Mô hình trường điển hình đổi mới: Hiệu ứng tích cực

GD&TĐ - Với mục tiêu “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”, hai năm gần đây, Trường Tiểu học Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ đã tích cực thực hiện mô hình trường điển hình đổi mới. Nhờ vậy, học sinh hào hứng hơn, sáng tạo chủ động hơn trong các tiết học.

Lớp học Mỹ thuật
Lớp học Mỹ thuật

Hoạt động thường xuyên

Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy phấn khởi cho biết: Sau hai năm thực hiện mô hình trường học đổi mới, chúng tôi thấy hiệu ứng tích cực từ hiệu quả giảng dạy. Đó là niềm hạnh phúc của học sinh khi tới trường. Hoạt động trải nghiệm được đưa vào nhiều hơn trong các tiết học ngoại khóa. Học sinh được học tập thực tế, được tham gia các tiết học trải nghiệm với những môn học tự chọn.

Bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, 100% các lớp của Trường Tiểu học Bình Thủy được học hai buổi/ngày. Ngoài những giờ ôn luyện hai môn Toán và Tiếng Việt, học sinh được tham gia trải nghiệm với nhiều môn học gắn liền với thực tế. Đó là môn học STEM khoa học với máy tính, môn học Tiếng Anh giao tiếp với người bản ngữ, bên cạnh đó là lớp dạy nấu ăn, mỹ thuật, âm nhạc, bơi lội...

Năm 2018, học sinh được thụ hưởng chương trình dự án hoàn toàn miễn phí với các môn học này. Tuy nhiên khi dự án kết thúc, nhà trường vẫn duy trì tốt hình thức học tập trải nghiệm theo tinh thần xã hội hóa.

Theo cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Nhung, để hoạt động này tiếp tục phát huy những hiệu quả, điều quan trọng là quá trình dạy của giáo viên trên lớp phải thực sự cuốn hút và bổ ích với các em. Sau một năm học, nhà trường đã ghi nhận được sự phản hồi tích cực từ phía phụ huynh và học sinh. Phụ huynh phấn khởi khi thấy con em mình mạnh dạn, tự tin, hiểu biết thêm nhiều kỹ năng và các kiến thức thực tế. Đặc biệt, các em học sinh năng động hơn, biết vận dụng sáng tạo trong các giờ học, say mê tìm tòi khám phá.

Lớp học đàn organ
 Lớp học đàn organ 

Học sinh hào hứng tham gia

Trong môn học Tiếng Anh giao tiếp, giáo viên bản ngữ đã tổ chức nhiều hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” để tạo điều kiện cho các em thực hành kỹ năng nghe – nói tốt hơn. Giáo viên trợ giảng của nhà trường nhiệt tình, tích cực hỗ trợ và quản lý học sinh học nghiêm túc.

Thông qua việc trợ giảng, giáo viên của trường học tập được các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mới của giáo viên nước ngoài cũng như cách phát âm theo ngữ điệu chuẩn. Điểm ưu việt nữa là tất cả học sinh đều được thực hành nghe - nói trong giờ học trải nghiệm, khoảng 85% học sinh trong trường đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Nhiều học sinh hào hứng tham gia Cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh cấp trường.

Tham gia lớp Văn tuổi thơ, học sinh được nâng cao một bước về kỹ năng phân biệt các từ loại (danh từ, động từ, tính từ); Mở rộng hơn về từ ngữ theo chủ đề; Nâng cao hiểu biết về các kiểu câu, thành phần câu và kỹ năng ngữ pháp được trau dồi. Học sinh biết tìm hiểu, sử dụng các biện pháp nghệ thuật nhân hóa và so sánh, các hình ảnh gợi tả, biểu cảm trong bài làm văn... Các em biết được rèn về kỹ năng viết văn, biết cảm nhận, phân tích cái hay, cái đẹp trong mỗi văn bản. Một số bài viết của các em cũng được đăng tải trên tạp chí Văn tuổi thơ của Nhà xuất bản Giáo dục.

“Đối với lớp học năng khiếu ca – múa - nhạc của trường, học sinh tham gia đầy hào hứng. Lớp học rất sôi động, các em luôn tự tin để thể hiện mình, khả năng cảm thụ âm nhạc khá tốt. Chính trong các lớp học này, giáo viên đã phát hiện ra những em có tố chất về âm nhạc. Những học sinh này sẽ được quan tâm và bồi dưỡng để trở thành những hạt nhân văn nghệ của nhà trường”, Hiệu trưởng Trịnh Thị Nhung chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến, dạy bộ môn Mỹ thuật khối 3, 4, 5 chia sẻ: Với bộ môn Mỹ thuật, giáo viên sẽ áp dụng giảng dạy theo chủ đề từng tháng khác nhau. Trong tháng 10, các con sẽ được học cách làm và trang trí bưu thiếp để chúc mừng bà, mừng mẹ trong ngày 20/10. Vào ngày lễ Halloween, các con được học và trang trí mặt nạ để sử dụng trong lễ hội.

Ngoài ra trong các tiết học, giáo viên sẽ hướng dẫn HS làm đồ handmade từ vật liệu phế thải thành những bông hoa, chậu kiểng tinh tế. Học sinh rất vui thích vì được tự tay sáng tạo ra những đồ dùng xinh xẻo để trang trí phòng học. Điều này cũng luyện cho các em khả năng tưởng tượng, sự khéo léo của đôi bàn tay.

Cô giáo Ngô Thủy Tiên, giáo viên giảng dạy phụ trách môn công nghệ với CLB khéo tay của nhà trường cho biết: Vùng đất Cần Thơ rất phong phú về các món bánh dân gian, vì vậy, nhà trường đã chủ trương cho các con được học các kỹ năng về nữ công gia chánh, trong đó có dạy cách làm các loại bánh... Học sinh còn được học những kỹ năng như tự phục vụ, biết giúp đỡ cha mẹ làm công việc nhà, có thái độ tôn trọng với công việc nội trợ, có ý thức giữ vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Để học sinh trải nghiệm thực tế nhiều hơn, BGH nhà trường sẽ liên hệ với các khu trồng rau của người dân trong vùng. HS được tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại rau, củ, quả. Trên cơ sở lý thuyết, HS sẽ được thực hành, tham gia thu hoạch các loại thực phẩm này. Nhờ các hoạt động trải nghiệm, HS hình thành các kỹ năng như quan sát, thuyết trình, chia sẻ, làm việc nhóm. Trong quá trình dạy thực hành trải nghiệm, GV cũng luôn phải tự đổi mới, trau dồi năng lực, tự sáng tạo những nội dung chủ đề mới có thể tạo hứng thú cho học sinh”.
                                                               Cô Trịnh Hồng Nhung, 
                                       Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy, 
                                                            quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.