Mở mang kiến thức từ những cuộc "tranh cãi"

GD&TĐ - Nhiều trường học đã phát huy khả năng tranh biện của trẻ. Thậm chí, các thầy cô coi đây là một môn học ngoại khóa bổ ích giúp tăng khả năng nghiên cứu và có kết quả học tập tốt hơn.

Trẻ có kỹ năng tranh biện thường thích nghiên cứu, tìm tòi, từ đó có kết quả học tập tốt hơn. Ảnh minh họa.
Trẻ có kỹ năng tranh biện thường thích nghiên cứu, tìm tòi, từ đó có kết quả học tập tốt hơn. Ảnh minh họa.

Cùng con thu thập thông tin

Tranh biện không chỉ truyền tải thông tin, mà còn cả cảm xúc đến với người nghe. Nói đến kỹ năng này, nhiều người thường liên tưởng tới các chính trị gia, những nhà diễn thuyết, doanh nhân hay người nổi tiếng nào đó.

Nhưng thực tế, hầu hết ai trong chúng ta cũng có lần cần phải thuyết trình, tranh biện về quan điểm, suy nghĩ… trước các vấn đề trong học tập, công việc cũng như cuộc sống. Đặc biệt, xã hội ngày càng phát triển, có được kỹ năng hùng biện còn giúp mọi người tự tin hơn trong giao tiếp và có được thành công trong cuộc sống. Hiểu được điều này, nhiều gia đình đã rèn luyện, thậm chí cho con đi học thêm rất nhiều khóa đào tạo về kỹ năng hùng biện, tranh biện.

Chuyên gia Nguyễn Thị Mai Liên, giảng viên kỹ năng sống Học viện Thanh thiếu niên chia sẻ, đối với học sinh, sinh viên, người nghiên cứu hay những người đang đi làm nói chung, có kỹ năng tranh biện tốt đồng nghĩa với phát triển tốt tư duy logic và tư duy phản biện. Bởi lẽ, để có thể phản bác ý kiến đối phương một cách thuyết phục, người tranh biện cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khách quan và tự sắp xếp lập luận của mình sao cho logic.

Bên cạnh đó, kỹ năng tranh biện cũng giúp cho người học rèn luyện sự tự tin khi phát biểu trước đám đông, sự sáng tạo trong lập luận, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và cả kỹ năng lãnh đạo. Những kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong việc phát triển bản thân một cách toàn diện.

MC Quyết Thắng (Kênh truyền hình Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ: “Để xây dựng được một bài nói, bài hùng biện tốt, bước đầu tiên là cần chuẩn bị cho trẻ một dàn bài. Có nhiều bạn cho rằng đối với một bài hùng biện thì cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người nghe. Điều này đúng nhưng vẫn là chưa đủ.

Nếu như trẻ được chuẩn bị thật kỹ càng cho những gì sắp nói, thì đó là thể hiện tinh thần trách nhiệm và cũng là một giải pháp giúp các trẻ có thể ứng phó với tất cả các tình huống phát sinh. Vì vậy, khi con cần tranh biện về một chủ đề gì, cha mẹ hãy cùng con thu thập thông tin, thực sự hiểu sâu về điều đó mới giúp trẻ tự tin trình bày và linh hoạt hơn khi được hỏi lại”.

MC Quyết Thắng cũng chia sẻ thêm, việc chuẩn bị sẽ được thực hiện tùy theo đặc điểm của từng trẻ, chỉ cần cảm thấy thật phù hợp ưu thế của từng bạn. Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ chuẩn bị bằng cách ghi ra một cuốn sổ nhỏ, ghi chú vào trong điện thoại. Hoặc thỉnh thoảng có thể thêm vào dàn bài một vài hình vẽ, tô đậm những ý tưởng mới, những câu có tính quan trọng như một điểm nhấn. Tất cả các hành động đó đều giúp cho các bạn chuẩn bị thật chu đáo, trau chuốt cho một bài diễn thuyết, bài hùng biện trước đám đông.

Khi tập ở nhà, trẻ cũng có thể đứng trước gương để vượt qua những ngại ngùng. Thậm chí nhìn thấy được ngôn ngữ hình thể mà mình thể hiện để tự điều chỉnh cho tốt.

Tăng khả năng ngoại ngữ nhờ tranh biện

Nói về tầm quan trọng của tranh biện trong trường học, nam MC cho rằng: “Tranh biện không phải là môn học chính thức, cũng không phải là môn học yêu cầu học sinh phải được học. Kỹ năng này phụ thuộc vào định hướng của từng cha mẹ đối với con trẻ.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tranh biện không chỉ giúp trẻ tự tin trong giao tiếp, thành công hơn trong việc học tập cũng như công việc sau này. Nó còn giúp trẻ có cảm xúc tích cực với nhiều sự vật hiện tượng xảy ra hàng ngày. Trẻ có kỹ năng hùng biện sẽ giúp người đối diện cảm nhận được sự nhanh nhẹn, linh hoạt, xử lý tốt các tình huống. Đặc biệt, trẻ sẽ tránh xa được các cảm xúc lệch lạc hay các thiết bị điện tử quá lâu. Tranh biện còn giúp trẻ trưởng thành có cách làm việc nhóm tốt hơn, hòa đồng với mọi người và nhiều trẻ em có thể không mắc bệnh tự kỉ, sợ đám đông”.

Hiện nay, với yêu cầu cao của xã hội, khi trẻ có kỹ năng cơ bản về tranh biện trôi chảy, thuyết phục, trẻ sẽ bắt đầu biết nâng cao trình độ của mình bằng cách hùng biện bằng tiếng Anh. Như vậy, chỉ là một kỹ năng tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại thúc đẩy trẻ học tập tốt hơn, nhất là với môn Ngoại ngữ.

Cô giáo Nguyễn Phương Trà – giáo viên dạy kỹ năng sống Trường Song ngữ Quốc tế VIS - cho biết: “Trẻ khi đã tự tin trong giao tiếp thì việc học ngoại ngữ cũng dễ dàng hơn, bởi môn học này cần sự tương tác lớn với nhau. Hiện nay, có rất nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống, trong số đó có lớp học về tranh biện, thuyết trình cho trẻ. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thời gian của từng gia đình để cho con theo học khóa học nào.

Thế nhưng, cha mẹ cũng cần tìm hiểu xem con mình có thế mạnh gì để thúc đẩy thêm, còn yếu ở đâu để tìm cách khắc phục. Từ đó mới có thể chọn lớp học phù hợp. Nếu cha mẹ đã có kinh nghiệm trong nghề hoàn toàn có thể cùng con học tại nhà”.

Cũng theo kinh nghiệm của cô Trà, trong trường học, nhiều trẻ tranh biện tốt thường rất sáng tạo, chịu khó học hỏi và nghiên cứu. Những học sinh này tích cực, chủ động trong cuộc sống và truyền năng lượng tích cực cho người khác. Đây cũng là lý do mà nhiều giáo viên để trẻ thoải mái trình bày quan điểm, lập luận của mình. Để trẻ phát huy hơn nữa kỹ năng này, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, cùng tạo môi trường cho con được lắng nghe và được chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.