Món quà cuối năm

GD&TĐ - Từ câu chuyện của một nữ giáo viên dạy học ở trường VNEN cho thấy, một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của Mô hình trường học mới đó là: Sự quan tâm, yêu thương, nhân hậu và luôn sẵn sàng chia sẻ của thầy, cô giáo đối với học sinh.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Dưới đây là kỷ niệm của một giáo viên, mà qua đó chúng ta có thể rút ra được bài học đáng quý cho bản thân.

Tôi là một giáo viên mới được điều về công tác tại một trường tiểu học  của huyện Hoa Lư (Ninh Bình) - trường tự nguyện đón nhận Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (VNEN).

Lớp tôi chủ nhiệm có 30 học sinh, 30 gương mặt trẻ thơ, 30 đôi mắt trong veo háo hức đón chờ cô giáo mới. Điều đó khiến tôi xúc động bởi nhớ lại tuổi thơ của mình, mỗi buổi tới trường tôi chỉ mong hôm nay có thêm điều gì mới, làm cho cuộc sống đẹp hơn, tươi vui hơn.

Tôi mong các em học sinh được chủ động tự học, tự thực hành trong một môi trường đoàn kết và thân ái, phối hợp nhóm tốt hơn, kỹ năng cuộc sống cũng được nâng lên. Tôi hiểu, với VNEN, chúng tôi sẽ hướng trẻ em đến một “phong cách giáo dục mới, năng động hơn, hiện đại hơn, phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới” như tôi từng biết.

Công việc đầu tiên của tôi là tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, cuộc sống của từng em. Tôi khá hài lòng bởi hầu hết các em đều được bố mẹ quan tâm tới việc học hành. Nhưng tôi vẫn băn khoăn về hoàn cảnh một em, đó là Lan. Em là con gái lớn của một gia đình thuộc diện hộ nghèo. Nhà có thêm em nhỏ, bố em phải đi làm xa khiến Lan phải giúp mẹ nhiều việc nhà.

Nhiều lần đi học, Lan ăn mặc luộm thuộm, quần áo xộc xệch. Nhiều giờ học Lan thiếu đồ dùng thực hành khiến tôi không hài lòng vì phải mất nhiều thời gian giúp đỡ em.

Có những hôm em tới lớp ngồi học với vẻ mặt mệt mỏi trong khi các bạn khác đầy hào hứng. Hỏi em, tôi được biết đêm qua em bé ốm, em cùng mẹ thức khuya, sáng nay dậy muộn nên không kịp ăn sáng đã tới giờ đi học. Giờ giải lao, tôi chỉ còn biết chạy vội đi mua cho em ổ bánh mỳ và hộp sữa tươi.

Khi tôi ở một mình trong lớp, một vài học trò tới thưa:

- Cô ơi! Sao cô lại mua đồ ăn cho bạn Lan thế ạ?

- Bạn ấy chưa kịp ăn sáng, cô cần giúp đỡ bạn ấy các em ạ.

- Nhưng cô ơi, bạn Lan không tốt đâu ạ. Từ hồi lớp 1, lớp 2, bạn ấy rất hay lấy những đồ dùng của các bạn trong lớp ạ. Có lần bạn ấy trả lại, có lần bạn ấy chối luôn, bạn ấy còn nói dối cả cô chủ nhiệm.

Nghe học sinh nói về Lan, tôi giật mình. Nhưng tôi cũng trấn an các em:

Các em cứ yên tâm, cô tin là năm nay bạn Lan lớn rồi, bạn ấy sẽ sống tốt với chúng ta. Trước hết, chúng ta hãy quan tâm nhiều tới bạn ấy nhé.

Trong lòng tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện của các bạn về Lan. Tôi gặp cô giáo chủ nhiệm năm trước của em để tìm hiểu. Chị cho biết năm trước trong lớp có một số lần học sinh bị mất đồ dùng như: bút mực, bút chì, thước kẻ. Chị cho cả lớp điều tra thì phát hiện ra Lan đang sử dụng đồ dùng đó.

Chị gặp mẹ Lan hỏi thì được trả lời: “Cháu kêu thiếu đồ dùng mà em chưa kịp mua cho”. Có một số lần Lan nhận có lấy của bạn và trả lại đồ cho bạn. Chị dặn tôi: “Em nên chú ý nhiều tới Lan”.

Tôi bắt đầu lo lắng về Lan và lớp học của mình. Tôi thầm cầu mong sẽ không có điều gì xấu xảy ra trong lớp. Luôn nhắc nhở học sinh bảo quản đồ dùng thật tốt, nhặt được của rơi nên tìm người trả lại, tôi hi vọng sẽ không phải xử lý những tình huống phức tạp từ việc học sinh mất đồ dùng.

Tôi cho Lan ngồi cạnh Hà, một học sinh ngoan của lớp. Thế nhưng, nỗi lo lắng của tôi rồi cũng tới. Đó là một buổi sáng, tới giờ học Toán, Hà mếu máo chạy lên chỗ tôi:

- Thưa cô, em bị mất bút rồi!

Cả lớp đổ dồn ánh mắt về phía Lan, căng thẳng. Không ai nói gì nhưng tôi hiểu được ý nghĩ của các em. Trước những ánh mắt của các bạn, Lan bỗng cúi mặt và nhìn xuống. Trong lòng tôi cộm lên câu hỏi: “Lẽ nào lại là em?”.

Tôi yêu cầu Hà tả chi tiết về chiếc bút. Đó là chiếc bút màu xanh lá cây, quà của bố Hà. Hà mới chỉ dùng được mấy ngày thôi. Sáng nay, Hà còn bỏ bút vào cặp, tới trường cất cặp vào ngăn bàn, nhưng tới giờ học thì không thấy bút đâu.

Tôi đề nghị cả lớp tìm kiếm giúp Hà, hy vọng chiếc bút rơi đâu đó trong phòng học. Không ai tìm thấy. Nhiều cánh tay giơ lên xin phát biểu. Tôi mời một số em, các em nói:

- Thưa cô, em nghĩ là chiếc bút này bị bạn Lan lấy rồi ạ.

- Thưa cô, em cũng nghĩ thế ạ.

- Thưa cô, đúng đấy ạ.

Tôi thấy Lan bối rối. Mặt em tái mét, em cũng xin phát biểu. Em yếu ớt nói:

- Thưa cô, em không lấy bút của bạn Hà ạ.

Tôi cũng thật sự bối rối, đành nói với các em:

- Các em không nên vội kết luận như thế về Lan. Việc này cô sẽ giải quyết sau, còn bây giờ chúng ta cần học.

Cuối buổi học, tôi gặp Lan và hỏi em về chiếc bút của Hà. Lan có vẻ rất buồn và một em một mực trả lời tôi: “Thưa cô, em không lấy bút của bạn Hà đâu cô ạ”.

Chắc các bạn cũng hiểu tôi buồn và thất vọng thế nào. Trong đầu tôi chỉ trăn trở một ý nghĩ: “Làm thế nào để nhanh chóng tìm ra chiếc bút của Hà? Nếu chiếc bút bị lấy cắp, làm thế nào để kẻ ăn cắp vặt thú nhận và xin lỗi?”.

Tôi là người không biết che giấu cảm xúc nên nỗi buồn lộ ra nét mặt cả trong những ngày dạy học tiếp theo. Tôi biết điều đó ảnh hưởng không tốt trong công việc nhưng tôi chưa sửa được. Tôi vẫn thầm để ý trạng thái của Lan, em vẫn học đều, nhưng trên gương mặt em phảng phất nỗi buồn.

Vào chiều ngày thứ ba sau sự việc đáng tiếc đó xảy ra, Lan chủ động tìm tôi khi tôi ở một mình. Tôi hơi ngạc nhiên và khấp khởi mừng khi em ngập ngừng nói:

- Thưa cô, chiếc bút của bạn Hà là em lấy. Em thích chiếc bút đó nên đã đem về viết ở nhà. Em xin lỗi cô ạ!

Khỏi phải nói tôi mừng vui đến thế nào. Thế là công sức giáo dục của tôi đã có thành quả!

Cuối chiều, tôi chở Lan về nhà vì nóng lòng muốn lấy lại chiếc bút cho Hà. Tới cổng nhà, em níu áo tôi, nói như cầu khẩn:

- Em xin cô đừng nói cho mẹ em biết nhé. Cô hứa không vào nhà em đi. Cô cứ ở đây chờ, em sẽ vào nhà lấy bút mang gửi cho cô.

Nhìn vẻ mặt sợ hãi của Lan, tôi đồng ý. Tôi đứng bên đường chờ em rất lâu. Đã mấy lần tôi định dắt xe vào nhà, song nghĩ tới lời hứa, đành nén lòng chờ dợi. Trời đã chập choạng tối, Lan mới bước ra, buồn thiu:

- Thưa cô, em để chiếc bút đó ở nhà mà tìm mãi không thấy đâu cô ạ.

Thế là tôi lại thêm một lần thất vọng. Nhưng không sao, điều quan trọng nhất với tôi là em đã nhận lỗi và hứa sẽ không gặp lại. Tôi nói với em rằng tôi tin vào lời hứa của em.

Tôi mua chiếc bút khác như Hà tả để gửi lại cho Hà. Sáng hôm sau tới lớp, tôi nói với cả lớp cô đã tìm được chiếc bút của Hà. Tôi cũng nói thêm rằng, tôi tin tập thể lớp mình sẽ không còn ai bị mất đồ dùng như Hà nữa. Thế là cả lớp lại vui.

Tiếng ve râm ran, từng chùm phượng thắp lên lửa đỏ trước sân trường, thắp lên trong lòng tôi, trong lòng học trò của tôi niềm vui nghỉ hè. Ngày chia tay, tôi tặng quà các em, và hầu như bạn nào cũng có một vật kỷ niệm nhỏ tặng cô giáo, em thì tặng cô chiếc bút, em thì tặng cô chiếc nơ buộc tóc xinh xinh, có em tặng cô đôi dép nhựa… Riêng Lan, cả buổi lễ tổng kết em không cười mà rất đăm chiêu. Đợi mọi người về hết, em mới rụt rè đưa cho tôi một phong thư:

- Thưa cô, em gửi cô thư này ạ. Về nhà cô hãy mở ra nhé.

Tôi cảm ơn em, bỏ phong thư vào cùng với những vật lưu niệm của học trò rồi ra về nhẹ nhõm.

Ngày 31/5, ngày đầu tiên của kỳ hè. Một cảm giác thật dễ chịu khi được nghỉ ngơi sau những ngày dài làm việc. Tôi vui vui khi sắp xếp lại đồ dùng, sắp đặt các vật lưu niệm của học trò. Cầm phong thư tự làm từ giấy vở ô li của Lan, tôi băn khoăn: “Nhà Lan nghèo thế…”. Quyết định mở ra, đó là lá thư Lan viết:

“Ninh Hải, ngày…

Thưa cô!

Em thành thật xin lỗi vì em đã nói dối cô!

Cô là người thương em nhất, cô là người bảo vệ em khi các bạn đổ lỗi cho em. Em rất biết ơn cô. Em không muốn cô buồn, những ngày cô buồn em cũng không vui. Khi cô vui, cô dạy học hay lắm ạ.

Em muốn giúp cô vui nên em đã nhận là em lấy bút của bạn Hà. Cô đã dạy em biết yêu thương, cô cũng dạy em trung thực. Trước đây em có mấy lần mắc khuyết điểm lấy đồ dùng của các bạn, lần này các bạn ấy cứ tưởng em lại lấy bút của bạn Hà. Thực ra em không lấy bút của bạn ấy đâu, chắc bạn ấy đánh rơi ở đâu đó rồi cô ạ.

Em muốn cô biết sự thật này: Em không lấy bút của bạn Hà đâu. Cô hãy vui lên nhé. Em kính chúc cô mạnh khỏe và hạnh phúc…”. Đọc tới đây, mắt tôi nhòa đi. Có cái gì đó nghẹn ứ trong lồng ngực.

Tôi đã cảm nhận sự việc hoàn toàn theo cảm tính, tôi đã nhìn nhận một cách phiến diện về một học sinh. Tôi chỉ muốn chạy ào đến với Lan để ôm em ngay vào lòng và nói rằng cô hiểu, em đã là một học sinh ngoan, trong sáng. Em đã để lại cho tôi một kỉ niệm sâu sắc, một món quà về tình yêu thương và lòng trung thực.

Nhất định ngày mai tôi sẽ đến thăm em!

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.