Một cốt cách, một tâm hồn

GD&TĐ - “Là một người bình thường như muôn vàn người khác, tôi cũng có những kỉ niệm, những bài nói và bài viết, những thành công hay thất bại trong cuộc đời đi học, trong sự nghiệp sau này của mình, muốn được kể lại, tập hợp lại, để cùng bạn đọc suy ngẫm và rút ra bài học.”, đó chính là chia sẻ chân thành của GS-TSKH Trần Văn Nhung về lí do ra đời cuốn sách “Sộp thành nhà giáo”.

Một cốt cách, một tâm hồn

Ấn tượng khá đặc biệt đầu tiên ngay khi cầm cuốn sách trên tay, chính là nhan đề tưởng chừng không thể… giản dị hơn: “Sộp thành nhà giáo”. Ai ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có lẽ đều biết một loại cá chuối có thân dài, đầu to múp và đuôi nhỏ, gọi là cá sộp.

"Sộp" là tên tục để gọi ở nhà của GS-TSKH Trần Văn Nhung - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế rồi nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – mặc dù nhiều bận rộn nhưng rất gắn bó với khoa học, đã có nhiều bài nghiên cứu và công bố về Toán học ở trong nước và nước ngoài.

Song, sau tất cả, ông vẫn chỉ nhận mình là “nhà giáo”, vừa khiêm nhường, giản dị và vừa thể hiện sự gắn bó không thể khác với gốc gác “quê mùa” của mình.

“Sộp thành nhà giáo” là tập hợp những bài nói, bài viết của GS Trần (xin được gọi một cách trân trọng chân thành như vậy) trong hơn 20 năm về cuộc đời, sự nghiệp của ông từ những ngày thiếu niên gian khó, đầy nước mắt bởi sớm mồ côi mẹ đến những ngày trọn vẹn hạnh phúc bên người vợ hiền và hai cô con gái đáng yêu; từ lúc còn là một cậu bé hiếu học của một vùng quê nghèo đến khi trở thành một nhà khoa học, một nhà quản lí với những đóng góp lớn lao cho khoa giáo nước nhà…

Tôi thực sự ngạc nhiên và “bị hút” bởi lối viết của một giáo sư Toán học: Hơn 700 trang viết của ông mạch lạc, logic nhưng không hề trừu tượng, khô khan, trái lại thật tự nhiên, dung dị, giàu xúc cảm với bao kí ức vui buồn. Ông không thuật lại những kỉ niệm, sự kiện trong cuộc đời mình theo kiểu biên niên, kể sử mà lại lựa chọn hình thức hồi kí với lời văn như lời trò chuyện tâm tình…

Cuốn sách đẫm “chất Toán” khi tác giả kể lại bài toán dân số từ thời cổ đại, khi “mã hóa” một cách rất đáng yêu cho sự sinh sôi của dòng họ Trần (tr. 19-20), hoặc biểu diễn công thức đo “độ tốt” của một người bất kì (tr. 134)… bằng những công thức Toán học đầy thi vị. Cái “duyên ngầm” của Trần Văn Nhung khi kể chuyện còn ở chính sự ngây thơ, thành thực lúc ông nhắc nhớ lại những kỉ niệm về gia đình, về tình thầy trò, bè bạn…

Và tôi, lòng như chùng lại khi đọc những chi tiết về một người con đã khóc như mưa trên đường đi học mỗi buổi đi về qua mộ mẹ; về một người học trò qua mấy mươi năm vẫn nhớ như in tên tuổi của mỗi người thầy, người cô; về một người bạn luôn trân trọng những người bạn; về một người con nặng lòng với quê hương, chưa bao giờ hết mang ơn những người đã cưu mang, bao bọc thuở thiếu thời…

Có những đoạn GS Trần rất “phiêu” khi thuật truyện, ví như lúc ông say sưa viết về Nguyễn Công Trứ, người có công khai khẩn mảnh đất Kim Sơn – quê hương ông (tr. 14-17); về Hungary – “đất nước bé hạt tiêu” – đất nước nặng tình đã làm nên danh nghiệp Trần Văn Nhung; về kỉ niệm làm thơ với PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị và TS Nguyễn Vinh Hiển… Vậy nên, đọc “Sộp thành nhà giáo”, người không biết kĩ về tác giả khó có thể nhận ra đây là cuốn sách được viết bởi một nhà Toán học tài hoa.

Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng từng viết, đại ý: Văn là người. Quả vậy, đọc văn là thấy người, qua mỗi trang viết, ta có thể cảm nhận được nhân cách, con người của tác giả. Đọc “Sộp thành nhà giáo”, có thể gặp trong sách một tư chất thông minh, ham học hỏi; một nhân cách trong sạch, tự trọng, cao thượng, trọng nghĩa tình, đầy ý chí, nghị lực; một tài năng nhưng rất đỗi khiêm nhường; một tư duy khoa học mạch lạc trong một tâm hồn giàu xúc cảm, yêu thương; một người rất nhân hậu, vị tha nhưng cũng quyết liệt đến cùng để bảo vệ danh dự bản thân; một nhà giáo có tâm và nhà quản lí, một nhà lãnh đạo ngành có tầm; một người không ngừng nỗ lực “quốc tế hóa” giáo dục Việt Nam nhưng cũng luôn coi trọng truyền thống giáo dục nước nhà; một người đã từng đến rất nhiều quốc gia văn minh nhưng luôn trào dâng niềm tự hào dân tộc;…

Trong những ngày này, đọc “Sộp thành nhà giáo”, nghĩ về Thầy Trần Văn Nhung, càng hiểu ông hơn qua những điều ông còn trăn trở đối với nền giáo dục nước nhà: Làm thế nào để người Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ có thể học tốt tiếng Anh khi “Tiếng Anh là thứ tiếng duy nhất để hội nhập với thế giới ngày nay” (tr. 99)?; Làm thế nào để những bài học giáo dục từ Nhật Bản, từ Singapore, từ Malaixia… sẽ là những bài học giáo dục quí báu cho giáo dục Việt Nam?; Làm thế nào để nhân tài đất Việt được đãi ngộ tốt nhất?... Thiết nghĩ, những trăn trở đó cần được chúng ta tiếp tục suy ngẫm, sẻ chia…

Cuốn sách “Sộp thành nhà giáo” còn gợi nhiều điều thú vị khác, song, dư vị sâu sắc nhất sau khi đọc, vẫn là tình đời và tình người nhân hậu, trong sáng của một tâm hồn và nhân cách nhà giáo chân chính, một giáo sư khoa học Trần Văn Nhung.

****

(Đọc cuốn "Sộp thành nhà giáo" của GS-TSKH Trần Văn Nhung, NXB Giáo dục – 2016)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ