Môn Sinh Học trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - GS Đinh Quang Báo - Chủ biên chương trình môn Sinh học - chia sẻ nội dung GD cốt lõi của môn học cũng như định hướng phương pháp GD, kiểm tra đánh giá và lưu ý điều kiện thực hiện chương trình.

Trong giờ thực hành Sinh học tại Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Đức Chiêm
Trong giờ thực hành Sinh học tại Trường THCS thị trấn Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Đức Chiêm

Nội dung giáo dục cốt lõi

Theo chương trình môn Sinh học được Bộ GD&ĐT công bố, nội dung GD cốt lõi của môn học bao quát các cấp độ tổ chức sống, gồm: Phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã - hệ sinh thái, sinh quyển. Kiến thức về mỗi cấp độ tổ chức sống bao gồm: Cấu trúc, chức năng; mối quan hệ giữa cấu trúc, chức năng và môi trường sống.

Từ kiến thức về các cấp độ tổ chức sống, chương trình môn học khái quát thành các đặc tính chung của thế giới sống như: Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản, cảm ứng, di truyền, biến dị và tiến hoá. Thông qua các chủ đề nội dung, chương trình môn học trình bày các thành tựu công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lí ô nhiễm môi trường, nông nghiệp và thực phẩm sạch; trong y - dược học.

Bên cạnh nội dung GD cốt lõi, trong mỗi năm học, những HS có thiên hướng hoặc hứng thú với sinh học và công nghệ sinh học được chọn học một số chuyên đề học tập. Hệ thống các chuyên đề học tập môn Sinh học chủ yếu được phát triển từ nội dung các chủ đề sinh học ứng với chương trình mỗi lớp 10, 11, 12. Các chuyên đề nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng thực hành, tìm hiểu ngành nghề để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kĩ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến sinh học.

Nội dung các chuyên đề hướng đến các lĩnh vực của nền công nghiệp 4.0 như: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y - dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo... Các lĩnh vực công nghệ này ứng dụng theo cách tích hợp các thành tựu không chỉ của sinh học mà còn của các khoa học liên ngành (giải trình tự gene, bản đồ gene, liệu pháp gene...), trong đó công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng.

Học xong chương trình Sinh học lớp 10, HS củng cố, hệ thống hoá được các kiến thức, kĩ năng đã học ở giai đoạn GD cơ bản, đặc biệt từ môn Khoa học tự nhiên. Thông qua các chủ đề sinh học hiện đại như sinh học tế bào, sinh học vi sinh vật và virus, sinh học và phát triển bền vững, sinh học trong tương lai, công nghệ tế bào, công nghệ enzyme, công nghệ vi sinh vật...

HS vừa được trang bị cách nhìn tổng quan về thế giới sống, làm cơ sở cho việc tìm hiểu các cơ chế, quá trình, quy luật hoạt động của các đối tượng sống thuộc các cấp độ tế bào, cơ thể và trên cơ thể; vừa có hiểu biết khái quát về sinh học, công nghệ sinh học và vai trò của sinh học đối với con người.

Học xong chương trình Sinh học 11, HS phân tích được các đặc tính chung của tổ chức sống cấp độ cơ thể, trong đó phần sinh học cơ thể động vật chú trọng cơ thể người, từ đó HS được thực hành ứng dụng liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, y học, bảo vệ sức khoẻ. Sinh học 11 được trình bày theo các quá trình sống cấp độ cơ thể tương đồng ở thực vật và động vật, ở mỗi quá trình sống trình bày khái quát những đặc điểm chung cho cấp độ cơ thể, sau đó đi sâu nghiên cứu những điểm đặc trưng ở cơ thể thực vật và cơ thể động vật.

Học xong chương trình Sinh học lớp 12, HS phân tích được các đặc tính cơ bản của tổ chức sống: Di truyền, biến dị, tiến hoá, quan hệ với môi trường. Các chủ đề này giúp HS phân tích sâu hơn về sinh học các cấp độ trên cơ thể: Quần thể, quần xã - hệ sinh thái; sinh quyển và khái niệm về loài, cơ chế hình thành đa dạng sinh học; từ đó tìm hiểu sâu hơn về cơ sở sinh học của các giải pháp công nghệ như công nghệ gene, kiểm soát sinh học, sinh thái nhân văn.

Bài tập thực hành là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực HS trong môn học. Ảnh: Đức Chiêm
Bài tập thực hành là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực HS trong môn học. Ảnh: Đức Chiêm 

Định hướng phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục

Theo GS Đinh Quang Báo, định hướng chung về phương pháp GD của chương trình môn Sinh học gồm: Dạy học tích hợp là cách tiếp cận xuyên suốt các phương pháp, hình thức dạy học. Rèn luyện được cho HS phương pháp nhận thức, kỹ năng học tập, thao tác tư duy. Thực hành thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn đời sống cá nhân và xã hội. Tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học tập hợp tác nhóm nhỏ.

Một số phương pháp đặc trưng dạy học Sinh học có thể nói tới: Dạy học dự án ứng dụng công nghệ sinh học; dự án tìm hiểu các vấn đề sinh học trong thực tiễn. Dạy học thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa. Dạy học sử dụng các thí nghiệm ảo. Dạy học thông qua tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, các nhà máy sản xuất công nghệ. Dạy học thông qua nghiên cứu khoa học.

Kiểm tra, đánh giá môn học phải thực hiện được các chức năng chính sau: Kiểm tra, đánh giá có chức năng kép là đánh giá mức độ đạt được yêu cầu cần đạt và phương pháp dạy học. Kết hợp kiểm tra, đánh giá quá trình với đánh giá tổng kết; đánh giá định tính với đánh giá định lượng, trong đó đánh giá định lượng phải dựa trên đánh giá định tính được phản hồi kịp thời, chính xác. Kiểm tra, đánh giá được phối hợp nhiều hình thức khác nhau bảo đảm đánh giá toàn diện nội dung, năng lực chung, năng lực đặc thù môn học, phẩm chất. Đánh giá yêu cầu tích hợp nội dung, kỹ năng để giải quyết vấn đề nhận thức và thực tiễn. Đây là phương thức hiệu quả đặc trưng cho đánh giá năng lực HS.

Để đáp ứng các yêu cầu trên, trong dạy học Sinh học, chú trọng đánh giá kỹ năng thực hành sinh học, đánh giá các kĩ năng tiến trình như quan sát thiên nhiên, thực hiện các dự án điều tra, tìm hiểu thiên nhiên, ứng dụng kiến thức sinh học trong đời sống…

Điều kiện thực hiện chương trình

Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, vì vậy, thực hành thí nghiệm vừa là nội dung, vừa là phương pháp, phương tiện dạy học. Mặt khác, chương trình đổi mới theo hướng phát triển kĩ năng gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành.

Với yêu cầu đó, theo GS Đinh Quang Báo, cần trang bị các thiết bị, phương tiện dạy học đa dạng về chủng loại: Tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hoá chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc. Thiết bị và phương tiện dạy học có thể được các công ty thiết bị sản xuất, cung cấp hoặc do giáo viên tự chế tạo bằng các nguyên liệu dễ kiếm, chi phí thấp ở địa phương. Thiết bị dạy học chủ yếu được kế thừa những gì đã trang bị cho chương trình hiện hành.

Mỗi trường học cần có phòng thực hành thí nghiệm. Phấn đấu để có phòng bộ môn hiện đại, vườn thực nghiệm. Trong điều kiện các trường chưa có điều kiện trang bị, các trường cần phối hợp với các cơ sở có thiết bị hiện đại tạo điều kiện cho HS học tập. Ngoài ra, mỗi trường cần có nhân viên bảo quản, hướng dẫn sử dụng phòng thực hành.

Riêng với giáo viên, GS Đinh Quang Báo lưu ý: Khi thực hiện tổ chức dạy học theo chương trình môn Sinh mới, giáo viên có thể gặp một số khó khăn vì chưa tiếp cận một cách đầy đủ với các mô hình kĩ thuật và công nghệ hiện đại. Cùng với đó là khó khăn trong việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực HS như dạy học dự án, dạy học trải nghiệm, dạy học thực hành do một số lý do khách quan và chủ quan. Khó khăn trong việc đánh giá năng lực HS, đánh giá tiến trình học tập.

“Các khó khăn này có thể khắc phục những khó khăn trên thông qua tổ chức tập huấn, đặc biệt là tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hình thức tập huấn có hiệu quả là xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán môn học và để tổ chức hoạt động phát triển chương trình nhà trường, trong đó các giáo viên môn học trở thành nhóm nghiên cứu bài học, thiết kế bài học, kế hoạch dạy học. Việc quản lý trường học, dạy học và giáo viên ở đơn vị nhà trường đóng vai trò quyết định” - GS Đinh Quang Báo cho hay.

Một số hình thức đặc trưng kiểm tra, đánh giá giáo dục Sinh học

- Đánh giá bằng bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa.

- Đánh giá bằng bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu, dự án vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

- Dự án công nghệ sinh học, dự án tìm hiểu sinh học trong thực tiễn.

- Bài tập tình huống trong thực tiễn đời sống.

- Sử dụng các thí nghiệm ảo.

- Quan sát mẫu vật thật trong phòng thí nghiệm/ngoài thiên nhiên.

- Tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, các nhà máy sản xuất công nghệ.

- Nghiên cứu khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ