(GD&TĐ) - Hiện nay, sự xuất hiện của nhiều chương trình ca nhạc kiểu “ăn xổi”, “mì ăn liền” với ca từ trống rỗng, nhạt nhẽo, nhảm nhí ảnh hưởng tiêu cực ít nhiều tới thị hiếu thẩm mỹ của họ. Trong bối cảnh đó, cuộc thi âm nhạc dành cho những sinh viên yêu mến dòng nhạc cách mạng mang tên “Tuổi 20 hát” xuất hiện trên kênh VTV6 của Đài truyền hình Việt Nam thực sự là một sân chơi bổ ích, đầy ý nghĩa.
Đưa ca khúc cách mạng đến giới trẻ
Một điều dễ nhận thấy về nội dung, đề tài ở các ca khúc cách mạng là tình yêu Tổ quốc, là niềm tự hào về đất nước, quê hương. Chính tình yêu đất nước, quê hương đã được các tác giả thổi hồn làm nên sức ngân vang của những ca khúc như: Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận); Đất nước (Phạm Minh Tuấn); Đường chúng ta đi (Huy Du); Giai điệu Tổ quốc (Trần Tìến)…
Vượt qua mưa bom bão đạn, trải qua vô vàn những gian khổ hi sinh, niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng lạc quan vào tương lai tươi sáng chính là mạch nguồn của những giai điệu mượt mà, tha thiết trong những ca khúc đã đi cùng năm tháng. Bên cạnh nội dung, tư tưởng, sức hấp dẫn của các ca khúc cách mạng còn được tạo nên bởi sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa ca từ trong sáng và giai điệu đẹp, dễ đi vào lòng người.
Trước tình trạng một bộ phận giới trẻ không thích tiếp cận với dòng ca khúc truyền thống, chương trình “Tuổi 20 hát” ra đời phần nào đã thỏa mãn nhu cầu được làm “sống lại những trang lịch sử bằng âm thanh” của những người yêu mến dòng nhạc này. Với thông điệp “Hãy nghe chúng tôi hát – hãy hát cùng chúng tôi”, đến với sân chơi âm nhạc mới này, các bạn sinh viên có dịp thử sức mình với dòng nhạc cách mạng gồm những ca khúc đã đi cùng năm tháng, gắn liền với quá khứ hào hùng của dân tộc.
Vẫn là những bài hát truyền thống, đã trở nên quen thuộc với người yêu nhạc nhiều thế hệ nhưng qua cách biểu diễn, thể hiện sáng tạo của các bạn trẻ tham gia chương trình, những ca khúc cách mạng một thời đã mang một “hơi thở” mới, đậm màu sắc sinh viên. Trực tiếp huấn luyện cho các dội chơi là những ca sỹ trẻ đã thành danh, được giới trẻ yêu thích như: Minh Quân, Hoàng Bách, Khánh Linh.
Các huấn luyện viên đã cất công tới các trường đại học để tìm kiếm thí sinh cho đội của mình. Không gian tuyển chọn các thành viên tham gia các đội chơi rất tự nhiên, gần gũi, có thể là: Ghế đá trên sân trường; dốc cầu thang; bên trong giảng đường. Cách thức tuyển chọn cũng mang đậm “chất” sinh viên khi các huấn luyện viên có thể ngồi ngay ở ghế đá trên sân trường để nghe các thí sinh hát. Sau khi đã được lựa chọn, các thí sinh được huấn luyện viên hướng dẫn tận tình về phong cách biểu diễn, kỹ thuật thanh nhạc.
Không khí trẻ tràn ngập trường quay chương trình "Tuổi 20 hát" |
Cách mạng là sáng tạo
Những biến tấu thú vị, đầy tính sáng tạo trong các phần biểu diễn đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với những người trực tiếp theo dõi tại trường quay và khán giả xem qua truyền hình. Khán giả hẳn sẽ còn nhớ mãi tiết mục “Lên ngàn” của đội ĐH sư phạm Hà Nội được hát theo phong cách opera rock vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn diễn tả được những cảm xúc mạnh mẽ, niềm tin, niềm hi vọng vào chiến thắng của người phụ nữ.
Không ít người cũng tỏ ra thích thú khi đại diện từ Trường ĐH Thăng Long hát bài “Cô gái vót chông” bằng một phong cách trong sáng, trẻ trung, hồn nhiên mà vẫn toát lên khí thế quyết tâm chiến đấu của lớp trẻ một thời.
Bên cạnh đó, hàng loạt ca khúc đã đi cùng năm tháng như: Dậy mà đi, Tình em, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Bài ca trên núi, Tình ca Tây Nguyên, Bài ca bên cách võng… đã được các đội chơi của “Tuổi 20 hát” thể hiện bằng bầu nhiệt huyết và cả sự trân trọng, tri ân với các thế hệ cha anh đã từng một thời làm nên quá khứ hào hùng của dân tộc.
Trong bối cảnh dòng nhạc trẻ trong nước đang xuất hiện những biểu hiện bất cập, thậm chí là lệch lạc thì sự ra đời của những sân chơi âm nhạc như “Tuổi 20 hát” là cần thiết nhằm góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lành mạnh cho giới trẻ.
Dù xuất hiện một số ý kiến trái chiều về việc “làm mới” ca khúc cách mạng nhưng phần lớn khán giả đều ủng hộ sự sáng tạo của các đội chơi nhằm giúp ca khúc tiếp cận dễ dàng hơn với giới trẻ khi họ có cách cảm, cách nghĩ mới.
Điều này càng có ý nghĩa khi qua chương trình, các bạn trẻ tham gia các đội chơi đã thể hiện ý thức giữ gìn, phát huy và tiếp nối những truyền thống quý báu của dân tộc qua dòng chảy âm nhạc cách mạng.
Bùi Minh Tuấn