Mối họa “bươu vàng” tái xuất

Mối họa “bươu vàng” tái xuất
Thương lái thu mua ốc bươu vàng ở huyện Tịnh Biên, An Giang
Thương lái thu mua ốc bươu vàng ở huyện Tịnh Biên, An Giang

(GD&TĐ) - Không hiểu vì lý do gì mà giá ốc bươu vàng thời gian qua bắt đầu tăng và có nguồn tiêu thụ khá mạnh, thương lái cũng tìm mua ráo riết. Từ khi con ốc bươu vàng có giá thì hàng ngàn người dân nông thôn ở ĐBSCL cũng sống khỏe với nghề bắt ốc. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng dưỡng ốc con cho lớn để bán, dù ngành chức năng nghiêm cấm việc này…   

Ốc bươu vàng hút hàng 

Những tháng mùa lũ về ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp và Long An… đi dọc theo các tỉnh lộ hay quốc lộ thấy cảnh mua bán trao đổi ốc bươu vàng nhộn nhịp, đặc biệt vào buổi sáng sớm và buổi trưa.

Chị Trần Thị Bích ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang, cho biết: “Buổi tối rảnh rỗi, mấy mẹ con tui bơi xuồng ra các mé ruộng, bờ kênh bắt ốc, mỗi ngày cũng được hơn 40 kg, kiếm 100.000 - 200.000 đồng. Nhờ công việc này mà gần đây nhà tui có thu nhập khá.

Ốc bắt về phải phân loại, luộc sơ cho gần chín rồi lấy ruột, đem cân cho chủ vựa sẽ có giá cao, nếu bắt về bán nguyên con chưa bóc vỏ giá sẽ thấp khoảng 600 - 800 đồng/kg. Anh Lương Văn Hậu, người ở cùng xóm cho biết thêm, năm nay nước lũ về nhiều, nên lượng ốc xuất hiện nhiều lắm.

Tôi mới ra bắt ốc mấy ngày nay mà thấy ham quá, một mình tôi mỗi ngày dư sức kiếm 200.000 đồng. Ốc có giá, có nơi tiêu thụ cả xóm tôi rủ nhau đi bắt, đông vui lắm.

Mấy tháng mùa lũ năm nay, gia đình ba người của anh Lê Văn Liếng ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng bán cho đại lý thay vì giăng câu lưới vất vả như mọi năm.

Mỗi ngày gia đình anh bắt được từ vài chục đến hàng trăm kg ốc. Cứ khoảng 5 kg ốc còn vỏ thu được 1 kg ốc thịt giá 15.000 đồng, gia đình anh cũng kiếm hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày. Công việc nhẹ nhàng hơn bất cứ nghề nào vào mùa lũ, chỉ cần tốn công.

Việc bắt ốc bươu vàng không chỉ đối với gia đình nghèo mà các gia đình có chăn nuôi thủy sản như cá lóc, ếch, lươn… cũng tham gia bắt ốc. Anh Lê Văn Tâm, ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, An Giang nuôi 2.000 con ếch cho biết: Nuôi ếch nhờ tận dụng vào mùa lũ nên đi bắt ốc bươu vàng để làm thức ăn, giảm bớt được chi phí.

Đồng thời nguồn ốc dễ tìm, đây là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng giúp ếch phát triển nhanh. Thay vì ốc bươu vàng được bóc vỏ ngày trước thu mua với giá rẻ “bèo” từ vài trăm đồng đến 1.000 đồng/kg thì nay được thu mua từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, mà các thương lái tranh nhau thu mua ốc như “tôm tươi”.

Do vậy, nhiều lao động nhàn rỗi tại các địa phương ở vùng ĐBSCL đều có công ăn việc làm ổn định, một số cơ sở thu mua ốc cũng ăn nên làm ra trong mùa lũ.

Đừng thấy lợi mà ham  

Ngöôøi daân ñaõi oác laáy phaàn thòt ñeå baùn cho thöông laùi
Người dân đãi ốc lấy phần thịt để bán cho thương lái

Trước cái lợi vì giá ốc tăng cao, cho nên mấy tháng nay hàng chục cơ sở tại ĐBSCL cũng mọc lên như nấm để tranh nhau thu mua ốc bán cho thương lái.

Ông Trần Đại Nghĩa, chủ cơ sở thu mua ốc bươu vàng ở huyện Lai Vung – Đồng Tháp, cho biết: Cơ sở chúng tôi đã thực hiện việc thu mua ốc gần 3 tháng nay, chủ yếu mua ốc vào những tháng mùa lũ, còn những tháng nắng, chúng tôi chuyển sang thu mua các hàng nông sản của dân tại địa phương.

Bình quân một ngày cơ sở của ông Nghĩa thu mua từ 10 - 15 tấn ốc được mua trực tiếp của người dân đánh bắt đem lại bán. Sau khi mua xong sẽ được phân loại đem đi luộc sơ qua nước nóng, rồi đến bóc vỏ lấy ruột là giai đoạn cần nhiều lao động.

Chính vì thế số lượng ốc lớn, mỗi ngày gần 20 lao động địa phương tại cơ sở này rửa ốc để cho vào hộp đông lạnh. Mỗi kg ốc mua từ người dân, chủ cơ sở sang tay lại cho thương lái khác với giá chênh lệch từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Theo một chủ cơ sở thu mua ốc bươu vàng ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, Hậu Giang cho biết, sau khi thu mua của người dân, cơ sở sẽ bán lại cho các thương lái khác là của người Việt chứ không phải thương lái Trung Quốc.

Sau đó, thương lái này có bán cho phía thương lái Trung Quốc hay không thì chủ cơ sở này cũng không rõ vì chủ yếu giao dịch mua bán ở TP HCM.

Ông Lê Hồng Việt, Phó Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, Hậu Giang cho biết, việc mua bán ốc bươu vàng trên địa bàn huyện đã diễn ra từ một vài năm qua. Ốc được người dân bán cho thương lái trên địa bàn, sau đó thương lái bán tiếp cho cơ sở thu mua khác ở TP HCM. Theo ông Việt, việc người dân bắt ốc bươu vàng cũng góp phần nào tiêu diệt sinh vật này, bảo vệ môi trường, mùa màng.

Tuy nhiên, ông Việt cũng thừa nhận, việc người dân đổ xô đi bắt ốc rồi bán giá cao cũng khiến địa phương lo lắng vì có nguy cơ người dân sẽ nuôi ốc để có thêm nguồn bán.

Cho đến nay, qua rà soát trên địa bàn huyện thì chưa phát hiện trường hợp nào nuôi ốc bươu vàng. Trong việc này, huyện cũng đã chỉ đạo các xã theo dõi sát sao, nếu phát hiện người dân gây nuôi sẽ can thiệp xử lý ngay, ông Việt nói.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV  tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Việc các cơ sở thu mua ốc bươu vàng trong mùa lũ đã diễn ra nhiều năm qua, chủ yếu để phục vụ cho việc chăn nuôi thủy sản là chính. Vẫn chưa nghe thông tin người nước ngoài thu mua ốc bươu vàng ở tại địa bàn Đồng Tháp.

Chuyện người dân vì lợi nhuận trước mắt mà có thể nuôi ốc là không có, tuy nhiên hiện nay một số cơ sở thu mua ốc nhỏ dưỡng lại chờ lớn để bán thì có. Vì đây cũng là con vật ngoại lai phá hoại mùa màng nên ngành chức năng và ngành nông nghiệp địa phương cần tăng cường tuyên truyền săn bắt để bảo vệ mùa màng… 

Vũ Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ