(GD&TĐ)-Tại Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010 diễn ra chiều 28/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 78, tăng 10 bậc so với năm 2009.
Môi trường kinh doanh được cải thiện đã thu hút nhiều dự án đầu tư của nước ngoài |
Trong số 9 tiêu chí để xếp hạng môi trường kinh doanh, Việt Nam được đánh giá đã có tiến bộ vượt bậc trong 3 tiêu chí, là thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.
Trong những thành tựu Việt Nam đạt được phải kể đến là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao - 6,78%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2009.
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển khâu chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thêm dễ dàng. Hệ thống thông tin tín đụng được cải thiện, người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng về họ và được quyền sửa thông tin sai lệch.
Ngoài ra, lĩnh vực nộp thuế cũng có nhiều cải thiện. Nếu như trong báo cáo hồi 2009, Ngân hàng Thế giới tính toán một doanh nghiệp Việt Nam mất trung bình 1.050 giờ mỗi năm để đóng thuế, thì năm nay con số này còn 941 giờ. Nhờ đó, xếp hạng về nộp thuế tăng 22 bậc, lên 124 trên tổng số 183 nước.
Tính tổng hợp các tiêu chí, Việt Nam xếp thứ 78 về môi trường kinh doanh - thứ hạng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố đã tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2010 vừa qua, như lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao cùng với tình trạng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng luôn ở mức cao.
Nguyên nhân của tình trạng CPI bất ổn được cho là xuất phát từ tình trạng kém hiệu quả của cơ cấu kinh tế, nền kinh tế luôn phải đối phó với tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách ngày càng gia tăng. Cũng như cần thấy rằng việc điều hành kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu điện năm 2010 vẫn diển ra theo hướng trầm trọng hơn. Hệ thống giao thông, mặc dù có nhiều cố gắng trong cả đầu tư và xây dựng nhưng vẫn còn nhiều bất cập, so với yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại. Thêm vào đó là hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải cũng chưa được cải thiện nhiều đã và đang làm ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn tài nguyên nước.
Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2011 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn được Ngân hàng Thế giới đánh giá là nước đứng thứ 4 trong nhóm 10 quốc gia có nhiều cải cách nhất. Việt Nam xếp hạng cao hơn cả Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới năm nay tụt một bậc, từ 78 xuống 79.
Minh Duy