(GD&TĐ) - Mô hình vi tín dụng (microlender) từng giúp nhà kinh tế Bangladesh, Muhammad Yunus đoạt giải Nobel Hòa bình ngày càng chứng tỏ sự bất cập khi nhiều người nghèo thay vì vay được nợ để trang trải những khoản tiền khẩn cấp hay bắt đầu một hoạt động kinh doanh nhỏ lại dần dần rơi vào nợ nần không trả được. Lý do là người cho vay và người vay đứng ở hai phía của đồng tiền. Dù khoản vay nhỏ, nhưng do quản lý tồi, người vay sẽ mất khả năng trả nợ và lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí đã xảy ra chống đối tại nhiều cộng đồng và các cáo buộc các ngân hàng vi tín dụng ăn lời “cắt cổ”. Nay, thay thế nó là một mô hình vi tài chính mới (microfinance), trong đó người vay và người cho vay cũng là… một.
Thoát nghèo bằng chính đồng tiền tiết kiệm của mình
Nói rõ hơn, những người rất nghèo góp chung số tiền tiết kiệm được, lập ra luật chơi để sao sử dụng tốt nhất đồng tiền họ có, làm cho tiền đẻ ra tiền. Mô hình “quĩ tự quản” này đang lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đến nỗi có nhà kinh tế gọi đây là “kỳ quan nhỏ” (Small wonder). “Quĩ hợp tác MY GROUP đã cứu tôi và các con tôi thoát khỏi tình trạng nghèo khó” – chị Faustina Kwei, vừa sắp xếp lại những giỏ hoa quả trên sạp tại một khu chợ nhỏ ở khu ngoại ô nghèo của thủ đô Accra, Ghana, vừa nói. Chị đã sử dụng tiền tiết kiệm để gửi vào MY GROUP, rồi vay của quĩ một số tiền để thuê sạp hàng và mua cổ phần của quĩ. Nay thì tiền lãi phát sinh đủ cho chị trang trải tiền thuê sạp và các chi phí khác mà không cần vay nữa. Lần đầu tiên, Kwei nuôi được hai đứa con một cách đàng hoàng và cho chúng đến trường. Nhưng Kwei chỉ là một trong hàng triệu người nghèo đang được hưởng lợi của mô hình “microfinance” đang phổ biến tại nhiều cộng đồng nghèo trên thế giới.
“Microfinance” là từ dùng để chỉ những quĩ hợp tác theo mô hình cổ đông, vừa huy động tiền tiết kiệm, vừa cho các thành viên vay khi họ cần. Người nghèo tham gia các quĩ này có thể ổn định được thu nhập và có tiền trang trải khi bị bệnh và gặp thảm họa thiên nhiên. Nếu không, họ sẽ là nạn nhân của bọn cho vay nặng lãi. Đa số trong 2 tỉ người trên thế giới có thu nhập dưới 2 USD/ngày không đủ điều kiện vay mượn tại các ngân hàng chính. Trong 20 năm qua, nhiều tổ chức vi tín dụng (microlender) đã cố gắng cho họ vay, nhưng các cộng đồng nghèo nhất, đông đúc nhất và xa xôi nhất lại không được các tổ chức này chú ý, vì sợ bị quỵt nợ. Những người nghèo nhất thường bị từ chối cho vay, dù số tiền vay rất nhỏ. Một số nhà kinh tế cho rằng cái người nghèo cần chính là được tạo điều kiện để tự quản lý tốt hơn đồng tiền tiết kiệm ít ỏi, nghĩa là làm sao cho tiền đẻ ra tiền.
Một hình thức tự quản mang tính dân chủ cao
CARE International, một tổ chức từ thiện bắt đầu thử nghiệm sáng kiến mới ở Niger vào năm 1991 để giúp người nghèo, thay vì chỉ vay mượn đơn thuần bắt đầu tập làm quen với hoạt động sinh lợi từ đồng tiền tiết kiệm của chính mình. Thế là những quĩ hợp tác vừa tiết kiệm vừa cho vay ra đời. Mô hình “Microfinance” dựa vào tiết kiệm hơn là cho vay, và quản lý nó là những người trong cộng đồng thay vì những người có kinh nghiệm tài chính ngân hàng. Dĩ nhiên họ cần được hướng dẫn bước đầu khi thành lập quĩ. Từ đó, CARE và các tổ chức phi chính phủ (NGO) khác, kể cả Plan International, Oxfam US, Catholic Relief Services và Aga Khan Foundation cùng khuyến khích thành lập các quĩ hợp tác và tự quản này. Mô hình thành công đến nỗi nó đang lan rộng khắp châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh. Hiện mô hình quĩ tự quản đã có 4,6 triệu hội viên tại 54 nước trên thế giới. “Người dân thích mô hình mới vì nó dễ hiểu, dễ thực hiện” - John Schiller, một chuyên viên “microfinance” thuộc tổ chức Plan International nhận định. Mô hình nhỏ nhưng lợi nhuận từ tiền tiết kiệm lại rất ấn tượng, thường là 20-30% một năm. Những hội viên vay tiền phải trả lãi suất 5-10%/tháng đối với những khoản vay được hoàn lại trong vòng 3 tháng. Lãi suất có vẻ cao nhưng do chính những thành viên (tức là những người vừa có thể vay tiền của quĩ vừa được hưởng lợi của tiền tiết kiệm mình gởi vào theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con) đặt ra. Một quĩ tự quản thường có từ 15-30 người tham gia. Góp tiền tiết kiệm xong, mỗi người được mua một cổ phần của quĩ và có đủ tư cách để vay tiền khi cần. Ngoài ra, tất cả đều đóng góp một khoản tiền nhỏ vào cái gọi là “quĩ tương trợ”, hoạt động như quĩ “vi bảo hiểm” để khi có một thành viên nào làm ăn thất bại đột ngột sẽ được giúp đỡ bằng quĩ này để có thể bắt đầu trở lại mà không phải vay nợ “cá mập”. Quĩ có nội qui về hội họp định kỳ. Các hội viên bầu ra lãnh đạo và thông qua bản điều lệ, ấn định lãi suất cho vay và những lĩnh vực mà tiền vay có thể sử dụng để tránh vỡ nợ. Cuối năm, tất cả số tiền tích luỹ qua tiết kiệm và phần lãi phát sinh được quĩ phân chia công bằng theo mức đóng góp của các thành viên. Bước sang năm mới, một chu kỳ mới bắt đầu, với bản điều lệ mới, lãi suất mới và các qui định mới. Khi các thành viên đã thành thạo công việc của quĩ, các thành viên có thể được tài trợ để tham gia các khóa đào tạo nông nghiệp, y tế, quản lý và kinh doanh. Những gì họ học hỏi được sẽ truyền lại cho các dân làng khác.
|
Giảm bớt sự lệ thuộc của các bà mẹ châu Phi
Quĩ của Kwei theo chu kỳ ngắn có 9 tháng. Với số tiền kiếm được từ quĩ, cô đã mua được Bảo hiểm y tế quốc gia của Ghana và trả tiền thuê sạp. Hiện Kwei đang có kế hoạch giúp đỡ các phụ nữ khác tại thành phố quê nhà Abokobi, gần Accra, thành lập quĩ hợp tác tương tự như chị. Kwei hy vọng là số tiền tiết kiệm của họ sẽ phát sinh lợi nhuận và cuộc sống sẽ khá hơn. Châu Phi là lục địa rất cần mô hình “vi tài chính”. Đa số dân chúng nghèo, số tiền tích cóp ít, và hiểu biết kém về các hệ thống tài chính ngân hàng hiện đại. Chính vì vậy mà quĩ hợp tác phát triển rất mạnh tại lục địa đen, và hiệu quả cũng rõ rệt hơn các nơi khác. Bản đồ dân số châu Phi là “độc nhất vô nhị”. Đây là lục địa duy nhất sẽ tăng gấp đôi về kích cỡ dân số, đạt 2 tỉ người vào năm 2045 nếu đà tăng dân số vẫn tiếp tục như hiện nay. Một số nước như Liberia và Niger có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn sẽ có dân số gấp đôi trong chỉ 20 năm nữa, bước tăng chóng mặt làm cho học thuyết dân số của Malthus có cơ sở tồn tại. Chiếm 12% dân số thế giới, khu vực châu Phi hạ Sahara có tỉ lệ tử vong người mẹ khi sinh con là 57%, tỉ lệ tử vong trẻ em là 49% và nhiễm HIV là 67%. Tuy nhiên, tại châu Phi cũng bắt đầu xuất hiện xu hướng gia đình nhỏ hơn, vốn đã phổ biến tại nhiều châu lục khác. Các gia đình ở miền bắc châu Phi thường chỉ có 2 con. Ngay tại khu vực hạ Sahara cũng có những nơi sinh suất khá thấp về mạn nam với nhiều gia đình chỉ có 3 nhân khẩu. Các thành phố lớn như Lusaka của Zambia và Kinshasa của Congo, đa số gia đình có 4 con, trong khi tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đa số gia đình chỉ có 2 con. Xu hướng sinh thấp đang gia tăng niềm hy vọng là châu Phi có thể tự nuôi sống mình. Dân số trong độ tuổi lao động của lục địa đen vẫn còn đông hơn dân số người già và trẻ em. Châu Phi đang bước vào giai đoạn giảm sinh như châu Á sau năm 1670 và Mỹ La tinh sau năm 1970. Trong một thế hệ, số con trung bình trong một gia đình giảm từ 6 đến 2. Các phương pháp tránh thai ngày càng phổ biến tại châu Phi. Trong tình hình như vậy, mô hình “vi tài chính” sẽ giúp các bà mẹ nuôi sống được con cái và gia đình mình mà không phải quá trông cậy vào người chồng.
HỒNG HẢI
(Theo The Economist, CS Monitor và Finantial Times)