(GD&TĐ) - Hơn 6 giờ sáng, khi mà phần lớn thí sinh vẫn đang làm thủ tục vào thi, phòng làm việc của Thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 đặt tại trụ sở Bộ GD&ĐT đã sáng đèn từ lâu. Chỉ một giờ đầu buổi sáng, cũng đủ thấy những vất vả của những người “trực chiến” nơi “tổng hành dinh”…
Những người “trực chiến”
Không khí khẩn trương trong phòng làm việc của Thường trực BCĐ kỳ thi lúc hơn 6h sáng |
Lùa vội tô mỳ để quay sang tiếp chuyện phóng viên, một thành viên trong tổ thư ký của Thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi nói vui: “Thế là đủ năng lượng đến trưa rồi đấy. Mấy anh em trong tổ còn đang cập nhật danh sách và liên lạc với các Hội đồng thi, có người đã kịp ăn uống gì đâu”.
Đó có lẽ đã là hình ảnh quen thuộc tại “tổng hành dinh” Thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi suốt từ đợt thi đầu tiên tới giờ. Cũng là điều dễ hiểu, bởi trong những ngày tổ chức thi của đợt 1, đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, các cán bộ trong Tổ thư ký của Thường trực Ban chỉ đạo cũng phải có mặt từ sớm để xử lý các thông tin đầu giờ. Mà không chỉ trong những ngày diễn ra các môn thi, ngay khi Ban đề thi bắt đầu làm việc, bộ phận trực thi (với nòng cốt là tổ thư ký) cũng bắt đầu nhận nhiệm vụ để thường xuyên cập nhật các thông tin từ Ban đề thi với Thường trực Ban chỉ đạo.
Đặc biệt trong suốt quá trình các trường tổ chức thi, cán bộ Tổ thư ký của Ban chỉ đạo thi đều phải “cắm chốt” liên tục để cập nhật các thông tin, các báo cáo nhanh của các nhà trường. Bởi yêu cầu đã được đặt ra là ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi, phải tập hợp được số liệu trên toàn quốc; đặc biệt là xử lý các thông tin trong suốt quá trình thi, nhất là những vấn đề phát sinh trong quy chế, vấn đề ăn ở, đi lại, giao thông, thời tiết… để Ban chỉ đạo kỳ thi có chỉ đạo kịp thời.
Gần 7 rưỡi, lúc này ở các địa điểm thi, thí sinh đã nhận đề thi và bắt đầu làm bài. Cũng từ lúc này, các Hội đồng thi “khoá sổ” danh sách thí sinh đến dự thi. Điện thoại trong phòng làm việc của Thường trực Ban chỉ đạo cũng bắt đầu đổ chuông liên tục. Cả 5 thành viên tổ thư ký, điện thoại áp tai, tay “múa” trên bàn phím máy tính để kịp thời ghi lại những con số báo cáo về. Những tô mỳ tôm đã pha sẵn cũng bị gạt sang một bên để ưu tiên cho nhiệm vụ cần kíp, trước khi có thời gian đáp ứng “đòi hỏi” của dạ dày.
Có tận mắt chứng kiến tốc độ làm việc của các thành viên tổ thư ký, mới hiểu nhờ đâu ngay sau mỗi buổi thi, Thường trực Ban chỉ đạo đã có đầy đủ số liệu toàn quốc về tình hình thi, số thí sinh đến dự thi, số thí sinh bị xử lý kỷ luật, số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật… cho đến những thông tin liên quan như vấn đề giao thông, thời tiết, điện nước, thông tin liên lạc… để kịp thời thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí, thay vì phải đợi đến hết ngày như các kỳ thi trước đó.
Luôn sẵn sàng mọi phương án
Lịch làm việc cụ thể và các đường dây nóng cho cả 3 đợt thi treo kín tại “tổng hành dinh” |
“Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, chậm nhất 6 giờ sáng, anh em đã có mặt, cho đến 6 rưỡi 7 giờ tối mới kết thúc công tác trực thi trong ngày. Chưa kể những ai có nhiệm vụ liên hệ với Ban đề thi còn phải làm việc ngoài giờ. Chẳng hạn tối 9/7, mới kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt 2, nhưng để chuẩn bị cho đợt 3 tới đây, một số anh em đi nhận đề thi dự bị của CĐ đến gần nửa đêm, nhưng sáng nay 5h30 là phải có mặt rồi”, ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 của Bộ GD&ĐT – chia sẻ.
Điều đó là cần thiết, bởi lẽ trong một kỳ thi quy mô lớn như tuyển sinh ĐH, CĐ luôn có rất nhiều tình huống có thể xảy ra và cần phải có sự chỉ đạo kịp thời, với nhiều phương án định trước. Tất nhiên các trường cũng nắm rõ quy chế xử lý những sự cố phát sinh. Nhưng không ai có thể lượng trước sẽ có vấn đề đột xuất nào ngoài dự kiến. Khi đó, cơ sở không tìm ra hướng xử lý kịp thời thì phải có sự chỉ đạo. Chưa kể có một số tình huống vượt quá thẩm quyền của các Hội đồng thi, bắt buộc phải xin ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo, có hướng giải quyết ngay để đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi, đúng quy định và nhất là đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Dẫn chứng rõ nét nhất là bước vào ngày thứ 2 của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh (10/7), lúc rạng sáng trên Thái Nguyên lại xảy ra mưa lớn gây lụt. Ngay sau khi có thông tin về, trực tiếp Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi, đã kịp thời chỉ đạo các hướng giải quyết để tạo điều kiện cho tất cả các thí sinh đến địa điểm thi an toàn, kịp giờ; đồng thời, lên phương án cho tất cả các tình huống có thể xảy ra. Một mặt Giám đốc ĐH Thái Nguyên nhận nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan hữu quan, nhất là bên lực lượng quân đội, nếu cần thiết có thể đưa xe đặc chủng để chuyên chở thí sinh đến điểm thi đảm bảo đúng thời gian. Mặt khác, cũng phải tính toán mọi tình huống có thể xảy ra. Trong trường hợp gặp sự cố bất khả kháng thì có phương án hai ngay. Nếu vì lý do thời tiết như vậy mà có thí sinh đến phòng thi quá giờ quy định, phải có hướng xử lý thích hợp, kéo thời gian làm bài cho các em để bù đủ thời gian, bảo đảm quyền lợi người dự thi.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đã công khai đường dây nóng của Bộ trưởng và của Thanh tra, qua đó Thường trực Ban chỉ đạo cũng tiếp nhận được và xử lý kịp thời những thông tin phản hồi từ các trường, các bậc phụ huynh và thí sinh. Chẳng hạn có ý kiến cho rằng đề thi có lỗi này lỗi kia, hay đáp án này đáp án kia cần kiểm tra lại, Thường trực Ban chỉ đạo cũng đã kịp thời xử lý ngay và có phản hồi tới nguồn tin phản ánh. Bên cạnh đó Thường trực Ban chỉ đạo cũng nhận được một số phản ánh về các hiện tượng không thực hiện đúng quy chế ở một số Hội đồng coi thi. Các đoàn Thanh tra của Ban chỉ đạo hoặc Thanh tra Bộ đã được cử đến trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin và xử lý để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra đúng quy định.
“Đến giờ phút này, có thể khẳng định công tác tổ chức thi của 2 đợt đầu đã thành công tốt đẹp. Đề thi không có sai sót, có tính phân loại cao, nội dung hoàn toàn nằm trong chương trình. Một số đề thi được đánh giá không chỉ hay mà còn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội của đất nước như đề thi Địa lý vừa rồi”, ông Ngô Kim Khôi nhấn mạnh.
Mai Thiết Lĩnh