, là những nhà văn, nhà giáo.
Sự có mặt thường xuyên bài vở của họ trên mặt báo đã không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tờ báo mà còn tạo thêm uy tín cho Báo với bạn đọc trong và ngoài ngành.
Chính họ đã giúp tôi sau đó thực hiện suôn sẻ chuyên mục "Hiểu thêm về tác giả, tác phẩm được chọn giảng trong nhà trường phổ thông" mà Báo giao cho tôi thực hiện trên mặt báo liên tục gần 2 năm liền;
Để đến năm 1987, những bài viết của chuyên mục này được tập hợp lại in trong cuốn "Gặp gỡ các nhà văn có tác phẩm được chọn giảng dạy trong nhà trường" làm tài liệu tham khảo cho các nhà giáo dạy Văn. Cuốn sách in thành hàng vạn bản, được phát hành rất nhanh ở nhiều tỉnh thành trong toàn quốc.