Mơ ước giản dị của người đàn ông tật nguyền

GD&TĐ - Gần 40 năm liệt giường, ông Phạm Văn Đàm, 54 tuổi thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Tp Hải Phòng đã không còn hy vọng về một cuộc sống bình thường với đôi chân lành lặn. Mọi sinh hoạt  cá nhân của ông đều phụ thuộc vào mẹ già. Trong những lúc tưởng chừng như  tuyệt vọng thì điều kỳ diệu đã đến, ông Đàm tự ngồi dậy đi lại được bằng xe lăn chỉ sau một giấc mơ lạ...

Hai mẹ con ông Đàm kể về những ngày khốn khó
Hai mẹ con ông Đàm kể về những ngày khốn khó

40 năm liệt giường

Ông Đàm là con trai thứ hai trong một gia đình thuần nông nghèo túng, có 4 anh chị em. Ngay từ nhỏ, cậu bé Đàm đã rất thích được cùng các bạn đồng trang lứa cắp sách tới trường để học con chữ với ước mơ sẽ có cơ hội thoát cảnh bần hàn.

Nhưng tai họa đã ập tới với ông. Vào đầu năm 1976, khi ông đang theo học lớp 4 trường làng, trong một lần đang chơi đùa cùng các bạn, ông bất ngờ ngã quỵ gối giữa sân trường.

Tưởng rằng vết thương sẽ chóng lành, nào ngờ, đêm về hai đầu gối ông sưng tấy, đau nhức khiến ông không thể đi lại được. Ngay sau đó, gia đình đã đưa ông đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi.

Từ đó, ông Đàm phải nằm liệt giường. Cũng từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều phải dựa dẫm vào cha mẹ.

Cụ Vũ Thị Xa (SN 1939) , mẹ ông Đàm đau đớn kể lại: “Suốt mấy tháng ròng ở viện, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Mặc dù nhà nghèo, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng chạy chữa cho con. Nhìn con đau ốm, sức khỏe ngày càng tàn tạ, tôi thương lắm, đau lòng lắm mà không thể làm gì được”. 

Cả quãng đời hơn 50 tuổi của ông Đàm thì từng ấy năm gia đình ông được xếp vào diện nghèo khó của thôn. Bất lực trước bệnh tật, đã nhiều lần ông Đàm nghĩ đến cái chết để không còn là gánh nặng cho gia đình. Song tình thương yêu của mẹ và các anh chị em đã tiếp thêm sức mạnh cho ông sống tiếp. Năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng thân hình ông nhỏ bé như một đứa trẻ lên 5, với cân nặng 18kg.

Giấc mơ lạ tiếp thêm nghị lực sống

40 năm liệt giường là ngần ấy thời gian trôi đi trong vô vọng về một đôi chân lành lặn. Ông và gia đình dường như đã chấp nhận số phận. Vậy mà, trong một đêm nằm ngủ, ông Đàm đã mơ một giấc mơ lạ, ông có thể tự ngồi dậy và đi được xe lăn. Tỉnh dậy, ông biết giấc mơ đó rất khó thành hiện thực, thậm chí là viển vông, bởi từng ấy năm liệt giường thân hình ông đã biến dạng, sức khỏe ngày càng yếu.

Sáng hôm sau, ông vẫn quyết định đem kể chuyện với mẹ mình nhưng cụ cho là giấc mơ hão huyền, cụ không tin điều đó thành sự thật. Như có linh cảm về sự nhiệm màu trong giấc mơ đó, ông Đàm đã đem chuyện kể cho anh trai là Phạm Văn Thuyết (SN 1962) và nhờ anh lên Ban chính sách xã Vĩnh An xin xe lăn cho mình.

Trong những ngày đó, ông Đàm cố gắng tập luyện và dần ngồi dậy được.

Chiếc xe lăn của Ban chính sách xã Vĩnh An trao tặng có trục cao không phù hợp với thân hình của ông. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, ông đã tự tay thiết kế một chiếc xe lăn phù hợp với mình và nhờ anh trai phụ giúp.

Ông tích cóp số tiền trợ cấp người tàn tật hàng tháng để mua một số phụ tùng và nhờ cửa hàng cơ khí đầu làng gia công giúp. Sau vài tuần sửa đi, sửa lại, chiếc xe lăn cũng được hoàn thành.

Những ngày đầu lóng ngóng ngồi xe lăn, không ít lần 2 mẹ con ngã bổ ngửa trước bậc nhà.

Hiện tại, dù đã ngồi được xe lăn, tự túc sinh hoạt cá nhân nhưng hoàn cảnh của mẹ con ông Đàm rất khó khăn. Ngày ngày hai mẹ con ông sống dựa vào tiền trợ cấp hộ nghèo và người tàn tật. Ông Đàm chỉ có một mơ ước nhỏ nhoi là có một công việc vừa sức để kiếm thêm thu nhập phụ giúp mẹ già, nhưng điều đó với ông cũng quá khó khăn. 

Rất mong những tấm lòng hảo tâm có thể chia sẻ những khó khăn với gia đình ông Đàm. Mọi sự giúp đỡ cho ông Đàm có thể gửi về địa chỉ: ông Phạm Văn Đàm, thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng hoặc Tòa soạn Báo Giáo dục và Thời đại, 29B, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, ĐT: 024394.6795, Số tài khoản: 001100434485, tại Ngân hàng Vietcombank (Hà Nội), xin ghi rõ: Ủng hộ gia đình ông Phạm Văn Đàm, thôn Thiết Tranh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Tp Hải Phòng. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển tới gia đình ông Đàm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ