Mong có cơ chế đặc thù cho bệnh nhân tâm thần chuyển tuyến

GD&TĐ - Từ năm 2018, bệnh nhân có bảo hiểm y tế đến bệnh viện tâm thần Nghệ An phải tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyển tuyến, trong khi trước đó, chỉ cần giấy giới thiệu từ trạm y tế hoặc chính quyền cấp xã.

Bác sĩ trao đổi với người dân quy định mới về chuyển tuyến đối với bệnh nhân tâm thần
Bác sĩ trao đổi với người dân quy định mới về chuyển tuyến đối với bệnh nhân tâm thần

Điều này gây khó khăn, phiền hà và bức xúc cho người nhà và bệnh nhân, đặc biệt nhiều trường hợp bệnh nhân khi đưa đến bệnh viện đã mất khả năng kiểm soát.

Chấp nhận trái tuyến vì bệnh nhân đặc thù

Vượt hơn 100km từ xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn) xuống TP Vinh, chị Hoa đưa con trai 10 tuổi đi khám tại bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Tuy nhiên, tại đây chị bất ngờ và băn khoăn trước quy định mới mà các nhân viên y tế thông báo.

Theo đó, với giấy giới thiệu từ trạm y tế xã và thẻ bảo hiểm y tế, thì con chị không đi đúng tuyến. Chị Hoa chia sẻ: Con trai tôi mắc bệnh động kinh. Thỉnh thoáng cháu phát bệnh thì có biểu hiện như người mất trí nhớ, hay nói lung tung, co giật.

Những lần như thế tôi đưa cháu xuống bệnh viện kiểm tra, lấy thuốc về uống, vì cháu đang đi học nên không nằm viện điều trị nội trú được. Những lần đó tôi mang giấy giới thiệu của trạm y tế xã là được, nên không làm sổ theo dõi ngoại trú.

Nhưng lần này, thì các bác sĩ ở đây lại nói quy định mới phải có giấy giới thiệu của bệnh viện huyện mới đúng tuyến. Nhà xa, giờ quay về để xin giấy rồi quay xuống Vinh thì phức tạp và mất thời gian quá, nên tôi chấp nhận cho cháu khám luôn và bảo hiểm chi trả 60% thay cho 100% như trước.

Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cũng  tiếp nhận 51 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, chấp nhận vượt tuyến bảo hiểm y tế. Lý do những trường hợp này rơi vào rối loạn tâm thần nặng, mất tự chủ, người nhà không thể đưa bệnh nhận quay về huyện xin giấy chuyển viện.

Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp gia đình bệnh nhân không có đủ điều kiện để khám và điều trị (nội trú) khi bảo hiểm của mình chỉ được thanh toán theo diện “trái tuyến”, đành phải chấp nhận ra về. Theo tổng hợp của bệnh viện, con số bệnh nhân phải ra về tính đến thời điểm này là khoảng 150 người.

Bác sỹ chuyên khoa I - Hà Công Tý - Trưởng khoa Cấp tính nam – Bệnh viện Tâm thần, cho biết: Bệnh nhân của Khoa đều là các trường hợp nặng, hầu hết không kiểm soát và có nhiều hành động như phá phách, đánh đập người khác, tự sát…

Những trường hợp này, khi nhập viện phải có rất nhiều người nhà hộ tống, vì vậy nói quay về huyện xin giấy chuyển viện rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi. Việc chấp nhận trái tuyến, chi trả một phần thiệt thòi cho bệnh nhân vì nhiều gia đình ở miền núi, nông thôn, hoàn cảnh vất vả.

Mong điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và người nhà

Trước đây, chỉ cần giấy giới thiệu của trạm y tế hoặc UBND xã cùng thẻ bảo hiểm y tế là đủ thủ tục
Trước đây, chỉ cần giấy giới thiệu của trạm y tế hoặc UBND xã cùng thẻ bảo hiểm y tế là đủ thủ tục

Theo bác sĩ Phan Kim Thìn – Giám đốc BV Tâm thần Nghệ An, từ năm 2017 trở về trước, bệnh nhân tâm thần được xếp theo diện “đặc thù” và được “đặc cách” về thủ tục chuyển tuyến theo văn bản số 2867/LN:YT – BHXH của Y tế và Bảo hiểm xã hội về Hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An,

Cụ thể, trong văn bản này nêu: Do điều kiện đặc thù về mạng lưới chăm sóc sức khoẻ chuyên ngành tâm thần hiện nay Bệnh viện Tâm thần Nghệ An là tuyến cuối cùng, đồng thời là cơ sở tuyến đầu tiếp nhận bệnh nhân tâm thần. Do vậy, những người có thẻ BHYT bị bệnh tâm thần khi vào viện không cần giấy chuyển viện của cơ sở y tế tuyến dưới (chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tuỳ thân hoặc giấy thiệu của Trạm y tế xã hoặc giấy giới thiệu của UBND xã, phường, thị trấn).

Tuy nhiên, từ năm 2018, liên ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội ra văn bản số 3174/HDLN:YT – BHXH, diện “đặc thù”này giới hạn lại với trường hợp “có sổ theo dõi điều trị bệnh tâm thần”. Những trường hợp còn lại đều phải tuân thủ các quy định chuyển tuyến. Kể cả với những bệnh nhân nặng, mới phát bệnh và mất khả năng kiểm soát nhưng không có sổ và đến bệnh viện lần đầu.

“Trong khi đó, số bệnh nhân được cấp sổ điều trị ngoại trú chủ yếu thuộc nhóm bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, và chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân” – Bác sĩ Trần Thị Tuyết – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho biết.

Trước đó, từ ngày 4/1/2018, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cũng đã có văn bản gửi tất cả các cơ sở y tế cấp xã, huyện để các cán bộ ở đây kịp thời thông báo, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết, chấp hành các quy định mới.

Tuy nhiên, thực tế vẫn nhiều người dân chưa tiếp cận được sự thay đổi này, và đến khám chữa bệnh chỉ mang theo giấy giới thiệu của trạm y tế xã như trước đây.

Theo thống kê của BV Tâm thần Nghệ An, từ đầu năm đến nay, có khoảng 40% bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thuộc diện “vượt tuyến” bảo hiểm y tế.

“Chúng tôi hiểu rằng, quản lý bệnh nhân chuyển tuyến là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng quá tải và trục lợi gây vỡ quỹ Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế 3 tháng qua, quy định mới này gây khó khăn cho những bệnh nhân thuộc diện đặc thù, không có khả năng nhận thức như bệnh nhân tâm thần”, Bác sĩ Phan Kim Thìn – Giám đốc bệnh viện nói.

Hiện bệnh viên đã có văn bản gửi Liên ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội xin xem xét lại đối tượng không cần phải giấy chuyển viện để tạo thuận lợi cho người bệnh như những năm trước hoặc “mở rộng” đối tượng ưu tiên… Tuy nhiên, theo BS Phan Kim Thìn, hiện bệnh viện chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.