Môn Tin học trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học - chia sẻ 10 điểm mới nổi bật của Chương trình mới môn Tin học so với chương trình hiện hành.

Cơ sở vật chất góp phần quan trọng để đưa Tin học ứng dụng vào trường học
Cơ sở vật chất góp phần quan trọng để đưa Tin học ứng dụng vào trường học

Vai trò, vị trí mới

Trong Chương trình mới, GD Tin học có vai trò quan trọng trong chuẩn bị cho HS khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, sáng tạo tri thức trong thời đại cách mạng công nghiệp. Công nghệ số là nền tảng tạo phương thức sản xuất thông minh mang tính toàn cầu hóa; là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời.

Tin học được xác định là môn bắt buộc có phân hóa ở cấp tiểu học và THCS. Ở THPT, Tin học là môn phân hóa theo 2 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Ở chương trình hiện hành môn Tin học không phân hóa nên mọi HS phải học những nội dung giống nhau bất kể năng khiếu và sở thích khác nhau.

Phát triển năng lực và có tính mở

Chương trình Tin học hiện hành được xây dựng theo cách tiếp cận nội dung, nặng về lí thuyết, hàn lâm. Chương trình mới được xây dựng theo tiếp cận phát triển năng lực với mục tiêu chính là nhằm hình thành, phát triển năng lực tin học - một trong các năng lực đặc thù đã được xác định trong Chương trình tổng thể. Chương trình có tính mở với các chủ đề tùy chọn (ở tiểu học, THCS) và phân hóa (ở THPT) dành cho các đối tượng HS với khả năng, sở thích khác nhau.

Chương trình không đưa ra ràng buộc về chủng loại thiết bị hay phần mềm, không phân biệt phần mềm nguồn mở hay phần mềm thương mại nhằm tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo vận dụng linh hoạt tùy theo điều kiện. Đề xuất phân phối tỷ lệ % thời lượng cho mỗi chủ đề chính trong chương trình chỉ có tính tham khảo chứ không bắt buộc cứng, tùy cơ sở GD xác định cụ thể.

Ba mạch kiến thức hòa quyện

Để hình thành và phát triển 5 thành phần năng lực tin học, Chương trình môn Tin học mới xác định 3 mạch kiến thức là: Học vấn số hóa phổ thông (DL). Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và Khoa học máy tính (CS). Ngoài việc tiếp tục coi trọng các mạch kiến thức ICT và DL như trong chương trình hiện hành, Chương trình mới chú trọng phát triển mạch kiến thức CS hơn trước.

Tư duy thuật toán và lập trình

Trong chương trình hiện hành, nội dung lập trình nói riêng và thuật toán nói chung chủ yếu được dạy tập trung ở lớp 8 và lớp 11 theo cách tiếp cận hàn lâm, nặng về học ngôn ngữ lập trình (Pascal), làm cho HS khó tiếp thu và không hiệu quả.

Nội dung thuật toán và lập trình trong Chương trình mới theo cách tiếp cận mới, trải rộng trong cả 3 cấp học. Ở tiểu học, THCS, việc sử dụng các ngôn ngữ lập trình trực quan hiện đại phù hợp với lứa tuổi này (ví dụ như Scratch), gây được hứng thú học tập cho HS và động viên các em khám phá cách điều khiển máy tính theo ý tưởng của mình. Nội dung thuật toán, cấu trúc dữ liệu và lập trình… là các nội dung cơ bản của Khoa học máy tính giúp hình thành, phát triển tư duy máy tính, được chọn lọc để thích hợp với tư duy HS phổ thông. Không đưa vào chương trình kiến thức hàn lâm, tránh gây quá tải. Chương trình hoàn toàn không nhằm mục tiêu đào tạo lập trình viên.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo trong khám phá khoa học kỹ thuật
  • Ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo trong khám phá khoa học kỹ thuật

Thực hành, trải nghiệm sáng tạo

Khắc phục điểm yếu là thiếu sự vận dụng kiến thức vào thực tế của chương trình hiện hành, Chương trình mới khuyến khích dạy học thông qua các dự án, bài tập để giải quyết vấn đề thực tế. Chương trình mới xác định việc dạy và học Tin học nhằm giúp HS tạo ra được các sản phẩm số của cá nhân, của nhóm, khuyến khích áp dụng máy tính để phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tế.

GD đạo đức pháp luật và văn hóa trong thế giới số

Chương trình hiện hành được xây dựng khi các mạng xã hội chưa ra đời, ảnh hưởng và tác động của Internet lên xã hội trên các khía cạnh đạo đức pháp luật và văn hóa còn chưa bộc lộ mạnh mẽ, bởi vậy môn Tin học hiện hành chưa quan tâm đúng mức tới các khía cạnh đó. Thông qua chủ đề “Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số” (là 1 trong 7 chủ đề lớn, xuyên suốt cả 3 cấp học), Chương trình mới hình thành, rèn luyện cho HS phẩm chất, năng lực ứng xử có đạo đức, văn hóa, tuân thủ pháp luật khi tham gia thế giới số.

Định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp

Chương trình hiện hành mới chỉ dừng ở mức truyền thụ những kiến thức kĩ năng tin học cơ bản mà chưa chú trọng đúng mức tới việc định hướng nghề tin học cho HS. Thông qua chủ đề “Hướng nghiệp với tin học” (là 1 trong 7 chủ đề lớn, xuyên suốt từ lớp 8 - 12), Chương trình mới hướng dẫn những HS có khả năng, yêu thích tin học, lựa chọn ngành nghề phù hợp với ưa thích, sở trường bản thân và cơ hội việc làm trong tương lai, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số và toàn cầu hóa.

GD STEM, bình đẳng giới, tài chính và dân số

Khoa học máy tính giúp hiệu chỉnh nội dung và đẩy mạnh GD STEM, phát huy sáng tạo của HS tạo ra sản phẩm có hàm lượng ICT với yếu tố thông minh và có tính nghệ thuật cao. Tư duy máy tính đề cao cách học tập tự tìm hiểu và sáng tạo, đặt người học vào vị thế của một nhà phát minh, phát hiện và giải quyết vấn đề trên cơ sở các kiến thức liên môn, liên ngành...

Chương trình Tin học thông qua một số chủ đề học tập, thông qua quá trình tự làm ra sản phẩm để góp phần hình thành, phát triển phẩm chất năng lực chung và năng lực đặc thù môn học, GD hướng nghiệp, khởi nghiệp, GD STEM mới, GD bình đẳng giới và GD tài chính, GD dân số và sức khỏe... Các nội dung này được quan tâm, chú ý hơn so với chương trình hiện hành là một điểm mới góp phần GD HS toàn diện hơn đáp ứng nhu cầu trong thời đại CMCN 4.0.

Khai thác chương trình của các nước tiên tiến

Chương trình mới trên cơ sở kháo cứu Chương trình Tin học của các nước có nền GD tiên tiến như Anh, Mỹ, Singapore… đã: Khai thác kết quả nghiên cứu phát triển Chương trình Tin học; khai thác các định hướng, cách tiếp cận trong xây dựng chương trình một cách có cấu trúc, hệ thống, logic chặt chẽ, có sự phân tích khoa học bài bản; chọn lọc, ứng dụng những vấn đề cần hướng dẫn cho giáo viên dạy học, đánh giá kết quả GD; khai thác có chọn lọc một số nội dung mới phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là về mạch kiến thức khoa học máy tính; tiếp thu và áp dụng cách tiếp cận mới về dạy học thuật toán và lập trình; đưa nội dung về GD đạo đức, pháp luật, ứng xử có văn hóa trong môi trường số thành một chủ đề xuyên suốt các cấp học.

Cập nhật một số chủ đề của CMCN 4.0

Chương trình môn Tin học đã đưa vào chủ đề “Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin” là một trong các mạch kiến thức, kĩ năng cốt yếu xuyên suốt các cấp học. Để tăng cường tính hiện đại, ứng dụng cao, ngoài chủ đề “Học máy và khoa học dữ liệu...”, còn có chuyên đề về phân tích dữ liệu với phần mềm EXCEL vận dụng kiến thức và công cụ của Toán học thống kê.

Ngày nay, các tài nguyên mạng như năng lực tính toán, băng thông, cấu hình thiết bị... đều có thể được cung cấp dưới dạng các dịch vụ mà người dùng có thể truy cập từ một nhà cung cấp nào đó mà không cần phải có các kiến thức kinh nghiệm về công nghệ số cũng như các cơ sở hạ tầng. Khái niệm “Điện toán đám mây” trong chương trình giúp HS sơ bộ hiểu biết về vấn đề nêu trên.

Máy tính và thiết bị (ví dụ robot) hiện đã có thể bắt chước cách nhận thức, xử lí và giải quyết vấn đề giống như con người nói riêng và các sinh vật thông minh nói chung. Con người viết, cài đặt các chương trình để máy tính, các thiết bị có được khả năng thông minh đó. Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực và đối tượng nghiên cứu của ngành Khoa học máy tính là cơ sở nền tảng giúp con người thực hiện ý tưởng thông minh hóa nêu trên. Để bước đầu giúp HS biết về khái niệm nền tảng này của CMCN 4.0, ở THPT có một số chủ đề mới giới thiệu cho HS về trí tuệ nhân tạo, học máy, robot GD…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ