Một mình trên hoang đảo suốt 40 năm

GD&TĐ - Một nữ khoa học gia đã 40 năm sống một mình trên đảo Sable ngoài khơi bờ biển Canada để nghiên cứu về sinh thái học. Bà được xem là Robinson Crusoe trong đời thực.

Nhà khoa học Zoe Lucas
Nhà khoa học Zoe Lucas

Đảo Sable có hình dáng chiếc lưỡi liềm với chiều dài khoảng 42km theo hướng từ đông sang tây, rộng khoảng 1,6 km và có tổng diện tích chừng 80 km2. Nó được xem là một phần của quận Halifax (Canada), cách xa khu đô thị trên đất liền Nova Scotian đến 300km. Để được đến nơi này, chỉ có hai phương tiện là tàu thuyền hay máy bay thuê.

Người ta nói rằng, vào những năm đầu thế kỷ 18, chính phủ đã cố gắng thực hiện hàng loạt các hoạt động nông nghiệp trên đảo, nhưng họ thất bại trong việc xây dựng các khu định cư của con người ở đó. Khí hậu của đảo Sable chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biển. Nhiệt độ bình quân vào mùa đông gần với độ đóng băng trong khi vào những tháng mùa hè, nhiệt độ tối đa bình quân trong ngày khoảng 20 độ C.

Thường xuyên có sương mù trong khu vực do ảnh hưởng tương phản của cái lạnh Labrador Current và dòng Gulf Stream ấm áp: Ở đây trong 127 ngày của năm, mỗi ngày có ít nhất một giờ sương mù bao bọc. Điều này làm cho đảo Sable thành nơi mờ mịt nhất ở Maritimes.

Cũng do điều kiện thời tiết này, mà nhiều con tàu gặp nạn quanh bãi biển của đảo, nó được cho là nơi an nghỉ của hơn 250 xác tàu đắm.

Vào năm 1971, khi bà Zoe Lucas 21 tuổi, lần đầu tiên đến địa điểm này, những “cư dân” trên đảo chỉ gồm 400 con ngựa, 300.000 hải cẩu xám và 350 loài chim, đáng kể là một số ít nhạn biển Roseate, loài có nguy cơ tuyệt chủng và nơi sinh sản duy nhất của chim sẻ Ipswich hiếm.

Nơi ở của bà Zoe Lucas hiện nay
 Nơi ở của bà Zoe Lucas hiện nay

Trò chuyện với MailOnline Travel, Lucas cho biết bà đã thích nghi với cuộc sống ở đảo và không hề cảm thấy cô độc. Bà luôn tự hào với công việc là nhà tự nhiên học. Những công cụ cần thiết trong cuộc sống hằng ngày trên đảo của bà bao gồm tập giấy ghi chép để bà ghi vào đó những lưu ý quan trọng và ống nhòm để quan sát đời sống hoang dã trên bờ biển đầy cát này.

Về “duyên nợ” của bà với hòn đảo, bà kể: “Có thể xem đây là một sự tình cờ. Lúc đó tôi đang là sinh viên tại Trường ĐH nghệ thuật NSCAD ở Canada và có công việc làm thêm, đóng gói các suất ăn trưa cho các phi công. Bữa nọ tình cờ tôi gặp một người đã sống và làm việc tại đảo Sable. Cô ta cho tôi xem những hình ảnh trên đảo và cuộc nói chuyện sau đó đã thu hút tôi hướng về hòn đảo này”.

Lucas cho biết, môi trường khắc nghiệt và cuộc sống đơn độc nơi đây không làm bà nản chí. Sau lần đến đầu tiên năm 1971, bà quay lại đảo và xem nó là nơi ở lâu dài của mình. Bà cắm trại ở cuối hòn đảo, nơi các ngôi nhà cũ thuộc trạm cứu hộ bị bỏ hoang còn đứng vững. Hàng cung cấp cho bà được đưa tới bằng máy bay hằng tuần đủ để bà sống sót và làm việc. Qua nhiều năm, Zoe cũng thu thập các loại xương ngựa của hòn đảo để giúp các nhà khoa học nghiên cứu đề cách làm thế nào để ngựa hoang dã thích nghi với môi trường sống trên đảo.

Người ta cho rằng các loài vật được đưa đến đảo vào đầu thế kỷ 18 để hỗ trợ người dân trong công việc đồng áng, khi một khu định cư được hình thành và sau đó chúng được tuyển chọn để giúp con người trong trạm cứu hộ. Mặc dù truyền thuyết phổ biến theo ngựa đảo Sable đã bơi vào bờ từ nhiều vụ đắm tàu hoặc đã được du nhập bởi nhà thám hiểm Bồ Đào Nha từ thế kỷ 16 nhưng không được hỗ trợ bởi bằng chứng lịch sử và di truyền.

Qua nhiều năm, Lucas đã thu thập được nhiều bộ xương ngựa, để các nhà khoa học có thể hiểu biết nhiều hơn về cách mà chúng tìm cách thích nghi với nơi chốn hoang vu này.

Hiện nay, Lucas sống trong một ngôi nhà gỗ náu mình trong những đụn cát. Nơi cư ngụ đơn giản này được tạo dựng khi có sự hiện diện của Công viên quốc gia Canada, chấm dứt 40 năm một mình trên đảo của nhà khoa học nữ này.

Đảo Sable trở thành khu bảo tồn công viên quốc gia vào ngày 20-6-2013, nhờ những cuộc dàn xếp bởi cựu Bộ trưởng Môi trường Canada, Kim Prentice, người đã chết trong một tai nạn máy bay. Suốt năm, một nhóm nhân viên khu bảo tồn luân phiên nhau trực trên đảo, giúp Lucas cũng có người bầu bạn. Qua những cuộc trò chuyện với Lucas, những nhân viên này tỏ ra kính trọng nhà khoa học nữ tận tâm với công việc.

Greg Strout, quản lý công việc trải nghiệm của du khách, cho biết: “Zoe là một phụ nữ phi thường đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đảo Sable. Thỉnh thoảng bà cũng trở về nơi ở của mình tại Halifax nhưng nơi này mới thật sự là nhà của bà. Bà liên hệ công việc chặt chẽ với công viên quốc gia và chúng tôi có thể hợp tác trên nhiều dự án”.

Strout nhấn mạnh rằng, đời sống trên đảo không đòi hỏi lớn lao về mặt vật chất, vì Sable vẫn tương đối ôn hòa về mặt thời tiết với nhiệt độ bình quân trong năm là 18,6 độ C.

Tiếp đoàn thám hiểm Adventure Canada đi thăm đảo Sable, Lucas đã trình bày một số công trình khoa học mà bà thực hiện. Phần nhiều trong số này được tài trợ bởi những nhà hảo tâm và tổ chức phi chính phủ, Friends of Sable Island Society.

Bà cũng giúp những người làm việc ở trạm khí tượng và thu thập rác hằng ngày ở bãi biển để theo dõi mức độ ô nhiễm của đại dương. Theo bà, xác bóng bay vỡ là thứ thường được tìm thấy ở đây và có lần bà hoảng kinh khi nhìn thấy một cái chiếc chân tấp vô bờ cùng với rác nhưng khi xem kỹ thì hóa ra là một chiếc chân giả.

Mặc dù đảo Sable có một bộ mặt kỳ lạ, với những câu chuyện đắm tàu kinh hoàng và những lời đồn ma quái chung quanh, đối với Lucas nơi đây là một thiên đường trong lành tinh khiết. Bà cho biết sẽ ở lại Sable chừng nào có thể. 

Hiện nay, chính phủ Canada đã công nhận đảo Sable như một công viên Quốc gia và bảo tồn quần thể sinh vật ở đây để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học trong tương lai.

Theo DailyMail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ