Mong sao có một dự án “Nông sản sạch – cùng bé tới trường”

GD&TĐ - Công tác tại xã Suối Giàng huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái, một trong những xã đặc biệt khó khăn, với nhiều phong tục tập quán cổ hủ lạc hậu. Trẻ em ở đây thiếu thốn mọi thứ từ những đôi dép để đi, áo ấm để mặc vào những ngày gió mùa đông bắc tràn về và một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không riêng tại Suối Giàng, các tỉnh vùng cao còn có nhiều bạn nhỏ phải bỏ học vì bố mẹ không đủ tiền lo cho con đi học. Những năm gần đây, được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, ban giám hiệu các trường học và giáo viên đã không ngừng tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nên việc đưa trẻ đến trường đã được quan tâm sâu sát.

Phần lớn giáo viên coi nhiệm vụ phát triển thể chất và kiến thức cho trẻ là động lực để hỗ trợ các con đến trường và duy trì được việc học con chữ. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện để xã hội hóa, phần lớn cha mẹ ăn không đủ no, trẻ đến trường học nhận được trợ cấp hỗ trợ ăn trưa và hỗ trợ chi phí học tập từ nhà nước với nguồn kinh phí có giới hạn, thiếu nước sạch, đặc biệt trong những ngày mùa đông khi gió mùa đông bắc về khiến việc đến lớp tìm con chữ của học sinh khó khăn hơn.

Những năm gần đây, các địa phương vùng xa xôi đặc biệt khó khăn như chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức, đoàn thể, đoàn thiện nguyện có tấm lòng hảo tâm. Tuy nhiên là giáo viên trực tiếp công tác, giao tiếp, sinh sống cùng những người dân vùng khó khăn, nhiều lần đón các đoàn thiện nguyện, các đơn vị, tổ chức có tấm lòng nhân ái, bản thân tôi luôn cảm kích các tấm lòng tương thân tương ái, tinh thần lá lành đùm lá rách.

Tôi nhận thấy việc quyên góp, ủng hộ chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn những vùng có điều kiện kinh tế thiếu thốn là cần thiết, nên làm nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ quyên góp ủng hộ theo phong trào, sự kiện thì chưa có tính lâu dài.

Sinh ra và lớn lên tại nơi đây, tôi thấy được dù nhiều khó khăn nhưng địa phương chúng tôi lại có nhiều những nông sản, thực phẩm sạch cần thiết cho cuộc sống của con người như: Chè Suối Giàng là loại chè được chính tay các bậc phụ huynh, các em học sinh nhỏ hái từ cây chè cổ thụ trên núi cao, cây chè to, tán lá xòe rộng không có chất bảo quản, không thuốc trừ sâu, được sao khô với phương pháp truyền thống.

Hay măng khô, măng ớt là những sản phẩm được chế biến từ măng sạch trên rừng, Thịt lợn sấy, lạp sườn thịt hun khói…được chế biến từ lợn bản, cốm Tú Lệ, gạo nếp Tú Lệ, Táo mèo khô, rượu táo mèo, mứt táo mèo, được chế biến từ quả táo mèo hay còn gọi quả Sơn Tra mọc trên núi cao …

Trong khi đó, tại các vùng miền khác trên cả nước, việc có nguồn thực phẩm sạch và an toàn là một vấn đề đáng quan tâm và gặp nhiều khó khăn. Từ những suy nghĩ đó tôi luôn tự đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không cùng phối hợp với nhau?

Giáo viên vùng cao sẽ cung cấp nông sản, đặc sản sạch, giáo viên vùng xuôi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện giúp học sinh và giáo viên các tỉnh vùng núi đẩy mạnh khai thác thế mạnh từng địa phương, tạo việc làm có thu nhập ổn định hơn cho phụ huynh, tạo việc làm thêm ngoài giờ cho giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục.

Chẳng hạn như tôi có thể cung cấp các sản phẩm sạch đặc sản của địa phương, một phần lãi sẽ được trích ra để cải thiện bữa ăn cho học sinh, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học, cũng như khích lệ các em nhỏ khó khăn có điều kiện đến trường. Sẽ có ý nghĩa hơn nếu mỗi một món hàng bạn mua sẽ góp một phần nhỏ giúp các trẻ nhỏ vùng cao được đến trường, bản thân tôi luôn mong muốn chúng ta hãy tặng cho họ một chiếc cần câu thay vì tặng cho họ một con cá. Trong thời gian qua tôi đã tiến hành với ý tưởng và tạo nhóm trên facebook để ý tưởng được triển khai.

Chính vì vậy tôi viết bài báo này phát động dự án “Nông sản sạch - cùng bé đến trường” với mong muốn ý tưởng được nhiều người biết đến, kết nối được nhiều thầy cô vùng khó cùng chung tay nhằm cải thiện cho học sinh nghèo. Tôi rất mong các thầy cô giáo, các anh chị có kinh nghiệm, cho ý kiến góp ý, các cơ quan hoặc tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ để ý tưởng của tôi được thực hiện và nhân rộng thành dự án.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ