Mở khoa sư phạm ở các trường ĐH có điều kiện

Mở khoa sư phạm ở các trường ĐH có điều kiện

(GD&TĐ)- Xây dựng 2 trường ĐH sư phạm và trường ĐH Giáo dục trở thành các trung tâm sáng tạo và đổi mới của ngành sư phạm trong cả nước. Phát triển các trường ĐHSP kĩ thuật và mở khoa sư phạm ở các trường đại học có điều kiện. Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại định hướng và giải pháp phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2015, tầm nhìn 2020 của Bộ GD&ĐT.

Mục tiêu hướng tới là phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam thời kỳ 2011-2020.

Cụ thể, về cơ bản đến năm 2020 giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, giáo viên trung học có trình độ đại học, trong đó ít nhất 30% có trình độ thạc sĩ trở lên.

Đến năm 2015, ít nhất 25% và đến năm 2020, 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ.

Đến năm 2015, 50% giảng viên trường CĐSP đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ.

Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, CĐSP không quá 20 sinh viên/ 1 giảng viờn vào năm 2020.

Đến năm 2020, tất cả các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường ĐHSP, CĐSP phải qua chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm hoặc trong vòng một năm sau khi được bổ nhiệm.

Đến năm 2015, các cơ sở đào tạo giáo viên hoàn thành việc đổi mới chương trình, có đủ giáo trình chất lượng cho tất cả các môn học; đến năm 2020 tất cả các trường sư phạm có thư viện điện tử.

Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2015 tất cả các giáo sư, phó giáo sư trong các trường sư phạm có chỗ làm việc tại trường; riêng ở hai trường sư phạm trọng điểm, tất cả giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có chỗ làm việc tại trường. Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐHSP, CĐSP; thành lập Hội đồng khoa học sư phạm quốc gia; xây dựng và triển khai chương trình nghiờn cứu quốc gia về khoa học sư phạm giai đoạn 2011-2020.

Để thực hiện các mục tiêu trên, 8 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra ngay trong năm 2011, là xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đánh giá chất lượng của giảng viên các trường sư phạm; Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường sư phạm và Hội đồng khoa học sư phạm quốc gia; Triển khai hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội của các trường sư phạm; Triển khai việc nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương thức đào tạo giáo viên để có các kiến nghị hợp lý; Hoàn thành xây dựng chương trình khung đào tạo khối ngành sư phạm cho giai đoạn sau năm 2010; các cơ sở đào tạo giáo viên hoàn thành việc điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non sau năm 2015; Xác định mạng lưới các trường nòng cốt đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông; Chuẩn bị cho kế hoạch 2011- 2020 và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 – 2020. 

Đến nay toàn quốc có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; gồm: 14 trường đại học sư phạm, 49 trường đại học có khoa/ngành sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm, 24 trường cao đẳng có khoa/ngành sư phạm; 03 trường trung cấp sư phạm và 04 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. So với năm 2006, có thêm 11 trường đại học được đào tạo mó ngành sư phạm. Một số trường CĐSP đã nâng cấp thành trường đại học đa ngành, chuyển thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường cao đẳng đa ngành.

Tính đến năm học 2010-2011, tổng số giảng viên của các trường đại học sư phạm là gần 4.400 người (GS: 18; PGS: 192 (5,0%); TS và TSKH: 565 (12,84%); ThS: 2039 (46,5%). So với năm 2006, tỷ lệ GS, PGS ở các trường ĐHSP tăng 0,5%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ giảm 1,24%, tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 4,06%; tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình là 31 sinh viên/giảng viên. Ở 2 trường sư phạm trọng điểm, các tỷ lệ nêu trên có cao hơn (ĐHSP Hà Nội: tỷ lệ GS, PGS là 20%, tỷ lệ TS là trên 33,0%. ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh: tỷ lệ GS, PGS là 6,25%, tỷ lệ TS là 28,4%).

Số lượng giảng viên ở các trường CĐSP là 4.462 người, giảm 0,6% so với năm 2006 (TS và TSKH: 55, chiếm 1,23%; ThS: 1.626 chiếm 36,44%). Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 1,85%, trình độ thạc sĩ tăng 9,22%. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 17,4 sinh viên/giảng viên.

  Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ