Môn Lịch sử và Địa lý mới: Yêu cầu cao về dạy học tích hợp

GD&TĐ -Môn Lịch sử và Địa lý cấp tiểu học và THCS trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra nhiều yêu cầu đối với giáo viên và học sinh đặc biệt là về việc dạy học tích hợp. Đây là môn học bắt buộc có sự thay đổi đáng kể trong cách dạy và học.

Học sinh Trường TH&THCS Cam Cọn, Lào Cai. Ảnh: Lê Đăng
Học sinh Trường TH&THCS Cam Cọn, Lào Cai. Ảnh: Lê Đăng

Tích hợp nội môn

Theo PGS.TS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn Lịch sử cho biết: Chương trình Lịch sử và Địa lý (tiểu học và THCS) giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù lịch sử và địa lý trên cơ sở nền tảng kiến thức cơ bản, có chọn lọc về lịch sử và địa lý thế giới, quốc gia và địa phương; về các quá trình tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hoá diễn ra trong không gian và thời gian; về sự tương tác giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên.

Đồng thời, giúp học sinh biết cách sử dụng các công cụ của các khoa học lịch sử và địa lý để thu thập, tổ chức và phân tích, tổng hợp các dữ kiện, từ đó hình thành ở học sinh năng lực diễn giải lịch sử và giải thích địa lý dựa trên chứng cứ; phân tích các quan hệ nhân quả, quan hệ qua lại giữa các đối tượng trong bối cảnh địa lý - lịch sử cụ thể.

Phân tích về điểm khác của Chương trình môn Lịch sử và Địa lý (THCS) so với Chương trình môn Lịch sử và Chương trình môn Địa lý hiện hành, PGS Phạm Hồng Tung cho biết: Về cấu trúc: Nội dung giáo dục Lịch sử và Địa lý sẽ được thiết kế thành hai mạch nội dung tương đối độc lập: Lịch sử trình bày theo mạch thông sử với sự tích hợp nội môn: Lịch sử Việt Nam , Lịch sử khu vực và Lịch sử Thế giới; Địa lý sẽ thiết kế theo chiều không gian: Việt Nam - khu vực - thế giới.

Về nội dung giáo dục, chương trình đưa vào những nội dung mới dựa trên thành tựu cập nhật của sử học và địa lý, bao gồm cả những nội dung trước đây bị coi là “nhạy cảm”, ví dụ như lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa...

Về tích hợp tập trung vào 4 chủ đề: Phát kiến địa lý, đô thị, biển Đông, châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Mê Kông.

Về tiếp cận năng lực, thay vì đặt trọng số vào việc học thuộc và ghi nhớ kiến thức thì trọng số sẽ được đặt vào việc giúp HS phát triển những năng lực chung và năng lực môn học, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của công dân Việt Nam toàn cầu.

Giải thoát khỏi tình trạng “dạy chay, học chay”

Ngay khi chương trình các môn học được công bố, nhiều giáo viên thừa nhận vẫn mơ hồ về môn tích hợp, cũng như phương pháp để dạy môn học mới này.

Cũng theo PGS.TS Phạm Hồng Tung: GV hoàn toàn yên tâm về học tích hợp lịch sử và địa lý. GV nên đọc kĩ, tìm hiểu kĩ Chương trình GDPT và Chương trình môn học; Tham gia các khóa tập huấn; Tự tin, tự bồi dưỡng.

Trước hết, GV phải sử dụng tốt các thiết bị dạy học truyền thống và hiện đại. Tôi thấy phấn và bảng vẫn rất quan trọng, GV vẫn tiếp tục sử dụng tốt, vì ở tiểu học, cách thầy cô viết bảng cũng có tác dụng GD rất mạnh tới HS.

Các thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy tính, thậm chí điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ cao khác cần phải được hướng dẫn cho HS và GV phát huy tác dụng tích cực. Chúng ta không được quay lưng lại với nó, vì nó đã là một bộ phận của cuộc sống. Đương nhiên, vì những thiết bị này đắt nên việc trang bị chúng chắc không đơn giản.

Phát huy dạy học theo dự án, lôi cuốn sự tham gia của HS và tổ chức đi bảo tàng, tham quan di tích lịch sử, văn hóa và các địa bàn, địa điểm địa lý đặc trưng. Việc này cần được tăng cường dù rất khó khăn ở cả thành phố và nông thôn. Nhưng chúng ta đều phải cố gắng để giải thoát môn Lịch sử và một số môn học khác khỏi tình trạng “dạy chay, học chay”.

Khắc phục sự phân biệt “môn chính” với “môn phụ”

Thực tế những năm qua, môn Lịch sử là một môn học bắt buộc, độc lập nhưng học sinh vẫn thờ ơ, không thích học môn này. GV cần thay đổi PPDH để đáp ứng Chương trình Lịch sử mới.

Trước hết, thông qua việc tổ chức dạy và học Lịch sử phải làm cho HS hiểu thật rõ lịch sử là một môn khoa học, thậm chí là một môn khoa học lý thú, hữu ích cho cuộc sống hiện nay của các em chứ không phải là môn học thuộc hoặc chỉ để tuyên truyền, nhồi sọ.

Thứ hai, các thầy cô giúp cho HS hiểu rõ mối quan hệ giữa lịch sử với cuộc sống; đặc biệt là vai trò của lịch sử đối với những nghề “hot” thuộc các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, du lịch, quản lý - lãnh đạo…

Ví dụ như trước đây chúng ta dạy Sử nhưng rất ít nói cho HS biết học Sử để làm gì. Trong chương trình mới sẽ có những chủ đề và chuyên đề. Ví dụ: Lịch sử với phát triển công nghiệp văn hóa, lịch sử với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Những chuyên đề này phù hợp với việc phát triển các ngành hot như du lịch, điện ảnh, thậm chí game online... Đây là những ngành - nghề mang lại thu nhập cao, rất hấp dẫn giới trẻ, hữu ích cho xã hội.

Theo nguyên tắc “mở”, GV hoàn toàn có quyền chủ động trong cách chọn trọng tâm nội dung của từng chuyên đề, chủ đề - đương nhiên phải căn cứ trên “yêu cầu cần đạt” của chương trình; GV và học sinh có quyền chủ động trong lựa chọn học liệu; Phát huy được tối đa trí sáng tạo và thế mạnh của GV và học sinh. Giải thoát được tình trạng HS phải học đi học lại những vấn đề giống nhau theo kiểu nhồi nhét, học thuộc”.
PGS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ.

Thứ ba, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập của thầy và trò cũng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó yêu cầu đặt ra là dạy và học Lịch sử phải trở thành một hoạt động sáng tạo chứ không phải là thuần túy học thuộc rồi trả lại bài học thuộc (đó là “trò khỉ”).

Để thoát khỏi tình trạng “trò khỉ” bắt buộc phải đổi mới thi cử và đánh giá, thay vì kiểm tra khả năng học thuộc ghi nhớ máy móc của học trò thì phải đặt trọng số vào việc đánh giá năng lực hiểu biết, phân tích và vận dụng tri thức lịch sử theo nguyên tắc đánh giá tích cực.

Thứ tư, trong tổ chức GD khắc phục nhanh sự phân biệt “môn chính” với “môn phụ”. Chính sự phân biệt này đã và đang “giết chết” môn Lịch sử và một số môn khác.

Việc chuyển các môn thi chuyển cấp và tốt nghiệp, tuyển sinh thành các môn thi tổ hợp chỉ mới là một giải pháp để khắc phục tình trạng môn chính, môn phụ. Sẽ còn rất nhiều việc mà hệ thống GD cần phải làm để trả lại vị trí tương xứng cho môn Lịch sử và một số môn khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ