Mở lối yêu sách cho trẻ: Chọn sách phù hợp tính cách

Mở lối yêu sách cho trẻ: Chọn sách phù hợp tính cách

Tuy nhiên, nên bắt đầu cho con tiếp cận với sách từ khi nào, đọc sách gì và làm sao để khuyến khích tình yêu sách ở trẻ... lại là băn khoăn của không ít người làm cha mẹ.

Với tính cách hiếu động, yêu thích các thiết bị điện tử, không ít trẻ thể hiện thái độ bực bội khi được yêu cầu đọc sách. Để cải thiện tình trạng này, cha mẹ cần chọn sách phù hợp tính cách, nhiều hình ảnh.

Chưa chú trọng vào việc đọc

Theo thống kê, Việt Nam không nằm trong danh sách 61 quốc gia có số lượng người đọc sách cao trên thế giới. Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 4 năm gần đây, bình quân mỗi năm, nước ta xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, trong đó có 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên. 

Do đó, mỗi năm một người dân chỉ đọc khoảng một cuốn sách. Đây được cho là con số đáng quan ngại, khi không ít người Việt chưa thực sự chú trọng tới việc đọc sách.

Mặc dù thư viện công cộng cũng như sách tại trường học ở Việt Nam khá đa dạng, nhưng nhiều học sinh vẫn "ngại" đọc. Anh Nguyễn Đức Hoàng tại Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, con gái anh rất hiếm khi vào thư viện mượn sách về đọc. 

Thay vào đó, cháu thường thích tìm hiểu thông tin hoặc kiến thức trên Internet. Số liệu thống kê của Bộ VH,TT&DL cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ 0,057 dân số, tương đương khoảng 564.000 người/90 triệu dân.

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam từng phát biểu, văn hóa đọc của người Việt thấp là do chúng ta không chịu khó hình thành thói quen đọc ngay từ nhỏ. 

Tại các quốc gia phát triển, dù là ở nhà chờ xe buýt hay ga tàu điện, hoặc từ quán nước đến công viên, việc người dân ở mọi lứa tuổi tranh thủ thời gian đọc sách là điều thường xuyên diễn ra. 

Ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, trẻ dường như ngày càng ít làm bạn với sách. Không ít phụ huynh cho rằng, tivi, Internet và mạng xã hội là nguồn cung cấp kiến thức chủ yếu cho trẻ. Do đó, con không đọc sách cũng sẽ không ảnh hưởng gì. Thậm chí, không phải phụ huynh nào cũng duy trì thói quen đọc sách.

Không thể bị thay thế

Chia sẻ về vấn đề liệu Internet và mạng xã hội có thể thay thế hoàn toàn sách hay không, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương từng nói: "Thông tin trong xã hội vô cùng phong phú, gia tốc gia tăng thông tin lớn, lượng thông tin mới được tạo ra lớn đòi hỏi cá nhân phải có năng lực xử lý, tìm kiếm thông tin, tái cấu trúc nó và vật chất hóa nó".

Theo chuyên gia này, để làm được điều đó, cá nhân phải có năng lực tập trung, tư duy phê phán và sáng tạo. Những yếu tố này phải được rèn luyện qua quá trình đọc sách đúng phương pháp, đọc phong phú và hệ thống từ nhỏ. Không ít người được hướng dẫn kết hợp với tự mày mò, thử nghiệm, rút kinh nghiệm, tự khai sáng. 

"Nếu không, con người sẽ bị chìm trong biển thông tin, bị thông tin dẫn dắt và không thể sáng tạo", nhà nghiên cứu nhận định.

Cũng theo ông Vương, mạng Internet, mạng xã hội giúp mỗi cá nhân đều có thể tạo ra, truyền tải thông tin tự do cũng như dễ dàng hơn. Ngoài ra, Internet cũng giúp con người dễ tìm kiếm thông tin thích hợp với nhu cầu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thông thường, mọi người có xu hướng đọc tin tức, bình luận ngắn hoặc có tính giải trí trên mạng. Nhiều thống kê cho thấy, thời gian để một người dừng lại đọc các bài trên mạng là rất ngắn.

"Đọc trên mạng thích hợp với đọc lướt, đọc tin tức hơn là để suy ngẫm, xây dựng hệ thống thông tin. Các thông tin cơ bản, có hệ thống chủ yếu vẫn ở sách, trong các tác phẩm kinh điển, đặc biệt là những thứ chưa được số hóa và phải đọc chậm rãi kết hợp trải nghiệm, suy ngẫm...". Do đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương nhận định, trong xã hội ngày nay, đọc sách vẫn là việc làm vô cùng quan trọng và không thể thay thế.

Khi trẻ thờ ơ với sách

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nhất Việt, trong trường hợp trẻ có thái độ thờ ơ với sách, bố mẹ cần khuyến khích con chọn những cuốn phù hợp với tính cách. Ví dụ, trẻ có thể đọc những câu chuyện với nội dung diễn biến nhanh, kịch tính và hồi hộp nếu tính cách con hiếu động. 

"Bước đầu, phụ huynh hãy ngồi đọc cùng và khơi dậy trí tưởng tượng của con, bằng cách yêu cầu trẻ dừng lại để quan sát hình ảnh sau phần lời vừa đọc", chuyên gia chia sẻ.

Do đó, chuyên gia tâm lý Nhất Việt gợi ý, bố mẹ nên khuyến khích con đọc những mẩu truyện có phần lời ngắn, nếu trẻ lười hoặc ghét đọc sách. 

"Nếu trẻ cảm thấy các trang sách thật buồn tẻ, không có hình ảnh động và âm thanh… thì phụ huynh hãy rủ con đọc những quyển truyện có phần lời thật ngắn. Hoặc khi đọc cho con, bố mẹ có thể giản lược lời".

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể đặt trước mặt con một vài quyển sách để trẻ lựa chọn. Với tâm lý "được tự chọn", nhiều trẻ sẽ cảm thấy hãnh diện và biết ngồi yên, chấp nhận việc đọc. Sau đó, phụ huynh cần quan sát sự tiến bộ của con để tiếp tục chọn những loại sách có phần lời dài hơn trong các lần tiếp theo.

Nói về trường hợp nhiều trẻ có thói quen đọc sách "đối phó" để nhanh chóng được làm việc khác, chuyên gia tâm lý Nhất Việt nhận định, nếu phụ huynh cáu gắt và phàn nàn, trẻ sẽ càng chán đọc. Không ít trẻ không thể tóm tắt lại nội dung sách vừa đọc vì thói "chống đối".

"Trong trường hợp này, cha mẹ nên ngồi đọc cùng con. Hãy yêu cầu trẻ đọc ngắt quãng giữa các đoạn hoặc trang. Nhờ đó, phụ huynh có thể đặt những câu hỏi đan xen. Đó chính là cách để trẻ đọc chậm lại, có thời gian hiểu nội dung cũng như tạo khoảng trống để bố mẹ đưa ra câu hỏi về các từ hay cụm từ con không hiểu", chuyên gia nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, một số phụ huynh bày tỏ mong muốn rèn cho con thói quen đọc sách ngay cả khi trẻ chưa biết chữ. Tuy nhiên, không ít cha mẹ gặp khó khăn do con còn hiếu động và không chịu ngồi yên.

"Nhờ thường xuyên tìm hiểu về cách nuôi dạy con, tôi biết rằng, trẻ tiếp cận sớm với sách sẽ được hoàn thiện kỹ năng. Tuy nhiên, bé nhà tôi mới 2 tuổi và không thể tập trung lâu để nghe bố mẹ đọc truyện. Nhiều khi tôi vừa đọc hết nửa trang sách, con đã chạy ra chỗ khác chơi từ lúc nào", chị Quỳnh Nga - một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội), tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ