Một ngày làm kỹ sư hạt nhân

Bước qua khu vực an ninh của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, những học sinh vẫn còn e dè, không mạnh dạn đi theo người hướng dẫn để tiếp cận khu vực nhà lò...

Cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hướng dẫn các “kỹ sư” đo liều phóng xạ trong môi trường - Ảnh: M.Vinh
Cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hướng dẫn các “kỹ sư” đo liều phóng xạ trong môi trường - Ảnh: M.Vinh

Chương trình “Một ngày làm kỹ sư hạt nhân” do Đại học Đà Lạt phối hợp thực hiện cùng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với sự tham gia của hơn 100 học sinh có học lực khá, giỏi trên địa bàn TP Đà Lạt. 

Khoác lên người chiếc áo bảo hộ, đi giữa những thiết bị gắn biển báo hiệu có phóng xạ, các bạn nhỏ bắt đầu những thí nghiệm để giải mã hạt nhân...

Ngạc nhiên

"Kể ra đây không phải để các bạn sợ mà không dám đi tiếp với ước mơ của mình. Chỉ là nhớ về những tai nạn để nhắc mình không bao giờ chủ quan"

Tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, các “kỹ sư” nhí được kỹ sư thứ thiệt trao cho những chiếc máy dò phóng xạ hiện đại và hướng dẫn thí nghiệm với các nguồn phóng xạ để từ đó rút ra cách bảo vệ mình trước phóng xạ.

 Nhóm bạn nhỏ được trang bị đầy đủ thiết bị đo liều phóng xạ để đảm bảo không có nguồn phóng xạ vượt ngưỡng an toàn tác động đến. Cầm trên tay bộ máy dò, học sinh Đặng Thị Nhật Quyên (THPT Bùi Thị Xuân, Đà Lạt) rụt rè bấm nút khởi động.

 Cô bạn này không giấu được sự sợ hãi khi nghe những tiếng bíp bíp lớn và liên hồi, tiếng ồn ào trong phòng thí nghiệm bỗng im bặt. Những kỹ sư phải trấn an nhóm học trò rằng đừng quá sợ hãi, chỉ là dữ liệu đo đạc cũ chưa xóa nên máy báo hiệu “có nguồn phóng xạ”.

“Kỹ sư” tiến hành công việc đầu tiên của mình là đi đo tìm nguồn phóng xạ xung quanh lò và cả những khu vực xung quanh. Nguyễn Thị Kim Liên (Trường THPT chuyên Thăng Long) bất ngờ khi chĩa máy lên trời máy cũng báo có nguồn phóng xạ, chĩa máy xuống đất máy cũng báo tương tự. 

Chĩa máy vào chiếc điện thoại, máy ảnh và chiếc ôtô đang đậu gần đó thì máy vừa báo có phóng xạ vừa đưa ra những thông số cao hơn đo bên ngoài không khí. 

Ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc Trung tâm đào tạo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, giải thích: “Chúng ta đang sống trong phóng xạ, mọi vật đều là nguồn phóng xạ, quan trọng là liều phóng xạ ở ngưỡng nào thì an toàn”.

 Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể làm việc cả đời với phóng xạ an toàn nếu biết về những giới hạn an toàn”. Tiếng “ồ” vang lên, nhiều bạn thừa nhận lâu nay đã đánh đồng danh từ “phóng xạ” với tính từ “nguy hiểm”.

Hai chìa khóa

Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh, giảng viên khoa công nghệ hạt nhân Đại học Đà Lạt, hướng những đôi mắt chưa thôi ngạc nhiên sang một ngạc nhiên mới.

 Bà đưa ra một bảng so sánh: liều phóng xạ đo xung quanh các nhà máy điện nguyên tử thấp hơn liều phóng xạ đo ở một người sau khi đáp chuyến bay từ VN sang châu Âu, và chỉ bằng 1/6 liều phóng xạ bệnh nhân phải tiếp nhận sau khi chụp X-quang tại bệnh viện, và bằng 1/48 liều phóng xạ từ các tia vũ trụ chiếu vào một người trong một năm. 

Bà Tú Anh nói: “Chúng ta vẫn sống khỏe mạnh dù ngay từ khi chưa lọt lòng đã chịu tác động của phóng xạ”.

Sau những bài học về cách bảo vệ bản thân trước nguồn phóng xạ theo đúng các nguyên lý và được chứng kiến kho chứa nguồn phóng xạ được bảo vệ cẩn mật, che chắn cẩn thận bằng những tấm cửa lớn, những tấm chì dày thì vô số ánh mắt rụt rè, sợ sệt đã tan biến.

 Có nữ sinh mạnh dạn đề nghị được hướng dẫn nhận diện tia phát ra từ phản ứng hạt nhân bằng các phần mềm đo đạc trực quan trên máy tính. 

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, viện phó Viện Năng lượng nguyên tử VN, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đến với các học sinh bằng câu chuyện về những tai nạn hạt nhân kinh hoàng trên thế giới, tiêu biểu là vụ Chernobyl (Ukraine năm 1986) và mới đây là vụ Fukushima (Nhật Bản, 2011).

 Ông nhắc về những ảnh hưởng lâu dài đến con người và môi trường. Ông đưa ra hai chìa khóa để cả đời có thể sống an toàn với các phản ứng hạt nhân: không quá sợ và không chủ quan.

Kết thúc các thí nghiệm, một số học sinh được giới thiệu về khu vực điều chế đồng vị phóng xạ (sản phẩm của những phản ứng hạt nhân) thành những dược phẩm đặc biệt phục vụ chữa các bệnh hiểm nghèo.

 Do đây là khu vực nhạy cảm với nhiều nguồn phóng xạ và cần phải có kiến thức chuyên sâu về an toàn phóng xạ nên các “kỹ sư” nhí chỉ được quan sát bên ngoài.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ