Môn Khoa học tự nhiên trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Lưu ý Khoa học tự nhiên (KHTN) là một môn học, không phải 3 môn học riêng rẽ cộng lại, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm xây dựng chương trình môn KHTN – đồng thời nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn trong dạy học môn học này, từ đó đưa ra giải pháp, đặc biệt với vấn đề đội ngũ.

Sự tích hợp trong môn KHTN giúp giáo viên và học sinh chủ động được kiến thức và kỹ năng
Sự tích hợp trong môn KHTN giúp giáo viên và học sinh chủ động được kiến thức và kỹ năng

Cần thay đổi nhận thức giáo viên, cán bộ quản lý

- Ông nhận định thế nào về thuận lợi cũng như khó khăn trong dạy học môn KHTN?

- Dạy học môn KHTN có nhiều thuận lợi. Trước hết, chúng ta có thể tiếp thu kinh nghiệm từ nhiều nước dạy học môn KHTN. Hơn nữa, dạy học tích hợp không phải là vấn đề xa lạ trong GDPT nước ta, một số giáo viên đã được tập huấn và dạy học một số chủ đề tích hợp trong chương trình hiện hành. Nội dung GD và phương án tích hợp trong chương trình môn KHTN về cơ bản không làm thay đổi lớn số lượng giáo viên hiện hành.

Tuy nhiên, chúng ta còn chưa có kinh nghiệm biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học môn KHTN, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Để khắc phục hạn chế đó, chương trình môn học đã được biên soạn theo yêu cầu phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam, có học hỏi và vận dụng kinh nghiệm dạy học quốc tế.

Khó khăn trong dạy học môn KHTN là đội ngũ giáo viên được đào tạo và đã quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học, cũng như phương pháp dạy chủ yếu theo tiếp cận nội dung. Nhìn chung cơ sở vật chất của nhiều nhà trường phổ thông còn hạn chế; hạn chế trong đổi mới phương pháp dạy học. Hình thức quản lí nhà trường, hoạt động chuyên môn của giáo viên cũng đã quen với quản lí tách biệt 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Do vậy, cần tập trung thay đổi nhận thức của giáo viên, cán bộ quản lí về ý nghĩa của dạy học môn KHTN, vận dụng một số kĩ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học môn KHTN.

- Có giải pháp về giáo viên và tổ chức dạy học các môn học KHTN ở THCS trước những khó khăn nêu trên, thưa ông?

- Đầu tiên, cần thiết kế chương trình với nội dung và phương pháp dạy học tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên. Nội dung các môn học KHTN được thiết kế theo từng mạch nội dung vật lí, hóa học, sinh học, giúp cho giáo viên hiện đang dạy môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có thể dạy các bài học với kiến thức được đào tạo của mình một cách thuận lợi. Với các chủ đề tích hợp (biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...), nhà trường có thể lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp nhất để phân công dạy.

Tích cực bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan; giáo viên dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, cùng nhau trao đổi, thiết kế các chủ đề tích hợp qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp.

SGK và các tài liệu học tập theo yêu cầu tích hợp cũng cần phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam. Để làm được điều đó, cần bồi dưỡng đội ngũ tác giả viết SGK, giáo viên và cán bộ quản lí; đào tạo giáo viên mới đáp ứng yêu cầu dạy học môn KHTN; đồng thời tổ chức học tập kinh nghiệm, trao đổi, học hỏi và vận dụng kinh nghiệm dạy học tích hợp của một số nước có nền GD phát triển.

Giáo viên Lý, Hóa, Sinh có thể tham gia ngay dạy KHTN

- Ông có thể cho biết, cần tổ chức tập huấn và đào tạo giáo viên như thế nào để đội ngũ giáo viên hiện nay có thể dạy được môn KHTN?

- Giáo viên dạy các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học hiện nay có thể tham gia dạy học môn KHTN được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Mức độ tích hợp liên môn, nghĩa là tích hợp nhưng vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của Hóa học, Vật lí hay Sinh học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phân công giáo viên dạy học. Ít nhất, giáo viên môn nào vẫn dạy được mạch nội dung liên quan đến môn của mình đang dạy học.

  • “KHTN là một môn học, không phải 3 môn học riêng rẽ cộng lại một cách cơ học nên hoạt động chuyên môn trong nhà trường cần bố trí lại theo hướng một môn học, giáo viên trong tổ bộ môn KHTN hỗ trợ lẫn nhau những nội dung và chủ đề tích hợp. Ngoài ra, do môn học cần tăng cường hoạt động thực hành và trải nghiệm, nên giáo viên cần phải bỏ nhiều công sức chuẩn bị hơn”.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn

Trước mắt, thông qua chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở GD phổ thông (ETEP), giáo viên dạy môn KHTN sẽ được bồi dưỡng đầy đủ về mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình môn học mới và đổi mới phương pháp dạy học.

Khi tham dự các đợt tập huấn, giáo viên sẽ được cung cấp thêm các kiến thức tổng hợp, vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan để tăng cường sự liên kết giữa các mạch nội dung, qua đó giúp HS tăng cường khả năng vận dụng kiến thức thực tiễn.

Những giáo viên có khả năng, ngoài việc tập huấn dạy nội dung chuyên môn, dần dần sẽ được đào tạo theo cơ chế tín chỉ để có thể đảm nhận thêm những nội dung mới mà mình chưa được đào tạo trước đây. Về lâu dài, các trường sư phạm chuẩn bị chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu của môn học mới.

- Vậy giáo viên, nhà trường cần chuẩn bị gì để dạy môn KHTN, thưa ông?

- Mỗi giáo viên cần chủ động và tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực HS.

Mỗi nhà trường cần xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng và phân công người dạy, bổ sung phòng học và thiết bị dạy học, liên kết với các cơ sở GD, cơ quan nghiên cứu, cơ sở sản xuất… để tổ chức cho HS trải nghiệm và tìm tòi, khám phá, đồng thời tiến hành các biện pháp hỗ trợ giáo viên như bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan; dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, thiết kế các chủ đề tích hợp, qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp.

Trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, nhà trường phổ thông cần bố trí giáo viên trên nguyên tắc giáo viên thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó, đảm bảo tính thống nhất của môn học theo sự sắp xếp của các mạch nội dung, không tách riêng ra từng phần cho từng giáo viên dạy riêng rẽ.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giáo viên dạy môn KHTN rất đa dạng. Có giáo viên chỉ dạy một mạch nội dung (những giáo viên này phần lớn xuất thân là kĩ sư hay cử nhân khoa học chuyển sang học sư phạm và trở thành giáo viên) nhưng cũng nhiều giáo viên dạy được 2 hoặc 3 mạch nội dung (những giáo viên này thường được tập huấn, đào tạo và nhận chứng chỉ trong quá trình công tác). Do vậy, một môn học có nhiều giáo viên đảm nhận là việc bình thường và phổ biến.

- Phương pháp GD chủ yếu của môn KHTN là gì, xin ông chia sẻ?

- Dạy học môn KHTN chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Các hoạt động học tập của HS chủ yếu là học tập chủ động, tích cực chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên, được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường, thông qua một số phương pháp dạy học chủ yếu: tìm tòi, khám phá; phát hiện và giải quyết vấn đề; dạy học theo dự án; bài tập tình huống; dạy học thực hành và thực hiện bài tập; tự học..., nhấn mạnh hơn tới dạy học thông qua các bài thực hành thí nghiệm và khảo sát thực tế.

Tuỳ theo mục tiêu cụ thể và mức độ phức tạp của hoạt động học tập, HS được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp.

Ngoài sử dụng các phương pháp dạy học chung, dạy học môn KHTN cần quan tâm và sử dụng có hiệu quả các hình thức và phương pháp dạy học đặc thù như dạy học dự án ứng dụng KHTN, dự án tìm hiểu các vấn đề KHTN trong thực tiễn; dạy học bằng các bài tập tình huống trong thực tiễn đời sống, thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa, sử dụng các thí nghiệm ảo, thông qua quan sát mẫu vật thật trong phòng thí nghiệm/ngoài thiên nhiên, tham quan các cơ sở khoa học, cơ sở sản xuất, thông qua chuỗi hoạt động tìm tòi, khám phá, thực hành thí nghiệm trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn...

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ