Mó nước “Thạch Sanh” giữa lòng chảo Mường Thanh

Mó nước “Thạch Sanh”  giữa lòng chảo Mường Thanh

“Nghiện” nước...

Trời nhá nhem tối, chị Lường Thị Dung ở bản Lé, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên vẫn chưa thể về nhà vì hôm nay đến ngày đi lấy “nước thánh”. Gọi là “nước thánh” bởi chị cũng như nhiều người tâm niệm rằng, tự nhiên có một nguồn nước trong mát, ngọt lành cho người dân sử dụng như thể được thánh thần ban tặng.

Lưng đeo túi rau khoai đầy ụ, hai tay chị Dung khệ nệ ôm gần chục vỏ chai nước đã qua sử dụng cùng 2 vỏ can lớn loại 20 lít vội vã tắt qua cánh đồng để đến mó nước. Nghiêng người để túi rau không bị rơi xuống đất, chị Dung thoăn thoắt hứng nước từ vòi vào từng vỏ chai mang đi Vừa làm, chị Dung vừa kể: “Nhà em dùng nước ở đây quen rồi. Nước ngọt lắm! Nếu anh muốn, em tặng anh một, hai chai. Em dám chắc, sau khi uống, anh sẽ “nghiện” đấy!”

Nhà đông người, lại dùng nguồn nước ở mó để nấu ăn và uống nên hầu như ngày nào nhà chị Dung cũng phải “cắt cử” một thành viên đi lấy. Còn nước giếng khoan ở nhà chỉ để giặt giũ và phục vụ một số công việc khác.

Ông Trần Quyết Chiến (76 tuổi) sống ở thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông gần 30 năm nay chia sẻ: Mó nước “thần kỳ” bà con dân bản quen sử dụng có từ rất lâu. Vì thấy nguồn nước trong mát và ngọt lành nên cứ thế lấy về dùng.

“Nguồn nước xuất hiện từ nhiều đời nay rồi. Nước từ trong lòng đất cứ thế đùn lên và chưa khi nào cạn cả. Người dân lao động khi khát mới lấy để uống, rồi họ cảm nhận nước ngon và sạch nên lấy về dùng”, ông Chiến kể và cho biết: Nhà tôi thường xuyên sử dụng nước ở mó. Nước đặc biệt ở chỗ, pha chè, vối để uống lúc nào nước cũng xanh và trong veo. Thế nên mấy năm nay, người dân từ địa phương khác trong tỉnh đều kéo đến lấy nước về uống. Mọi người tập trung đông nhất vào thời điểm: 9 – 11 giờ và 17 – 20 giờ trong ngày.

Theo lời kể của người dân địa phương, ban đầu thấy bùn đùn từ dưới lên sau đó là cột nước trong vắt phun suốt ngày đêm. Nước uống có vị ngọt, bà con dân bản liền đan phên nứa quây xung quanh và lấy ống tre, nứa dẫn nước về. Mùa hè nước mát lạnh, mùa đông lại ấm. Nơi có dòng nước phun lên được bà con khơi thành giếng. Kỳ lạ hơn, mó nước chưa bao giờ cạn. Có năm trời khô hanh kéo dài, nước từ mương dẫn vào ruộng không đủ, vậy mà mó nước vẫn chảy đều.

Mó nước “Thạch Sanh”  giữa lòng chảo Mường Thanh ảnh 1
Chị Lường Thị Dung hứng nước vào từng vỏ chai, can nhựa mang sẵn. Ảnh: T.G

Sống, chết “mặc bay”?

Vài ba ngày một lần, chị Sòi Thị Phương, trú tại bản Ten, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên lại đi chừng 10km lấy nước. Vì đường xa, đi lại bất tiện, mỗi lần chỉ lấy được chừng 60 lít nên gia đình chị Phương dùng số nước lấy được để uống (không qua đun nấu).

Khi được hỏi: Có sợ xảy ra ngộ độc hay nguy cơ bệnh tật từ việc sử dụng nước lã trong ăn uống (?), chị Phương có phần dè dặt: “Em cũng chẳng biết nữa. Chỉ thấy nguồn nước ngon, chưa ai trong nhà bị đau bụng nên cứ thế uống thôi!”

Ông Lê Văn Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên khẳng định: Chưa có cơ sở khoa học chứng minh nguồn nước bảo đảm. Sở từng đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá mẫu nước song chưa được Hội đồng Khoa học tỉnh Điện Biên chấp thuận.

Mang những thắc mắc trên đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Điện Biên, ông Đoàn Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm cũng không khẳng định mẫu nước đủ tiêu chuẩn để dùng trong ăn uống. “Năm 2013, 2016, 2018 cũng làm xét nghiệm, trong đó có 14 chỉ tiêu xét nghiệm cơ bản. Tất cả đều nằm trong giới hạn bình thường, chỉ đánh giá như thế. Nhưng đó là những chỉ tiêu đánh giá nước sinh hoạt. Thế còn nước ăn uống thì nó có tận 106 chỉ tiêu cơ”, ông Hùng cho hay.

Thay vì công khai kết quả kiểm nghiệm, đánh giá mẫu nước, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ sức khỏe, TTKSBT tỉnh Điện Biên lại giữ cho riêng mình. Ông Đoàn Ngọc Hùng thừa nhận: Kết quả kiểm nghiệm không thuộc diện tài liệu mật, song không thể công khai vì liên quan đến vấn đề “chuyên môn”. Nếu PV cần phải có ý kiến từ Sở Y tế. “Chúng tôi không được phép cung cấp”, ông Hùng khẳng định.

Mó nước mà người dân quen gọi là “mó nước Thạch Sanh” tồn tại giữa cánh đồng thuộc xã Thanh Luông từ rất lâu. Trong vụ sản xuất, người dân thường sử dụng hóa chất để chăm bón, bảo vệ hoa màu. Vậy nên, người cẩn thận chẳng dám sử dụng nguồn nước tự nhiên này bởi không biết độ an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ