Nhiều ngân hàng tên tuổi ở Anh đang bị tố rửa hàng trăm triệu USD. Ảnh: AFP
17 ngân hàng, 500 người có liên quan
Theo nhật báo The Guardian, đây được cho là nguồn tiền "bẩn" do các tổ chức tội phạm ở Nga chuyển bất hợp pháp ra nước ngoài trong khoảng thời gian từ năm 2010-2014, và tờ The Guardian khẳng định cuộc điều tra của họ vẫn đang tiếp tục và sẽ có thêm nhiều thông tin bất ngờ hơn nữa.
Theo con số ban đầu được đưa ra trong bài điều tra, có 17 ngân hàng, tổ chức tài chính có trụ sở tại Anh hoặc thông qua các chi nhánh ở nước ngoài tham gia vào đường dây rửa tiền này. Nguồn tiền "bẩn" được chuyển từ Nga sang Anh, với số người liên quan tới hoạt động rửa tiền lên tới 500 người, bao gồm các quan chức Nga, các nhân viên ngân hàng ở TP Moscow, thậm chí có cả các nhân viên tình báo… Theo tiết lộ của tờ The Guardian, tham gia rửa tiền có cả 1 Chủ tịch Hội đồng quản trị của một trong những ngân hàng lớn nhất ở Nga. Số tiền chuyển bất hợp pháp thông qua các ngân hàng ở Anh chắc chắn là tiền tham nhũng, biển thủ, nhận hối lộ của các quan chức hoặc là tiền "bẩn" của các băng nhóm tội phạm ở Nga.
Trong khi đó, theo một bản báo cáo kết quả điều tra của Tổ chức Phòng, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức quốc tế (tổ chức phi Chính phủ), thì tổng số tiền được chuyển một cách bất hợp pháp ra khỏi Nga trong khoảng thời gian từ năm 2010-2014 lên tới 20 tỷ USD, dưới nhiều cách thức khác nhau, trong đó chủ yếu là "rửa tiền" thông qua các ngân hàng và tổ chức tài chính, với số giao dịch thực hiện trót lọt là hơn 70.000 lần.
HSBC "rửa" nhiều nhất
Theo The Guardian, tham gia vào đường dây rửa tiền này không thể không nói đến "vai trò" quan trọng của các công ty luật. Phần lớn những công ty luật tham gia vào đường dây rửa tiền đều có trụ sở ở nước ngoài, và kết quả điều tra của The Guardian cho thấy, không ai biết người chủ thực sự của những công ty luật này là ai, bởi theo quy định của một số quốc gia và vùng lãnh thổ được cho là thiên đường về thuế thì danh tính của chủ doanh nghiệp luôn được giấu bí mật tuyệt đối. Chỉ biết, những công ty luật này đã tư vấn cho các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Anh "rửa tiền bẩn" trót lọt được 1.920 lần, còn các ngân hàng của Mỹ đặt chi nhánh tại Anh là 373 lần.
Nhờ sự trợ giúp của các công ty luật, các ngân hàng ở Anh đã thực hiện trót lọt hàng nghìn giao dịch với số tiền 740 triệu USD, trong đó HSBC được cho là tích cực "rửa tiền" nhất với số tiền là 505 triệu euro (545 triệu USD), được thực hiện thông qua chi nhánh tại Hồng Kông (Trung Quốc).
"Tích cực" thứ 2 là Ngân hàng Hoàng gia Scotland với số tiền "rửa" được là 105 triệu euro (113 triệu USD). Số còn lại do nhiều ngân hàng khác nhau thực hiện, trong đó có cả ngân hàng tư nhân và những ngân hàng tên tuổi ở Anh như Barclays, Lloyds Banking Group… cùng với một số chi nhánh của ngân hàng Mỹ tại Anh như Citibank, Bank of America…
Mặc dù chưa có động thái gì "đáp trả" bài điều tra của nhật báo The Guardian, nhưng hầu hết các ngân hàng bị nêu trong bài điều tra đều khẳng định họ luôn tuân thủ các quy tắc chặt chẽ trong việc chống rửa tiền, và sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra của Anh để làm rõ về vụ bê bối này, nếu được yêu cầu.
Sau khi tờ The Guardian đăng tải bài điều tra, Cảnh sát Hoàng gia Anh cho biết họ đang nghiên cứu, đánh giá về những thông tin do tờ The Guardian tiết lộ, và nếu thấy có cơ sở thì sẽ lập tức mở một cuộc điều tra chính thức về hành vi rửa tiền liên quan đến một loạt ngân hàng tại Anh. Tuy nhiên, Cảnh sát Hoàng gia Anh nhấn mạnh, vì đây là vụ việc rất phức tạp, đặc biệt là rất khó điều tra nguồn gốc "tiền bẩn" (có thể là tiền của băng nhóm tội phạm, tiền tham nhũng, biển thủ… nhưng lại diễn ra ở nước ngoài). Thế nên, khi có đầy đủ thông tin xác thực và sự phối hợp của nhiều cơ quan trong và ngoài nước sẽ mở cuộc điều tra chính thức về vụ bê bối rửa tiền này.
Ngân hàng ING đối mặt điều tra tham nhũng, rửa tiền
Hãng CNBC đưa tin, Tập đoàn tài chính - ngân hàng đa quốc gia ING (có trụ sở tại Hà Lan) vừa xác nhận họ đang phải đối mặt với cuộc điều tra hình sự về tội rửa tiền và tham nhũng từ các nhà chức trách Hà Lan, điều này có thể dẫn tới những khoản tiền phạt đáng kể.
Ảnh: ANP/AFP
Báo Het Financieele Dagblad (Hà Lan) cho biết, cuộc điều tra có liên quan tới vụ hối lộ ở Uzbekistan, tuy nhiên, người phát ngôn của ING không xác nhận thông tin này.
Vụ việc mà bài báo đề cập đến có nội dung cho rằng, một số công ty viễn thông, bao gồm công ty Vimpelcom (hiện được gọi là Veon) có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan), bị cáo buộc hối lộ con gái của cựu Tổng thống Uzbekistan.
Tuy nhiên, phía Veon bác bỏ các cáo buộc. "Những cáo buộc này chưa được chứng minh và họ không có liên quan gì đến công ty của chúng tôi", Alexey Reznikovich, Chủ tịch Veon, nói với CNBC.
Trong báo cáo thường niên, ING cho biết, tổng số tiền cần phải bồi thường hoặc đền bù vẫn đang được xác định. Phía ngân hàng hoàn toàn hợp tác với cuộc điều tra.
Cách đây 5 năm, Văn phòng Quản lý tài sản nước ngoài của Mỹ đã yêu cầu ngân hàng ING phải trả 619 triệu USD sau khi Tập đoàn này bị phát hiện vi phạm các quy định về phê chuẩn thương mại.
Trước thông tin về cuộc điều tra nêu trên, cổ phiếu của ING Groep đã giảm hơn 4,4% trong phiên giao dịch đầu buổi chiều ngày 22/3.