(GD&TĐ) - Năm học 2012 - 2013 Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và giáo dục trung học, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Hướng dẫn bé tập vẽ. Ảnh: Minh Hằng |
1. Công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh
Để tổ chức tốt các kỳ thi trong năm 2013, sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các kỳ thi trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đối với các kỳ thi:
Chỉ thị về công tác tổ chức và điều hành kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét công nhận tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các kỳ thi cấp Tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh để chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Thừa Thiên Huế vẫn tổ chức thi tập trung tại thành phố Huế như các năm học trước. Công tác chuẩn bị, tổ chức, chỉ đạo, điều hành kỳ thi được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, đảm bảo an toàn, đúng quy chế, xã hội ghi nhận và đồng tình ủng hộ. Không có sự cố nào xẩy ra trong tất cả các khâu của kỳ thi.
Những nét chính về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung ở thành phố Huế:
- Năm nay toàn tỉnh có 15.118 học sinh thuộc 6 huyện, 2 thị xã và thành phố Huế dự thi với tổng số 32 Hội đồng thi. Việc tổ chức đị lại, ăn, ở cho học sinh trước, trong và sau khi thi được UBND các cấp, gia đình học sinh, các nhà trường chăm lo chu đáo. Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức từ thiện hỗ trợ phương tiện đi, về, chỗ ở và hơn 3000 suất ăn trưa miễn phí trong mỗi ngày thi cho các học sinh ở xa về thành phố dự thi.
- Phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT tập trung tại thành phố Huế được tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng thành công, hiệu quả và nề nếp hơn 10 năm qua. Việc tổ chức thi tập trung ở đô thị Huế có nhiều ý nghĩa và thuận lợi cơ bản.
Ngoài việc thuận lợi về điều kiện cơ sở vật chất cho học sinh dự thi, công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo kỳ thi, bảo đảm an toàn cho kỳ thi cũng có nhiều thuận lợi. Đây còn là dịp để các em học sinh làm quen với không khí và môi trường của các kỳ thi lớn vào đại học, cao đẳng sắp tới, là dịp để học sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện giao lưu, học hỏi, tiếp cận với văn hóa, văn minh đô thị, tham quan di tích, danh lam thắng cảnh...
Về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp cho năm học 2013-2014, Thừa Thiên Huế thực hiện theo cả 3 phương thức: Xét tuyển đối với tất cả các trường THCS trên địa bàn tỉnh, xét tuyển có kết hợp kiểm tra môn Tiếng việt, Toán và ngoại ngữ đối với các trường THCS đặc thù (THCS Dân tộc nội trú huyện, THCS trọng điểm chất lượng cao).
Xét tuyển đối với các trường THPT thuộc địa bàn huyện, thị xã. Xét tuyển kết hợp thi tuyển đối với trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Thi tuyển đối với các trường THPT công lập thuộc địa bàn thành phố Huế. Đến ngày 02/7/2013, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đã hoàn thành.
Có thể khẳng định rằng, kỳ thi TN THPT, các kỳ thi và xét tuyển sinh năm 2013 ở Thừa Thiên Huế đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế theo phương án thi đã được Sở GD&ĐT trình UBND Tỉnh phê duyệt.
2. Công tác Kiểm định chất lượng
Đối với cơ sở giáo dục phổ thông: Thực hiện Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2434/SGD ĐT-KTKĐCL ngày 18/12/2012 v/v hướng dẫn công tác KĐCL cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2012 - 2013 và những năm tiếp theo nhằm triển khai kế hoạch đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông. Để nắm tình hình, Sở đã tổ chức 6 đợt kiểm tra, đôn đốc công tác tự đánh giá theo chuẩn mới đối với 19 trường THPT trên toàn tỉnh.
Đối với công tác đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông, toàn ngành hiện có 240 cán bộ, chuyên viên được Bộ GD&ĐT tập huấn và cấp giấy chứng nhận, Sở GD&ĐT đã tổ chức các đoàn đánh giá ngoài thí điểm mỗi cấp học, bậc học một số trường để rút kinh nghiệm triển khai đánh giá ngoài đại trà cho toàn tỉnh.
Đến thời điểm đầu tháng 5/2013 đã đánh giá ngoài và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho 67 trường tiểu học, THCS và THPT theo đúng quy định. Hiện nay các cơ sở đang tiếp tục triển khai công tác KĐCL theo bộ tiêu chuẩn mới.
Đối với giáo dục mầm non: Thực hiện Thông tư số 07/2011/TT-BGDDT ngày 17/2/2011 ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non và Thông tư số 45/2011/TT-BGDĐT ngày 23/11/2011 v/v ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non; CV số 8299/2012/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 4/12/2012 v/v hướng dẫn tự đánh giá trường mầm non theo quy trình rút gọn của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã ban hành các công văn số 2034/SDGĐT-KTKĐCL ngày 20/12/2011 v/v triển khai công tác tự đánh giá trường mầm non năm học 2011-2012 và những năm tiếp theo; công văn số 1641/SGDĐT-KTKĐCL ngày 12/9/2012 v/v hướng dẫn tự đánh giá trường mầm non theo quy trình rút gọn; tổ chức Hội nghị tập huấn tự đánh giá trường mầm non cho đội ngũ cốt cán của các Phòng GD&ĐT, HT, PHT các trường mầm non; đến nay toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tự đánh giá trường mầm non theo quy trình rút gọn.
Qua theo dõi, hầu hết các trường mầm non trên toàn tỉnh là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đảm bảo theo yêu cầu của Bộ, phần lớn vi phạm các tiêu chí 3, 6 của tiêu chuẩn 3 trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường mầm non.
Đối với công tác đánh giá ngoài trường mầm non: Vào đầu tháng 02/2012, Sở đã phối hợp với Cục KT-KĐCL tổ chức lớp tập huấn đánh giá ngoài cho 110 CBGV cốt cán của Sở, Phòng GD&ĐT và Hiệu trưởng các trường mầm non, đến nay Sở đã có đủ số lượng chuyên gia để triển khai đánh giá ngoài trường mầm non trên toàn tỉnh.
Để chuẩn bị triển khai đại trà công tác đánh giá ngoài trường mầm non, Sở đã tổ chức đánh giá ngoài thí điểm 9 trường mầm non trên 9 huyện, thị, thành phố để rút kinh nghiệm, các trường MN được đánh giá ngoài đạt cấp độ đều được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận KĐCL theo đúng quy định của Bộ.
Đánh giá về hoạt động kiểm định chất lượng của Thừa Thiên Huế năm qua:
- Nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường về kiểm định chất lượng giáo dục đã được nâng cao. Hoạt động tự đánh giá ở các nhà trường phổ thông đã làm thay đổi tư duy quản lý giáo dục, cách thức tổ chức điều hành các hoạt động giáo dục, thúc đẩy nhà trường phối kết hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học, bước đầu có chuyển biến tích cực trong việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Có thể khái quát rằng, triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã tạo nên bước đổi mới căn bản và toàn diện của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ nhận thức đến việc chăm lo chất lượng dạy và học, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, đổi mới phong cách quản lý giáo dục, hình thức tổ chức các hoạt động dạy và học…, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
3. Cuộc thi KH-KT học sinh trung học
3.1. Số liệu các năm
CẤP TỈNH | CẤP QUỐC GIA | |||||||
Thời gian tổ chức | Số đề tài | Số trường tham gia | Thời gian tổ chức | Địa điểm | Số đề tài | Số giải lĩnh vực | Số giải toàn cuộc | |
1 (2010) | 12/2009 | 15 | 2 | Đà Lạt | 3 | 1 nhất, 2 ba | 2 nhì 1 ba | |
2 (2011) | 25/01-27/01 | 28 | 26 | Huế | 33 | 2 nhất 3 nhì 3 ba | 1 nhất 2 nhì 2 ba | |
3 (2012) | 15/02-17/02 | 38 | 32 | Huế | 19 | 3 nhất 2 nhì 1 ba | 1 nhất 1 ba | |
4 (2013 | 27/02-01/3 | 45 | 40 | Hà Nội | 5 | 2 nhất 1 nhì 1 ba | 1 nhì 1 ba |
Năm 2011 đề tài “Đo chiều cao và góc trong không gian nhờ hệ gương phẳng” của học sinh Chuyên Quốc Học tham gia dự thi tại Los Angeles, Hoa Kỳ.
3.2. Kinh nghiệm triển khai
Nhận thấy việc tổ chức cho học sinh và giáo viên tham gia NCKH là điều cần thực hiện trong các nhà trường, hè năm 2009 Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã tổ chức các lớp tập huấn cho tổ trưởng chuyên môn, lãnh đạo các trường về phương pháp NCKH.
Từ đó đến nay việc bồi dưỡng cho đội ngũ những người tham gia hoạt động này được chú ý đặc biệt và bồi dưỡng liên tục về nội dung này; tiếp đến Sở cũng đã tổ chức tập huấn lồng ghép hai nội dung NCKH của giáo viên và Cuộc thi KH-KT của học sinh để giáo viên có thể hỗ trợ cùng thực hiện một số đề tài NCKH. Đây là tiền đề quan trọng giúp cho các Nhà trường có điều kiện triển khai một cách khoa học và bền vững.
Đội ngũ các nhà khoa học tại Đại học Huế, các Sở ban ngành có liên quan đã tích cực hỗ trợ nhiều mặt cho các trường phổ thông triển khai hoạt động này.
Đưa hoạt động này vào kế hoạch năm học của các đơn vị từ trường, phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo như một hoạt động bắt buộc hằng năm. Trong quá trình triển khai luôn chú ý đến việc hỗ trợ các trường về điều kiện CSVC, tài chính và nguồn lực khoa học. Lồng ghép một số hoạt động có liên quan như: tổ chức thi ý tưởng sáng tạo trong trường, thi hùng biện tiếng Anh,.. và kết hợp với các cuộc thi khác có liên quan do Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tổ chức.
Có hình thức động viên khuyến khích thích đáng bằng vật chất cũng như động viên bằng các chính sách khen thưởng trong khuôn khổ cho phép.
Hoạt động NCKH trong học sinh là một trong những hoạt động hữu ích và tác động rất lớn đến việc đổi mới phương pháp và tổ chức dạy học trong các trường phổ thông, tuy nhiên lúc khởi đầu cũng như việc duy trì cho được hoạt động này trong các trường gặp rất nhiều khó khăn.
Cần bền bỉ, thúc đẩy và hỗ trợ từ nhiều phía như: Chính sách vĩ mô từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc liên kết giữa các nhà khoa học với các trường phổ thông, hỗ trợ học sinh tiến hành thí nghiệm đối với các thí nghiệm mà thiết bị chỉ có ở các phòng thí nghiệm đặt biệt,… mới mong duy trì hoạt động này lâu dài.
4. Triển khai đề án ngoại ngữ
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành một số công việc ban đầu cho việc triển khai Đề án ngoại ngữ tại địa phương:
-Thành lập Ban chỉ đạo Đề án dạy và học ngoại ngữ ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010 -2020 để tham mưu cho UBND tỉnh về “Kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ ở Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010 – 2016”.
- Tiến hành rà soát lại đội ngũ giáo viên ngoại ngữ; phối hợp Hội đồng Anh để khảo sát toàn thể giáo viên Tiếng Anh ở các trường tiểu học, THCS và THPT trong toàn tỉnh (1050 giáo viên tiếng Anh và 43 giáo viên tiếng Pháp); đồng thời tiến hành rà soát lại tình hình cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông.
- Sau khi khảo sát Sở cũng đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn có tư cách pháp nhân để tổ chức bồi dưỡng 30 lớp cho các giáo viên chưa đạt chuẩn. Sở cũng đã cử giáo viên tham gia học bồi dưỡng kiến thức ngôn ngữ theo các lớp dự án của Bộ tổ chức.
Sở phối hợp với tổ chức Cheer for Việt Nam để bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và kĩ năng thực hành tiếng cho giáo viên tiếng Anh. Sở cũng đã phối hợp với trường ĐHNN Huế để đào tạo giáo viên chuyên Quốc Học dạy song ngữ.
Đồng thời kết hợp với quá trình tự bồi dưỡng và đào tạo lại của mỗi cá nhân giáo để tránh tụt chuẩn so với yêu cầu. Kết quả bồi dưỡng trong hơn 2 năm qua đã bổ sung thêm 494 giáo viên đảm bảo chuẩn trình độ kỹ năng dạy học ngoại ngữ. Tổng số giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn của tỉnh là 684. (B2 đối với giáo viên TH, THCS; C1 đối với THPT).
- Tổ chức dạy thí điểm chương trình tiếng Anh mới cho 3 trường tiểu học trong toàn tỉnh và 110 trường dạy học theo sách tiếng Anh Families and friends và tiến hành đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho dạy - học ngoại ngữ cho 85 trường học; bao gồm các thiết bị như active board, phòng lab, bảng tương tác, phòng ngoại ngữ, thiết bị tăng âm. Tổ chức dạy tiếng Anh thí điểm tiếng Anh 6 cho 2 trường THCS với tổng số 174 học sinh.
Trong năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tiến hành dạy thí điểm tiếng Anh 10 cho 3 trường với tổng số 22 lớp với số học sinh dự kiến 800 em và triển khai dạy thí điểm tiếng Anh 6 trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã với yêu cầu mỗi huyện, thị xã có ít nhất 1 lớp tham gia học thí điểm tiếng Anh 6; riêng 2 trường đã thực hiện thí điểm thì tiếp tục tiến hành thí điểm tiếng Anh 7.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế