Môn Sử hứa hẹn nhiều điểm cao

Môn Sử hứa hẹn nhiều điểm cao

(GD&TĐ) - Một số giáo viên Lịch sử nhận xét, đề thi Sử năm nay dễ viết hay vì có phần liên hệ bản thân. Bên cạnh đó, đề Sử có kiến thức cơ bản, độ phủ kiến thức rộng nhiều giai đoạn lịch sử. Môn Sử có khả năng nhiều điểm cao hơn năm trước.

Cùng bắt tay chúc mừng kết thúc tốt đẹp ngày thi đầu. Ảnh: gdtd.vn
Cùng bắt tay chúc mừng kết thúc tốt đẹp ngày thi đầu. Ảnh: gdtd.vn

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An):  Đề thi đã bám sát chương trình và nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nằm trọn trong sách giáo khoa Lịch Sử 12 đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn giảm tải 2 năm học vừa qua.

Yêu cầu trong các câu hỏi của đề rõ ràng, không quá khó, không đánh đố học sinh. Kiến thức bám vào những vấn đề, sự kiện tiêu biểu và hệ thống các câu hỏi ôn tập cuối bài trong sách giáo khoa. Nếu học sinh không "học tủ" mà biết ôn và hệ thống hoá, khái quát hoá theo các bài ôn tập tổng kết phần, chương là có thể làm được.

Ở từng câu hỏi cụ thể, phần Lịch sử Việt Nam gồm 3 câu hỏi mang tính xuyên suốt kiến thức Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1965. Phân bố điểm cho từng câu khá hợp lý, tùy thuộc vào lưu lượng và mức độ kiến thức của từng câu.

Phần Lịch sử thế giới, kiến thức của đề thi đều nằm trọn vẹn trong các bài: Mục II (Xu thế toàn cầu hoá và ảnh hưởng của nó) trong bài 10 và mục I (Mâu thuẫn Đông - Tây và sự khởi đầu chiến tranh lạnh) trong bài 9, sách giáo khoa Lịch sử 12 chương trình cơ bản hiện hành.

Thầy Hiếu đánh giá: Đề thi tuyển sinh vào đại học môn Lịch sử năm 2013 rõ ràng, không khó, đều là kiến thức cơ bản, không hỏi kiến thức mang tính vụn vặt, đánh đố học sinh.

"Tuy nhiên, mức độ điểm số bài làm môn Sử của thí sinh cao hay thấp một phần còn phụ thuộc vào đáp án của Bộ GD&ĐT năm nay như thế nào. Với đề thi như thế, tôi nghĩ kết quả thi đại học môn Sử năm nay lượng điểm 5 đến 6 có thể nhiều. Những thí sinh có học lực khá và giỏi, có thể có điểm 9, thậm chí là điểm 10” - Thầy Hiếu cho biết.

TS Nguyễn Quang Liệu - giảng viên Trường ĐH KHXH&NV:  Đề Sử năm nay câu thí sinh gặp khó khăn là liệt kê 10 sự kiện chính 10 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2. Với đề này, phổ điểm dự đoán từ 5-7, sẽ ít điểm 0, điểm 1, điểm cao sẽ nhiều hơn năm ngoái.

Ghi nhận của phóng viên tại một số hội đồng thi, nhiều thí sinh cho biết đề Sử năm nay khá dễ.

Nguyễn Đình Cường - dự thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho biết: Phòng em khá nhiều bạn làm bài xong sớm, bản thân em chỉ 2 tiếng là hoàn thiện bài. Làm bài được nhưng vì môn tự luận nên rất khó đoán điểm, Cường chỉ dám dự đoán mình được điểm từ 6 - 7.

Cũng dự thi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh Nguyễn Thu An - Trường THPT Hồng Quang (Hải Dương) có 30 phút để xem lại bài. Theo An, trong đề, câu 2 về Chiến dịch Đông Xuân nếu đọc không kỹ sẽ rất dễ xác định sai đề. “Phòng thi của em khá nhiều bạn xong sớm. Với môn Sử em dự đoán được khoảng 6 điểm. Môn Địa em làm tốt hơn. Nhưng Văn mới là môn em tự tin nhất - An cho biết.

Tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), nhiều thí sinh nhận định đề Sử năm nay để làm tốt đòi hỏi phải nắm vững, hiểu sâu kiến thức. Đặc biệt câu hỏi số 2 - phân tích tình hình cách mạng trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 - hơi khó, buộc phải có sự hiểu sâu kiến thức thì mới phân tích được, đây cũng là câu phân loại thí sinh.

Với đề thi tiếng Anh, các thí sinh thi vào Trường ĐH Nội vụ Hà Nội hầu như không có trường hợp ra sớm. Các thí sinh ở đây nhận định đề hơi dài (80 câu), trong đó khó nhất là câu bài đọc. Phần lớn các em làm được từ 45 - 60 câu chắc chắn.

Môn Sinh học khối B, thí sinh Nguyễn Sơn Tùng (Phú Thọ) làm được khoảng 80 % bài thi. Tuy nhiên, ở một số câu Tùng vẫn băn khoăn về độ chính xác.

Lê Văn Tùng - thí sinh Hà Nội - nhận định đề thi Sinh năm nay khó hơn so với mọi năm. Đề cân đối bài tập và lý thuyết, trong đó khoảng 6 - 7 câu hỏi khó tập trung chủ yếu vào phần bài tập.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ