(GD&TĐ) - Lớp tôi, lớp Đệ nhất B1 năm 1955 - 1956, gọi tắt là 1B1 có chị Đàm Lê Đức, một người chị rất đặc biệt, không lập gia đình, năm nay tròn 83 tuổi mụ, vẫn lên lớp dạy toán. Trường của chị là trường bồi duỡng văn hoá nhưng vẫn đạt chất lượng giáo dục toàn diện đặc biệt là đức dục, vẫn kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường và gia đình...
Chị kể: “Dạo ấy mình trọ học ở Hà Nội với Bạch (Bạch Vân - Nhà giáo Ưu tú - Hiệu trưởng Trường PTTH chuyên Hải Dương). Bản thân mình hồi ấy đau yếu luôn, số tiền dành dụm được từ công việc may mặc trong thời gian nghỉ học vì gia cảnh, sau gần 2 năm học cấp 3, ăn tiêu, thuốc thang đã hết sạch. Nhà Bạch cũng khó khăn không thể bao cho bạn được, mình ngỏ ý với Bạch là có lẽ mình phải xin thôi học, dù chỉ còn mấy tháng nữa là thi tốt nghiệp. Bạch giấu mình, tự đến gặp thầy Oánh chủ nhiệm báo cáo tình hình nguy ngập của mình. Thầy bảo Bạch: thầy sẽ có cách giúp Đức, cứ động viên bạn ấy đi học. Hôm sau khi chỉ có hai thầy trò, thầy đưa cho mình một số tiền đủ để tiêu trong học kỳ II và nói: “Chị cầm số tiền này mà tiêu”. Mình không cầm và thưa: “Thưa thầy em không dám nhận vì...” (Mình không dám nói “vì thầy là giáo viên kháng chiến lương ít …”). Thầy nghiêm sắc mặt bảo: “Tôi là thầy giáo, tôi bảo chị có nghe không? Mà tôi có cho chị đâu. Chị phải trả, không phải trả cho tôi mà cho các trò nghèo”. Thế rồi thầy bỏ đi để mình tần ngần xúc động với tập tiền trong tay. Mình bỗng hiểu ra sự cao cả, sâu xa của nghĩa cử của thầy. Nó chẳng những cứu giúp mình qua cơn khốn khó mà còn dạy cho mình một bài học lớn về nghĩa đời, lẽ đời. Mình tự hứa sẽ trả món nợ ấy suốt đời. Từ đó, khi trở thành cô giáo, đã đem hết tâm sức ra dạy cho học trò, quan tâm đến học trò nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn như nghèo túng, đau ốm hoặc gặp cơn gia biến khiến học sinh của chị không em nào phải nghỉ học mà còn vươn lên học giỏi, thành đạt. Chị trả được một phần món nợ của thầy.
Nhà giáo Đàm Lê Đức trong một buổi tuyên dương HS giỏi tại trường cũ |
“Không chỉ vậy, sau hôm thầy Oánh giúp tiền cho mình thì Hưng - lớp trưởng lễ mễ mang gạo các bạn góp đến, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Mình cảm động quá. Món nợ của các bạn mình chưa trả được đâu. Năm học trước mình vào trường Trưng Vương học đệ Nhị (lớp 11 bây giờ) thì đã quá tuổi nhiều nhưng người ta chiếu cố nhận, phần vì anh con bác ruột mình là trưởng ty giáo dục Ninh Giang xin hộ, phần vì hoàn cảnh chiến tranh. Cách mạng tháng Tám, mình mới học năm thứ nhất trường Đồng Khánh (lớp 6 bây giờ), sau đó phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, mình ở nhà lao động chăn tằm kéo tơ, dệt vải, nuôi lợn nái... Từ 1949 mình đi học nghề thợ may, sau 6 tháng lấy được bằng may Việt phục, Âu phục và trở về Quảng Yên mở cửa hàng thợ may cho đến năm 1954. như vậy 5 năm mình lao động ở nông thôn, 5 năm lao động ở thị xã, cộng là 10 năm.
Kháng chiến kết thúc, em mình đang học Toán đại cương về dạy gấp cho mình chương trình toán 5 năm học trong một tháng. Tháng 2/1955 mình về Hà Nội, học học kỳ 2 Đệ nhị. Năm sau, năm học 1955 - 1956 trường Trưng Vương chưa có lớp Đệ nhất, bọn mình phải sang Nguyễn Trãi học 1B1. Do học nhảy về Toán, nên các môn Lý, Hóa còn yếu, theo không kịp các bạn, các bạn phải phụ đạo thêm” (Tôi nhớ hồi đó bạn Hưng lớp trưởng hay ở lại sau buổi học với chị Đức để phụ đạo cho chị).
Hết năm ấy, kỳ thi tú tài khoa toán - lý, hầu hết tốt nghiệp, số loại khá (bình), trung bình khá (bình - thứ) có đến vài chục, chị Đức cũng được bình - thứ. Đại đa số thi vào đại học ban tự nhiên và đều đỗ. Chị Đức đỗ vào Tổng hợp Toán. Vào Đại học chị Đức lại bị ốm, bạn Tý (học cùng lớp Toán với chị Đức, trước cũng học 1B1) báo cho các bạn biết, chị lại nhận được phong bì của các bạn từ 5 trường Đại học gửi về. Cơn bệnh qua...
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Toán, về dạy ở Hải Phòng, hàng tuần, chị về Hà Nội học nâng cao toán, và đã đạt được 13 chứng chỉ về toán kinh tế. Chị rất tận tụy với học sinh. Các em đã tốt nghiệp phổ thông nhưng vì lí do này lí do khác chưa vào đại học mà đi công trường theo tiếng gọi của Đoàn, hàng tuần tối thứ bảy và ngày chủ nhật chị đi xe bus từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn dạy toán và tiếng Nga cho số học sinh lao động ở công trường muối. Có lần lỡ xe buýt, chị vẫn đạp xe xuống. Giữa đường gặp bão, chị vẫn gắng sức đạp. Cũng lúc đó chị gặp các học trò cầm đèn bão đi đón cô, cô trò cười vui trong nước mắt trộn nước mưa.
Sau mấy năm dạy phổ thông, do có bằng Toán kinh tế, chị được điều lên dạy phân hiệu Đại học Bách Khoa ở Hải Phòng. Mặc dù đã dạy lên đại học nhưng chị vẫn quan tâm đến học sinh nghèo đã học chị ở cấp III Ngô Quyền năm học 1978 - 1979. Đó là em Bùi Đình Nhất học cùng với cháu chị, có hoàn cảnh khó khăn nhất lớp. Chị đã bảo em đến ăn ở tại nhà mình mà mỗi tháng chỉ phải đưa cho cô giáo một suất tem gạo trong sổ mặc dù hoàn cảnh chị lúc đó cũng không sung túc gì vì phải muôi mẹ, nuôi cháu trong cái thời bao cấp “giá - lương - tiền”. Sau 3 năm còn học ở nhà cô, Bùi Đình Nhất đã thi đỗ vào đại học với số điểm rất cao và được đi học ở Liên Xô.
Năm 1983 chị xin vào Nam dạy học để được gần người chị cả như nguyện vọng của mẹ trước khi qua đời, được phân công dạy ở Đại học kinh tế - Tp. Hồ Chí Minh. Đất nước đổi mới, đến 1985, đang dạy Đại học Kinh tế thì chị và đại gia đình mở trường bồi dưỡng văn hoá 218 Lý Tự Trọng. chị đã xây dựng trường thành một trường tiên tiến xuất sắc của thành phố. 1989 chị về hưu từ Đại học Kinh tế song vẫn điều hành trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng đến nay trường sắp kỷ niệm 27 năm thành lập. Là Hiệu trưởng, lại tuổi cao, chị vẫn hăng say trực tiếp đứng lớp. Trường chị chỉ có chức năng dạy nâng cao một số môn để phục vụ thi đại học các khối A, B, C, D nhưng chị đã tổ chức trường lớp rất khoa học, coi trọng giáo dục đức dục, rèn kỹ năng sống cho học sinh, kết hợp chặt chẽ giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình, giáo dục trong giờ và ngoài giờ. Bản thân chị soạn nhiều chuyên đề giáo dục và trực tiếp truyền đạt cho phụ huynh học sinh. Hằng năm, chị tổ chức gặp mặt và tuyên dương các học sinh giỏi xuất sắc, đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc và thành phố cũng như thi vào các trường đại học để nâng cao và phát huy truyền thống học giỏi của trường. Trường có quỹ học bổng do các học sinh cũ đã thành đạt đóng góp để giúp đỡ học sinh nghèo. Các em hầu hết đã thành đạt, nhiều em đi du học, đỗ Thạc sĩ, Tiến sĩ, làm chuyên gia. Đến lượt các em lại giúp đỡ cho các học sinh nghèo lớp sau. Đối với cô Đức, các em không bao giờ quên, thường xuyên thư từ, báo cáo, thăm hỏi như người mẹ thứ hai. Nhưng cô coi sự thành đạt và quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo đã là sự đền ơn trả nghĩa và hơn thế, còn giúp cô trả món nợ thiêng với các thầy, các cô, các bạn và tất cả những người đã giúp cô vượt lên trong tuổi học trò.
Đặng Hiển