Mô hình lớp học chung nhiều cấp

GD&TĐ - Một số chuyên gia  tại Mỹ cho rằng, mô hình giảng dạy học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau sẽ là cách thức phù hợp trong thời đại mới, khi giáo dục không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức một chiều, mà sẽ trở thành một tương tác đa chiều, giữa giáo viên - học viên lẫn giữa các học viên với nhau. 

Mô hình lớp học chung nhiều cấp

Lớp học nhiều lứa tuổi: mô hình bị xóa bỏ?

Tại một trường trung học thuộc bang Massachusetts, Mỹ, Barbara Curtin, giáo viên đứng lớp, đang giảng cho các học viên của mình về sự khác nhau giữa các khái niệm toán học. Đây chỉ là một buổi thông thường như những lớp học khác, khi mà giáo viên sẽ truyền đạt kiến thức cho khoảng 20 đến 30 học viên với sự trợ giúp của một giáo viên tập sự hoặc trợ giảng. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất quan trọng, đó là lớp học bao gồm các học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Theo đó, lớp của Curtin có 2 nhóm tuổi học viên, lớp 9 sẽ học cùng với các đàn anh lớp 10. Thỉnh thoảng trong lớp học của bà còn có sự tham dự của những học sinh lớp 8 có thành tích học tập xuất sắc hay thậm chí là các học sinh lớp 11 đang mất một số kiến thức căn bản ở những lớp dưới. Thực tế, đây không phải là cách thức mà Curtin muốn thực hiện nhằm tiết kiệm diện tích, thời gian giảng dạy, mà đó chính là mô hình mà Trường Trung học Francis W. Parker đang tiến hành thử nghiệm. Mô hình giảng dạy kết hợp học viên ở nhiều cấp lớp khác nhau được trường kỳ vọng sẽ trở thành bước đột phá trong quá trình giảng dạy trung học của Mỹ và cả thế giới bằng việc chia nhóm các học sinh từ lớp 7 đến 12 thành 3 nhóm khác nhau, mỗi nhóm sẽ bao gồm 2 cấp lớp học chung với nhau.

Mô hình giảng dạy nhiều cấp lớp khác nhau không phải là ý tưởng hoàn toàn mới mẻ trong quá trình phát triển của giáo dục hiện đại. Vào những năm 1990, mô hình này đã rất phát triển và được áp dụng rộng rãi trong các trường tiểu học trên cả nước. Đến những năm 2000, khi chiến dịch “Không để trẻ em bị bỏ lại phía sau” được giới thiệu, cùng với sự ra đời của các bài kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn theo từng cấp lớp, mô hình giảng dạy nhiều cấp lớp này trở nên không phù hợp và từ đó cũng dần biến mất. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, sự suy thoái của mô hình từng được xem là rất có triển vọng này xuất phát từ cách thức tổ chức không thật sự hiệu quả. Lúc bấy giờ, việc giảng dạy học viên nhiều cấp lớp khác nhau chỉ đơn giản là đưa người học vào cùng một không gian, tại đó, họ được học các kiến thức khác nhau theo từng lứa tuổi. Chính vì điều này mà sau hơn một thập niên phát triển với rất nhiều mô hình tiến bộ ra đời, thử nghiệm hay thậm chí là áp dụng đại trà chính thức, người Mỹ vẫn xem giảng dạy nhiều cấp lớp là một phương thức giáo dục bất thường. Các công trình nghiên cứu giáo dục thực hiện dù không chính thức công bố nhưng vẫn cho rằng hiệu quả của mô hình này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho người học.

 

Cách thức áp dụng mới

Với việc mang mô hình giáo dục kết hợp nhiều cấp lớp trở lại, các nhà giáo dục tại Francis W. Parker hiểu rằng mô hình này sẽ phải tạo ra sự khác biệt, cũng như khắc phục được các điểm yếu của mô hình cũ. Theo đó, giáo dục nhiều cấp lớp tại đây sẽ không tổ chức một lớp học tập trung, mà tại đó các học viên thuộc những cấp lớp khác nhau sẽ tiếp thu các kiến thức khác nhau. Thay vào đó, học sinh đến từ những cấp lớp khác nhau, thông thường là hai cấp lớp, sẽ cùng học trong một lớp học với lượng kiến thức ở mức trung gian. Từ đó, các học viên này kèm cặp nhau, học viên lớp trên sẽ hướng dẫn cho các đàn em lớp dưới những kiến thức mới, trong khi đó các học viên lớp dưới sẽ giúp những đàn anh của mình củng cố và nhớ lại các kiến thức căn bản đã học. Sự kết hợp, kèm cặp nhau này giúp cho các học viên nắm vững được kiến thức, dù đó là bài đã học hay một mảng kiến thức hoàn toàn mới. Đơn cử như tại lớp học của Curtin, một số học viên lớp 9 sẽ được học viên lớp 10 hướng dẫn tiếp thu những kiến thức mới, điều mà theo nghiên cứu của trường có khoảng ½ học sinh lớp 9 có thể tự tiếp thu độc lập. Trong khi đó với việc được ôn lại các kiến thức lớp 9 cũng sẽ bổ trợ rất nhiều cho các học viên lớp 10 trong các kỳ thi, vốn thường có sự xuất hiện của những kiến thức ở các cấp lớp bên dưới.

Mô hình này được tiến hành và áp dụng dựa trên nghiên cứu của các nhà tư vấn mô hình giáo dục nổi tiếng tại Mỹ. Theo nghiên cứu này, việc buộc học sinh phải theo học các cấp lớp dựa trên năm sinh là điều rất vô lý và phản khoa học. Theo đó, dù được sinh cùng một năm nhưng sự phát triển về trí não và tư duy sẽ rất khác nhau, từ đó khả năng tiếp thu cùng một kiến thức cũng sẽ khác nhau. Sự cách biệt này thường mất đến 1 đến 2 năm để có thể phát triển đồng đều và cũng đồng nghĩa với việc trong mô hình giáo dục chia lớp bắt buộc theo năm sinh như hiện nay sẽ có một nhóm học sinh vượt trội và một nhóm tiếp thu kém và có thành tích thua sút. Ở các bộ môn ngoại khóa như thể thao, sự phát triển không đồng đều này được khắc phục rất hiệu quả thông qua việc chia thành các lứa tuổi tham dự khác nhau. Ví dụ như với bộ môn bóng bầu dục, các em sẽ được chia thành các lứa tuổi như 9 đến 12 hay 15 đến 18, từ đó chúng có thể điều chỉnh sự mất cân bằng trong phát triển và bắt kịp những bạn bè đồng trang lứa qua một vài năm luyện tập.

Không chỉ tạo ra hiệu quả ở mặt học thuật, lớp học kết hợp các cấp sẽ còn tạo ra những hiệu ứng tích cực về mặt phát triển xã hội, kỹ năng mềm của các học viên tham dự. Thông thường, việc các học viên lớp dưới tìm đến các đàn anh lớp trên để được hướng dẫn là điều rất hiếm khi diễn ra và những học viên lớp trên cũng thường không mấy nhiệt tình để hướng dẫn cho các đàn em lớp dưới. Cũng tương tự, khi bị mất căn bản ở một mảng kiến thức nào đó thì gần như không có việc một học viên lớp trên tìm đến các đàn em lớp dưới để được củng cố, ôn lại kiến thức vì nhiều lý do chủ quan, đa phần là cảm thấy xấu hổ. Tất cả những trở ngại này được khắc phục một cách hiệu quả với mô hình kết hợp nhiều cấp lớp. Vì cùng học chung một lớp nên các học viên nhỏ tuổi sẽ dễ dàng và thường xuyên nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của những bạn học lớn tuổi hơn. Và cũng do cùng một lớp, hoặc cùng một nhóm nên sự tư vấn, hướng dẫn này diễn ra một cách tự nhiên, không gặp bất cứ trở ngại tâm lý nào. Điều này cũng áp dụng với việc ôn lại kiến thức cũ của những học viên cấp lớp trên, khi mà việc ôn lại kiến thức cũ cũng sẽ nằm đâu đó trong bài học của lớp và sẽ diễn ra dễ dàng hơn, khi có sự hỗ trợ của các đàn em lớp dưới cùng lớp hoặc cùng nhóm. “Những học viên nhỏ tuổi sẽ không còn ngần ngại khi đưa ra lời đề nghị được hỗ trợ, trong khi các học sinh lớp trên thông qua sự hướng dẫn của mình sẽ giúp chúng học được cách thức kèm cặp, giúp đỡ và lãnh đạo người khác. Mối quan hệ này hình thành và phát triển một cách tự nhiên, không gượng ép và bị ngăn trở”, Paula Dallacqua, giáo viên đang giảng dạy kết hợp hai cấp lớp cho biết.

Với sự trở lại một cách khoa học, có hệ thống, dựa trên những nghiên cứu về tiến trình phát triển của học viên lẫn về bản chất của giáo dục hiện đại, mô hình giáo dục kết hợp nhiều cấp lớp đang được nhân rộng tại các trường tiểu học, trung học trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì để nó có thể được áp dụng một cách đại trà như một phương pháp giảng dạy chính thức thì cần phải làm rõ nhiều hạng mục liên quan, như chương trình học, thời gian phân bổ giảng dạy, cũng như một đội ngũ phát triển học thuật chuyên trách cho mô hình này ở cấp chính phủ lẫn ở từng trường.

 

"Những học viên nhỏ tuổi sẽ không còn ngần ngại khi đưa ra lời đề nghị được hỗ trợ trong khi các học sinh lớp trên thông qua sự hướng dẫn của mình sẽ giúp chúng học được cách thức kèm cặp, giúp đỡ và lãnh đạo người khác. Mối quan hệ này hình thành và phát triển một cách tự nhiên, không gượng ép và bị ngăn trở".

 

PAULA DALLACQUA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...