Mông Cổ: Phụ huynh trông chờ vào lá thăm may rủi

GD&TĐ - Bùng nổ trẻ em tại Mông Cổ đã vượt quá xa khả năng đáp ứng của các trường mẫu giáo công lập. Phụ huynh tại thủ đô Ulaanbaatar không có điều kiện tài chính học trường tư hiện chỉ có 1 lựa chọn là trông chờ vào sự may rủi của phương thức tuyển sinh kiểu “quay xổ số”.

Mông Cổ: Phụ huynh trông chờ vào lá thăm may rủi

Phó thác cho may rủi

Việc tuyển sinh vào các trường mẫu giáo công lập (dành cho trẻ 2 - 5 tuổi) được quyết định bởi việc quay số may mắn trực tuyến.

Sukhbaatariin Boldbaatar và vợ không thể chi trả chi phí trường tư cho con trai 2 tuổi. Boldbaatar đang tìm việc trong khi vợ chăm sóc đứa con thứ hai mới 1 tháng tuổi tại nhà.

“Chúng tôi vẫn mang niềm tin sẽ là người may mắn nhưng rồi thất vọng tràn trề khi tin nhắn gửi về thông báo không trúng tuyển. Vào khoảnh khắc đó tôi nghĩ làm sao họ có thể đối xử với một đứa trẻ 2 tuổi dựa vào may rủi” – Boldbaatar chia sẻ.

Những trường mẫu giáo công lập chỉ đáp ứng được khoảng một nửa trong số 146.000 trẻ từ 2 - 5 tuổi tại thủ đô - theo cơ quan quản lí GD địa phương.

Các chuyên gia cho rằng, sự bất cập này là do chính quyền yếu kém trong việc hoạch định dài hạn. Đa số các trường công tại Mông Cổ được xây dựng trong kỷ nguyên Liên Xô cũ, chỉ có một số ít trường được xây mới sau khi nước này chuyển sang thể chế dân chủ năm 1990.

Từ lâu các lớp học đã trở nên quá đông và giáo viên quá tải. Chịu áp lực khi phải làm việc với những lớp học quá đông trong khi lương thấp - giáo viên trường công đã tiến hành đình công vào ngày 21/9 và 26/9 vừa qua.

Ví dụ Trường Mẫu giáo số 122 tại Bayanzurkh có 660 trẻ, gấp đôi năng lực thiết kế. “Chúng tôi phải chăm sóc hơn 60 trẻ/lớp” - một giáo viên cho biết – “Sĩ số gấp đôi quy chuẩn không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên. Nhân viên nấu ăn cũng phải nấu khối lượng đồ ăn nhiều gấp 2 lần. Tôi muốn chính phủ trả lương tương xứng cho giáo viên và nhân viên”.

Sự quá tải cũng gây hệ luỵ về sức khoẻ, vi khuẩn và cúm lây truyền dẫn tới bệnh viện phải điều trị cho số trẻ ốm tăng cao.

Chính sách vĩ mô yếu kém

Tỉ lệ sinh tại Mông Cổ đã tăng vọt từ 18,4 trẻ/1.000 dân năm 2006 lên 25,4 trẻ/1.000 dân vào năm ngoái - theo Cục Thống kê quốc gia. Có khoảng 49.000 trẻ ra đời 1 thập kỉ trước, so với khoảng 80.000 vào năm ngoái.

Nguyên do là một thế hệ bùng nổ trẻ em vào những năm 1980 đã đến độ tuổi sinh nở và tạo nên thế hệ bùng nổ trẻ em thứ hai. Tại thủ đô, nơi một nửa dân số sinh sống, làn sóng nhập cư của những người chăn thả gia súc thất nghiệp từ khu vực nông thôn khiến vấn đề thêm trầm trọng. Tỉ lệ sinh cũng tăng vọt trong “Năm lợn vàng” 2007, khi người dân Mông Cổ tin rằng, năm này mang lại thịnh vượng.

Tuy nhiên, chính sách kế hoạch hoá vĩ mô đã không làm gì kể từ đó để đáp ứng nhu cầu học tập khi số trẻ này đến tuổi tới trường.

Chính phủ đang xây thêm trường tại khu ổ chuột ở thủ đô nhưng vấn đề nợ công khiến tiến độ giải ngân trì trệ.

Các trường phổ thông cũng chật cứng nhưng không “quay xổ số” chọn học sinh vì hiến pháp bảo đảm miễn học phí cho toàn bộ trẻ em từ 6 tuổi.

Cô Lkhagvasurengiin Oyunchimeg, dạy lớp học có 44 học sinh tại Trường số 65, không thể tìm một phòng học trống nào để bổ túc kiến thức cho những trẻ có học lực yếu bị tụt lại sau. “Nhiều khi chúng tôi phải dạy những trẻ này ở hành lang” - cô Oyunchimeg cho biết - “Nhưng hành lang không phải là nơi thích hợp để học và học sinh dễ phân tâm”.

Những gia đình nghèo “trượt xổ số” không có cách nào khác ngoài việc tự trông con đến khi 6 tuổi vì mẫu giáo không nằm trong chương trình phổ cập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ