Quy hoạch điện 8 là quy hoạch ngành rất quan trọng nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm xây dựng và sau hơn 1 năm rưỡi từ khi Bộ Công Thương lần đầu tiên trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch điện 8, bản quy hoạch đặc biệt quan trọng với sự phát triển của đất nước vẫn chưa được thông qua.
Tiến độ lập Quy hoạch điện 8 rất chậm so với yêu cầu dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục lần thứ 6 có tờ trình Chính phủ về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện 8 sau khi đã làm việc với các bên liên quan và tiến hành rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo tờ trình mới nhất này, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121,7 – 145,9 nghìn MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát).
Trong đó thủy điện chiếm 19,8 - 22,5%; nhiệt điện than 20,6 - 19,8%; nhiệt điện khí trong nước và LNG (24,9 - 27%); năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) 18 - 27%; nhập khẩu điện 3,3 - 3,4%.
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368,4 – 501,6 nghìn MW, trong đó thủy điện chỉ còn chiếm 7,2 - 9,7%; nhiệt điện than chiếm 0%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện chiếm 54,9 - 58,9%; phần còn lại là nhiệt điện (sử dụng sinh khối, khí, LNG) và nhập khẩu.
Về tổng vốn đầu tư, giai đoạn 2021 – 2030 cần 104,7 – 142,2 tỷ USD, trong đó đầu tư cho phát triển nguồn điện 89 – 126,1 tỷ USD; phần còn lại dành cho lưới điện truyền tải. Giá điện bình quân sẽ tăng dần từ 7,9 cent/kWh năm 2020 lên 8,1 - 9 cent/kWh vào năm 2030 - vẫn được cho là thấp hơn của Indonesia và Thái Lan.
Có thể thấy, cơ cấu nguồn điện như vậy đã “cập nhật” cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Về giá điện trong dự thảo mới, các chuyên gia cho rằng vẫn cần tính toán thêm để cân bằng lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo giá điện phải ổn định, cạnh tranh để người dân, doanh nghiệp hưởng sự cạnh tranh này một cách hiệu quả nhất và chưa làm rõ giá điện thì chưa duyệt quy hoạch.
Việc lập Quy hoạch điện 8 chịu áp lực lớn khi vừa phải bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, vừa phải bảo đảm tiến trình thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Cũng bởi thế, quá trình lập, hoàn thiện Quy hoạch điện 8 đã trải qua nhiều bước, mất rất nhiều thời gian và dự thảo Quy hoạch cần được xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng và toàn diện.
Tuy nhiên, tiến trình này cũng không thể kéo dài mãi. Chính phủ cần sớm xem xét, ban hành Quy hoạch điện 8 để có căn cứ triển khai các dự án điện, bảo đảm thực hiện được các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và tránh được những rủi ro về an ninh năng lượng.