(GD&TĐ) - Chuyện xảy ra tại một Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Chuyên viên Trung tâm (vốn là một cô giáo) đảm đương phần giáo vụ - là đúng chuyên ngành, chuyên lo phần chuẩn bị khánh tiết, mở lớp mời thầy dạy theo chương trình của mỗi khóa. Trung tâm có 5 người (không kể bảo vệ), hoạt động vẫn bình thường từ trước tới nay, như bất kỳ một trung tâm bồi dưỡng chính trị nào ở các nơi khác.
Ảnh có tính chất minh họa/internet |
Sẽ không có gì đáng nói, nếu như...
Vâng, sự đời ở chỗ cái từ “đáng lẽ, nếu như” lại xuất hiện để tạo thành sự bất thường cho từng cơ sở.
Với Trung tâm này, cũng vậy.
Được biết, có những lý do vô hình từ trên trời rơi xuống, mà người trong cuộc - chủ yếu là nạn nhân - không biết là tại sao lại nghiệt ngã rơi xuống đầu mình nên nỗi oan khiên.
Do không được lòng sếp, nên cô chuyên viên này đã bị sếp đày đọa và cố gắng tìm 1001 lý do để kỷ luật. Trong muôn ngàn lý do, có những lý do “trời ơi”, không có mà cô bị buộc vào, như: Vô tổ chức, vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong chấp hành nghị quyết của Chi bộ, cơ quan, không chấp hành sự phân công, không chấp hành nội quy cơ quan; vi phạm kỷ luật phát ngôn: Phát ngôn tùy tiện, vô nguyên tắc... Cuối cùng, Bí thư chi bộ quyết định: “Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí....”.
Nhìn qua lá đơn, ai cũng nghĩ chắc là tội của cô lớn lắm, chắc chắn cô đã có những phát ngôn động trời nên nỗi cô bị án kỷ luật này là xứng đáng.
Sự thật không phải như vậy.
Theo lẽ thường, trước khi họp kỷ luật đảng viên, phải có cuộc họp Chi bộ, căn cứ vào việc nhận khuyết điểm của đảng viên, trước khi thông qua Chi bộ về mức kỷ luật, có biểu quyết của đảng viên trong Chi bộ. Tuy nhiên khuyết điểm phải rõ ràng, không thể dừng lại ở mức nhắc nhở được nữa. Có như vậy, người vi phạm mới tâm phục khẩu phục. Nhất là, khuyết điểm là để răn đe, không phải dùng đó là cái cớ để trù dập đảng viên, nhân viên dưới quyền mình.
Điều đáng nói là vì quyết định kỷ luật với chứng cớ vu vơ, không có chứng cớ thuyết phục nên quyết định kỷ luật đảng viên của Giám đốc Trung tâm bị phủ quyết. Sau mấy lần đệ đơn kêu oan, cô giáo T-nhân viên của Trung tâm đã có quyết định của Bí thư Huyện ủy chuyển hình thức kỷ luật từ cảnh cáo xuống khiển trách. Cuối cùng, bằng sự nghiêm minh, nhìn lại vụ việc, Huyện ủy ra Quyết định xóa bỏ hình thức kỷ luật khiển trách cho cô, sau gần nửa năm không tìm ra chứng cớ mà Giám đốc Trung tâm đưa ra đòi kỷ luật cô. Thế là sau 3 lần, quyết định của Huyện ủy đã phủ định quyết định sai trái của Giám đốc TTBDCT. Từ cảnh cáo, xuống khiển trách, từ bị khiển trách, cô thành không có lỗi gì.
Dư luận thở phào. Thế là từ nay, nỗi oan khiên của cô đã được gỡ bỏ.
Tuy nhiên, với Giám đốc, đó là nỗi ô nhục. Ông tức lắm. Chẳng làm gì được nhân viên, ông mới ra lệnh bế quan tỏa cảng với cô. Ví như, nhất thiết, mặc bất kỳ lý do gì, cô không - và không bao giờ được phép ra ngoài trong giờ hành chính khi chưa có sự đồng ý của ông. Là đảng viên, cô đã tuân thủ nghiêm túc mệnh lệnh của sếp.
Tuy nhiên, là con người, trong các mối quan hệ từ gia đình đến xã hội - không phải lúc nào cũng nhất nhất ở cơ quan đúng 8 giờ vàng ngọc. Nhất là khi có chuyện đột biến không mong muốn về sức khỏe bản thân cũng như ngoài xã hội.
Chiều 31/10/2012, vì đau bụng, cô T đã viết đơn xin Giám đốc Trung tâm ra hiệu thuốc bên ngoài (có ghi rõ tên hiệu thuốc) mua thuốc để điều trị. Nhưng, ông Giám đốc cương quyết không đồng ý, và ra văn bản: “16h15p ngày 31/10/2012. Giám đốc TTBD Chính trị không đồng ý cho đồng chí H.T.N.T ra ngoài trong giờ làm việc để mua thuốc đau bụng theo đơn trình bày. Việc đi mua thuốc đau bụng, đồng chí thực hiện vào lúc khác không phải giờ làm việc hành chính tại cơ quan”. Ký tên, đóng dấu: Giám đốc Đ N.H.L.
Đọc những dòng trên đây, có lẽ chúng ta không cần lời bình luận lời nào.
Thiết nghĩ, đây không phải là cách ứng xử văn hóa, có tình, mang chất nhân văn lẽ ra phải có ở nơi công sở nói chung và con người với nhau nói riêng. Hành xử thô bạo, ấu trĩ, phi tình, phi lý ấy tiếc thay vẫn và đang xảy ra tại một Trung tâm bồi dưỡng Chính trị ngay tại Hà Nội. Giám đốc không có tầm, và không có cả tâm ấy, liệu có thể giáo huấn, lên lớp được ai khi ứng xử với đồng nghiệp phi nhân văn như vậy.
Sa Mộc