Mong muốn điều chỉnh tăng mức cho vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về Tín dụng đối với HSSV là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội. Sau 15 năm triển khai, cần có những điều chỉnh để chính sách tín dụng thêm hiệu quả hơn nữa.

Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: TTXVN
Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: TTXVN

Chính sách “4 hiệu quả”

Đây là một chương trình tín dụng chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện từ khâu tạo lập, huy động nguồn vốn đến việc tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ.

Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả do nhận được sự chỉ đạo kiên quyết, thường xuyên của thường trực Chính phủ.

Sự phối hợp và tích cực triển khai của các Bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là: Hội Nông dân, Hội Phụ Nữ, Hội cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cơ quan thông tin đại chúng và NHCSXH trong suốt quá trình tổ chức thực hiện.

Việc cho vay trực tiếp hộ gia đình HSSV thông qua ủy thác một số nhiệm vụ đối với các tổ chức chính trị - xã hội đã chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng.

Đồng thời tranh thủ được sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, sự tham gia của Tổ TK&VV, của các tổ chức chính trị - xã hội cùng triển khai thực hiện chương trình từ bình xét, xác nhận đối tượng, hướng dẫn thủ tục để cho vay đến việc sử dụng vốn vay và trả nợ tiền vay khi đến hạn.

Việc xã hội hóa chương trình tín dụng đối với HSSV đã tạo được sự minh bạch trong thực hiện chính sách, giảm thiểu được rủi ro, phát huy được vai trò trách nhiệm của cả xã hội, của gia đình, dòng tộc và của HSSV người trực tiếp sử dụng vốn vay. Vì vậy, hộ vay vốn có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn thu nhập từ gia đình để trả nợ khi đến hạn.

2 khó khăn cần được tháo gỡ

 Những năm gần đây, dư nợ của chương trình có xu hướng giảm nhanh, một phần do vốn vay đến kỳ hạn trả nợ; bên cạnh đó do có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, nên việc xác nhận đối tượng vay vốn ngày chặt chẽ hơn, mặt khác do chính sách giảm lãi khi trả nợ trước hạn nhiều hộ gia đình vay vốn HSSV tìm mọi cách trả nợ gốc trước hạn để hưởng giảm lãi ngay khi HSSV chưa ra trường hoặc chưa tìm được việc làm; đặc biệt mức vay hiện còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu chi phí học tập cho học sinh sinh viên nên hộ không muốn vay là nguyên nhân giảm nhanh dư nợ của chương trình.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình có từ 02 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo hoặc những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống ở vùng khó khăn có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của chương trình.

Mong muốn bổ sung đối tượng, tăng mức cho vay

Căn cứ ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, đoàn kiểm tra liên ngành, cử tri các địa phương kiến nghị với Đại biểu Quốc hội từ năm 2010 đến nay và báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV của UBND các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tổng hợpnhững nội dung kiến nghị, đề xuất chính. Cụ thể:

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành bố trí đủ nguồn vốn, tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ODA, vốn vay dài hạn, lãi suất thấp để tạo nguồn vốn ổn định thực hiện Chương trình.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung đối tượng cho vay đối với những hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo hoặc cho vay những hộ gia đình có con theo học tại các trường, cơ sở đào tạo đang sinh sống tại vùng khó khăn hiện nay chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh tăng mức cho vay phù hợp với mức tăng học phí và giá cả thị trường trong từng thời kỳ.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên rà soát bổ sung kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016, từ đó có cở sở thực hiện nghiêm túc việc xác nhận các hộ gia đình vay vốn Chương trình tín dụng HSSV đúng đối tượng theo qui định.

Chương trình tín dụng đối với HSSV đã giúp cho trên 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập. Các năm có số hộ gia đình và HSSV có dư nợ cao là: năm 2011 là 1.923 hộ, với 2.407 HSSV; năm 2012 là 1.886 hộ, với hơn 2.314 HSSV; năm 2013 là 1.701 hộ, với 2.094 HSSV. Đến nay chỉ còn hơn 651 ngàn hộ gia đình đang vay vốn cho gần 737 nghìn HSSV đi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?