Một sự lựa chọn đúng đắn mang tính chiến lược

Một sự lựa chọn đúng đắn mang tính chiến lược

GS. Bùi Văn Ga
Giám đốc Đại học Đà Nẵng

(GD&TĐ) - Nhìn nhận một cách khách quan, các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục đại học của chúng ta trong những năm đổi mới đã làm hết sức mình để cải thiện điều kiện đào tạo, cập nhật chương trình, đáp ứng được nhu cầu đào tạo cán bộ cho thời kỳ hội nhập. Suất đầu tư bình quân cho một SV trong cả nước trên dưới 7 triệu đồng/năm, xấp xỉ 1% suất đầu tư cho một SV của các nước phát triển mà chúng ta đã làm được như hiện nay quả là một sự cố gắng lớn lao. Tuy còn yếu mặt này, mặt khác nhưng những thành quả đã đạt được là không thể phủ nhận. Vì vậy khi đánh giá thành quả GD-ĐT chúng ta nên hết sức công bằng, không nên chỉ xoáy sâu những mặt yếu mà cần đề cập mạnh mẽ những thành quả đã làm được.

Trong điều kiện kinh tế nước nhà đang ngày càng phát triển, đầu tư cho GD-ĐT tăng dần, các trường ĐH, CĐ đang ra sức nâng cao chất lượng đào tạo, tương xứng với sự gia tăng đầu tư của xã hội. Cách quản lý ĐH theo kiểu nghiệp dư không còn phù hợp trong thời kỳ cạnh tranh hội nhập. Để phát triển bền vững hệ thống chúng ta cần tổ chức quản lý một cách chuyên nghiệp, xây dựng một hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh mang tính lâu dài. Tổ chức quản lý tốt, chúng ta có thể tận dụng được nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, CNKH. Vì vậy trong số rất nhiều việc cần làm, Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đã chọn việc đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đại học làm khâu đột phá, đây là sự lựa chọn đúng đắn và mang tính chiến lược của ngành.  

Sinh viên Việt Nam (ảnh: Internet)
Sinh viên Việt Nam (ảnh: Internet)

Về cách thức tiến hành xây dựng hệ thống văn bản pháp quy chúng ta cần bám sát vào điều kiện thực tế. Thời gian qua đã ban hành những văn bản, thậm chí có những điều đã đưa vào luật GD nhưng khi thực hiện thì vướng khiến các văn bản pháp qui đó chưa đi vào cuộc sống. Ví dụ như qui định về thành lập Hội đồng Trường cho tới nay các cơ sở vẫn còn hết sức lúng túng trong thực hiện. Lý do là chúng ta chưa xử lý được mối quan hệ giữa các tổ chức hiện có với Hội đồng trường. Hoặc như thông tư qui định về cách tính tiền vượt giờ cho giảng viên quá cao so với mức thực tế, các cơ sở cũng không áp dụng được. Vì vậy trong kế hoạch hành động về hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật mới của Bộ, khi ra văn bản pháp quy, chúng ta cần đi sát với điều kiện thực tiễn để các văn bản này đi vào cuộc sống. Làm sao tất cả văn bản pháp qui đều được thực hiện để đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp. Mục tiêu xây dựng các văn bản pháp quy trong những năm sắp tới nhằm đưa hệ thống GD-ĐT vận hành một cách chuyên nghiệp, vì vậy đội ngũ soạn thảo các văn bản này cũng phải chuyên nghiệp. Trong chương trình hành động thực hiện nhị quyết 05 của Ban Cán sự Đảng, Bộ đã xác định lộ trình ban hành 23 văn bản mới. Để đảm bảo chất lượng của các văn bản, Bộ nên thành lập mỗi dự án văn bản một nhóm soạn thảo gồm các cán bộ của Bộ và các chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo. Văn bản trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi phải là văn bản hoàn chỉnh cả nội dung và hình thức, tính toán tác dụng của nó trên mọi khía cạnh. Vì vậy nhóm soạn thảo phải chuyên nghiệp, đầu tư thời gian một cách thích đáng.

Trong thời gian tới, tôi thấy cần bổ sung hoặc hoàn thiện các văn bản sau đây:

- Cơ chế đại học vùng: Mô hình đại học vùng trong 15 năm qua đã thể hiện tính ưu việt của nó trong tập hợp nguồn lực đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo. Xét về tương quan đầu tư/chất lượng đào tạo thì mô hình đại học vùng là ưu việt nhất. Đại học đa ngành qui mô lớn cũng là xu thế phát triển của đại học thế giới. Tuy nhiên cho tới nay cơ chế cũng như hệ thống văn bản pháp qui chưa phân biệt rạch ròi giữa Đại học vùng và trường đại học độc lập dẫn đến sự lúng túng trong quản lý. Nếu xem các trường Đại học thành viên của Đại học vùng có đầy đủ mọi quyền tự chủ như một trường Đại học độc lập thì đại học vùng phải có cơ chế hoạt động, quyền tự chủ cao hơn thì mới hợp lý. Vì vậy trong quyết tâm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý lần này đề nghị Bộ nên quan tâm đến cơ chế và hệ thống văn bản pháp qui đối với các đại học vùng để nó có thể phát triển bền vững.

- Quản lý cán bộ giảng dạy: Hiện nay chúng ta đã có qui chế đối với cán bộ giảng viên. Trên thực tế việc quản lý giảng viên không thể thực hiện theo giờ hành chính được mà quản lý theo khối lượng. Chúng ta cũng chưa có biện pháp chế tài về những người không tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Biện pháp duy nhất mà các trường áp dụng là chế tài thông qua thi đua, khen thưởng. Hiện nay nếu nói giảm qui mô tuyển sinh để tăng chất lượng đào tạo của trường công lập thì cũng rất tương đối vì giảng viên ngoài giờ dạy ở trường họ còn được mời dạy các trường tư thục, các hệ đào tạo không chính qui. Như vậy nếu giảm qui mô tuyển sinh mà không có biện pháp quản lý cán bộ giảng dạy hợp lý thì về toàn cục cũng không làm tăng chất lượng đào tạo. Khi nào chúng ta có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, quản lý chặt chẽ cán bộ, như cho phép người đứng đầu cơ sở GD được trả lương cán bộ theo thực tiễn đóng góp một cách công bằng, thưởng phạt công minh thì chúng ta mới có thể xem SV/GV như một tiêu chí đảm bảo chất lượng thật sự.

- Đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học: Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05 Bộ có nêu 4 công việc rất cấp bách. Theo tôi để tạo điều kiện cho các trường đầu tư nguồn lực thích đáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo Bộ nên bổ sung thêm công việc phối hợp với Bộ Tài Chính có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp vừa rồi có ghi “chất lượng cao, học phí cao”, tạo điều kiện cho các trường tổ chức những chương trình đào tạo tiên tiến, theo chuẩn quốc tế với sự đóng góp tài chính thích đáng của người học.

Trong lớp học (ảnh: Internet)
Trong lớp học (ảnh: Internet)

Về hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở các trường

- Hệ thống giáo trình đại học, cao đẳng: Giáo trình giảng dạy là điều kiện bắt buộc đối với giảng viên đứng lớp. Giáo trình là kiến thức tối thiểu bài giảng cung cấp cho SV vì vậy không thể không có. Đại học Đà Nẵng từ 2 năm nay đã tổng rà soát giáo trình và cuối năm 2010, giảng viên không có giáo trình sẽ không được dạy môn đó một học kỳ để chuẩn bị. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05 Bộ có nêu việc tập hợp lực lượng để viết những giáo trình dùng chung trong hệ thống đại học cả nước. Trước đây chúng ta cũng đã huy động lực lượng để xây dựng hệ thống chương trình khung của tất cả các chuyên ngành đào tạo. Kinh nghiệm cho thấy hình thức huy động truyền thống này không đem lại hiệu quả tốt, kết quả là hoạt động kéo dài, những buổi họp để thảo luận chung vắng mặt nhiều những nhà khoa học quan trọng. Cách hay nhất để thực hiện chủ trương này là tạo các giáo trình điện tử mở để nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia trong nước và Việt kiều có thể đóng góp trí tuệ để hoàn thiện hệ thống giáo trình. Trong điều kiện hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể làm việc này một cách rất hiệu quả bằng cách mở cho mỗi dự án giáo trình một blog để mọi người đăng ký tham gia viết giáo trình. Trên cơ sở đó ban biên tập giáo trình sẽ hoàn chỉnh để in ấn và đưa vào hệ thống giáo trình điện tử của Bộ.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Điểm yếu lớn nhất của các trường đại học ở nước ta hiện nay là công tác NCKH chưa được quan tâm đúng mức. Thầy giáo không NCKH thì không có gì mới để truyền đạt cho SV và cũng không thể dạy cho SV kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển-mục tiêu của GD đại học. Điều quan trọng là làm sao cho cán bộ giảng dạy nhận thấy được tầm quan trọng của NCKH, xem đó là trách nhiệm của mình để tự giác hoạt động. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể đồng loạt nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH cho tất cả các trường cũng như cho tất cả các ngành trong mỗi trường được mà nên phân tầng đại học trong toàn hệ thống và trong từng trường, tạm gọi là đại học tinh hoa và đại học nghề nghiệp. Chấp nhận đầu tư không đồng đều để phát triển những ngành tinh hoa, mũi nhọn, làm đầu tàu phát triển bộ phận còn lại. Đào tạo sau đại học cũng cần được phân luồng: thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ chuyên nghiệp. Đầu tư tập trung cho các hệ nghiên cứu, không nên chỉ có một hệ đào tạo thạc sĩ như hiện nay. Để làm được việc này, Bộ nên có cơ chế giao cho người đứng đầu cơ sở đào tạo đại học được trả lương phù hợp với công việc của cán bộ trong trường. Những người giảng dạy làm nghiên cứu có công trình tốt được trả lương cao hơn, chí ít cũng bằng một người chỉ làm công tác giảng dạy mà không NCKH. Việc tập cho SV làm quen với NCKH cũng là việc làm rất cần thiết. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ về dạy chuyên đề phương pháp NCKH cho SV.

B.V.G

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ