Một đời cống hiến cho đồng đội, cho nhân dân

Một đời cống hiến cho đồng đội, cho nhân dân

(GD&TĐ) - Nhắc đến Giáo sư - Thầy Thuốc nhân dân (GSTTND) Nguyễn Thiện Thành mọi người nhớ ngay đến người chế ra thuốc Filatov, liệu pháp Filatov đầu tiên ở Việt Nam, người “chế ngự” con ngựa bất kham sốt rét ác tính, người đã hoàn thiện hệ thống y tế Bảo vệ sức khỏe cán bộ….

Ông vượt qua muôn vàn khó khăn vào tù ra khám, vào Nam, ra Bắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thế nhưng luôn đam mê nghiên cứu khoa học để áp dụng kết quả vào việc đào tạo cán bộ và thực tiễn chiến trường, vào thực tiễn đời sống nhân dân. Cuộc đời ông chỉ có một đam mê tột đỉnh là cống hiến cho đồng đội, cho nhân dân.

Không thích làm quan chỉ yêu nghề Y

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mừng thọ GS Nguyễn Thiện Thành 95 tuổi vào ngày 29/9/2013
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mừng thọ GS Nguyễn Thiện Thành 95 tuổi vào ngày 29/9/2013
 

GS Nguyễn Thiện Thành sinh năm Kỷ Mùi (1919) trong  gia đình có chín anh chị em tại thôn Phương Trà, tổng Bình Hóa, quận Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nay là xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là ông Nguyễn Văn Thọ, thầy giáo dạy tại Trường Tiểu học Trà Vinh. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Thàng làm ruộng và nội trợ.  Ông giáo Thọ là người có cảm tình với kháng chiến chống Pháp,  đã từng giúp đỡ đồng chí Phạm Thái Bường - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh năm 1940 và 1946 - 1948.  Nhiều cán bộ lão thành ở Trà Vinh còn nhắc đến ông giáo Thọ.

Lúc nhỏ  ông Thành học ở Trường Tiểu học Trà Vinh. Tốt nghiệp tiểu học, ông vào Collège de My Tho để học trung học và lấy bằng Thành Chung, rồi vào Trường  Lyccée Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - thành phố Hồ Chí Minh) để hoàn tất chương trình Tú tài.

Ông đậu Tú tài hạng Ưu, được học bổng du học Pháp học Trường Direction de L Instruction publique en Indochine  với những ngành học mà nhà nước Pháp chỉ định như: Quân sự, chính trị, ngân hàng… để trở thành quan chức cho chế độ thuộc địa. Nhưng, ông từ chối. Ông ra Hà Nội thi vào Trường Thuốc (nay là Trường Đại học Y khoa Hà Nội).  Ông Thành đã dự các cuộc thi tuyển để trở thành sinh viên nội trú ở bệnh viện Interne Hôpitaux (nay là Bệnh viện Bạch Mai). 

Trước khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, ông Nguyễn Thiện Thành đã  liên lạc với một số cán bộ của mặt trận Việt Minh, giúp mua thuốc men gửi lên chiến khu. Ngày 19/8/1945, ông tham gia biểu tình giành chính quyền và được bầu vào hội đồng nhân dân bệnh viện Interne Hôpitaux.

Ngày 23/9/1945, Nam bộ kháng chiến, ông cùng với sinh viên Đông Dương học xá xung phong học tập quân sự để tham gia Nam tiến. Tháng 10/1945, ông trở thành bộ đội Cụ Hồ tình nguyện tham gia Chi hội Nam tiến - Vì Dân. Vào tới miền Trung, ông được phân công phụ trách Quân y khu 5. Ông xây dựng ngay đội phẫu thuật phục vụ cho mặt trận Bô Keo. Sau đó ông vào Huế giữ cương vị Chủ nhiệm Quân y Trung bộ.

Cuối năm 1947, ông được điều vào Nam bộ làm Vụ trưởng Vụ Quân y Khu 9. Năm 1950, ông bị bắt giam ở khám Vĩnh Long, rồi Cần Thơ, cuối cùng giải lên Sài Gòn. Địch giam ông tại khám Virgile (khám Chí Hòa Nhỏ sau này).

Tại đây, ông quen với sinh viên y khoa người Pháp bị đi lính sang thuộc địa làm lính gác ngục. Sau nhiều lần tranh luận, người lính sinh viên y khoa nọ kính trọng ông và giúp ông mua sách y khoa. Nhờ vậy, ông có được tạp chí Presse Médical, trong đó có đăng kết quả nghiên cứu ứng dụng Filatov trong điều trị bệnh của nhà khoa học Liên Xô. Sau chiến dịch Biên giới, ta thả bác sĩ, đại tá Duris bị bắt trong trận Đông Khê để đổi bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Ngày 30/12/1950, ông đã về căn cứ Đồng Tháp Mười.

Từ ứng dụng Filatov đến khống chế bệnh sốt rét

Trở về Quân khu 9, ông tham gia chiến dịch Long Châu Hà 1951, nhân sinh nhật Bác Hồ năm này, ông đã trình bày công trình khoa học: Phương pháp và học thuyết Filatov.  Từ đó, Filatov trở thành phổ biến trong đồng bào, chiến sĩ Nam bộ, tạo niềm tin rất cao vào cách mạng. Năm 1954, GS Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc và được Nhà nước cử sang Liên Xô nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học, chuyên về học thuyết thần kinh của Pavlov. Học ở Liên Xô về, ông được phân công công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ. Nhưng miền Nam còn trong khói lửa,  ông đã trình bày nguyện vọng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế - cho ông vào Nam. 

Cuối năm 1964, ông lại về chiến trường B2, Nam bộ. Tổ chức đã bố trí cho ông vượt biển vào Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Nói tới “Tàu không số” thì phải hiểu ngay: Đi không được “từ giã người thân”, không mang kỷ vật, giấy tờ tùy thân, và… sống để bụng, chết mang theo, không kể lại cho ai biết.  Chiến trường miền Nam khó khăn ác liệt, chiến sĩ ta ngày đêm đánh địch tranh từng tấc đất, lại  thêm  sốt rét rừng còn nguy hiểm hơn giặc. Ông dồn sức nghiên cứu phác đồ điều trị bệnh sốt rét: Nâng đỡ cơ thể, dùng thuốc đặc trị đúng liều. Từ ấy, bệnh sốt rét không còn là nỗi sợ của chiến sĩ cán bộ. Trong đó có sử dụng liệu pháp Filatov để nâng đỡ cơ thể. 

Từ những năm 1971 - 1972, GS Thành nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ lãnh đạo. Nhiều lần ông vào Nam, ra Bắc thông qua đường Trường Sơn để thu thập tài liệu. Trong cuộc đời một người thầy thuốc, bao giờ ông cũng kết hợp: Nghiên cứu - đào tạo - điều trị. Bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc ưu tú, nguyên Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Nguyễn Hồng Trung đã ngoài 80 tuổi, người viết nhiều bài viết, nhiều sách về GS Nguyễn Thiện Thành vẫn nhớ mãi về ông: “Gặp được anh là có thêm kiến thức mới! Nghiên cứu - đào tạo - điều trị thực tế… là niềm đam mê của người thầy thuốc Nguyễn Thiện Thành”.

Phấn đấu không mệt mỏi vì sức khỏe cán bộ

Sau ngày thống nhất, ông được Ban Bí thư giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương, kiêm Giám đốc bệnh viện Thống Nhất.  Bây giờ, cán bộ cấp tỉnh, cấp bộ nào  có nhắc tới bệnh viện Thống Nhất như là niềm tự hào đã được Đảng và Nhà nước chăm sóc. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung kể lại: “Năm 1980, Vĩnh Long là tỉnh có Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long đó nghen!”. 

Rồi ông kể tôi nghe 2 ca cấp cứu thập tử nhất sinh của hai cán bộ lãnh đạo của tỉnh Cửu Long trong thập niên 80: “Trường hợp thứ nhất là đồng chí Võ Văn Nam, sinh năm 1920, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cửu Long (Sáu Liêm) vừa nghỉ hưu, đau bụng oằn oại. Chúng tôi đến khám thì phát hiện vỡ nội tạng trong ổ bụng. Chở đi là không cứu được.

Tôi điện báo cho GS Nguyễn Thiện Thành, lập tức ông xuống ngay. Đêm 17/11/1982, ê kíp của GS hội chẩn, kết luận là vỡ động mạnh chủ ổ bụng. Trường hợp thứ hai là đồng chí Nguyễn Đáng, Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long, cũng được GS Thành chăm sóc tận tình. Năm 1986, GS Nguyễn Thiện Thành được giao Chủ nhiệm khoa Tích tuổi học (Lão khoa) Đại học Y Dược TPHCM, vị bác sĩ đầu tiên mở ngành học này tại Sài Gòn”. 

Cuộc đời ông để lại 32 công trình về  y học có giá trị. Ông nhận được nhiều huân chương, huy chương trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Năm 1985, Hội đồng Nhà nước phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Lao động.

Năm 1989, được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Mấy năm gần đây, ông còn là  chủ nhân của một quỹ học bổng cấp cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh - Quỹ học bổng Nguyễn Thiện Thành. Cả cuộc đời ông đã là một nhịp cầu, bằng trí tuệ và tình yêu thương con người của mình, bằng tấm gương của mình đã đưa biết bao thế hệ vượt những khó khăn, cách trở để gần nhau hơn, để vững tin tiến về phía trước.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Trung  kể lại: “Năm 2008, tôi có tặng anh Nguyễn Thiện Thành quyển sách “Chuyện của một thời và mãi mãi”, trong đó có phần nói về anh. Anh cảm ơn và cầm tay tôi nói: “Mỗi người đều có thể phấn đấu để trở thành người có tài, tu thân để trở thành người có đức, còn may mắn thì không phải ai cũng có được. Tôi là người có được nhiều may mắn: Được Đảng giác ngộ, cho đi học, được tham gia chiến trường phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân!”.


Nguyễn Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.