Mô hình “Hội đồng tự quản” xây dựng sự tự tin vào bản thân cho học sinh

GD&TĐ - Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ thành phố Lào Cai là 1 trong 1.447 trường tiểu học của cả nước tự nguyện triển khai áp dụng Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN). 

Học sinh lớp A5 đang tranh cử Cha mẹ học sinh cùng tham dự bầu HĐTQ
Học sinh lớp A5 đang tranh cử Cha mẹ học sinh cùng tham dự bầu HĐTQ

Việc triển khai tốt Mô hình Trường học mới đã thay đổi toàn diện các hoạt động sư phạm của nhà trường cũng như năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trước hết, đó là việc thay đổi về cách dạy, cách học nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của học sinh. Việc dạy học theo kiểu truyền thụ một chiều từ thầy sang trò được thay thế bằng thầy hướng dẫn, tổ chức, khuyến khích cho học sinh tự học để chiếm lĩnh tri thức. 

Trong từng giờ học, giáo viên đã phát huy vai trò chủ động của học sinh. Các em được tự học với tài liệu, hợp tác với bạn, tương tác với giáo viên để chủ động chiếm lĩnh kiến thức. 

Để điều khiển các hoạt động kết nối các nhóm trong một lớp thì vai trò của hội đồng tự quản rất quan trọng. Trước đây, lớp trưởng, tổ trưởng giúp giáo viên theo dõi, đánh giá các bạn trong lớp thì nay Hội đồng tự quản lớp tham gia tổ chức các hoạt động. 

Hội đồng tự quản được thành lập ra các ban, và mỗi ban sẽ có các nhiệm vụ khác nhau. Chẳng hạn Ban học tập sẽ tổ chức để các bạn trao đổi các nội dung liên quan đến các hoạt động học tập; Ban văn nghệ tổ chức cho các bạn chơi trò chơi… 

Các ban đều có kế hoạch hoạt động của ban mình theo tuần, theo tháng và có sự luân phiên thực hiện nhiệm vụ của các ban. Mỗi học sinh đều đăng kí tham gia vào một ban và các em sẽ có nhiệm vụ trong thực hiện nhiệm vụ của ban mà mình đã thống nhất.

Hội đồng tự quản là của học sinh, hoạt động vì học sinh và do chính các em thành lập và bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch. Tôi cùng đã từng tham dự rất nhiều buổi bầu hội đồng tự quản của các lớp, Hội đồng tự quản của trường. 

Tôi thấy việc tổ chức bình bầu của các em được tổ chức như một ngày hội. Các em được tranh cử, vận động tranh cử để được bầu chọn vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch. 

Đặc biệt các em được tự đề xuất và thống nhất các ban trong hội đồng để duy trì hoạt động của lớp. Trong rất nhiều buổi bình bầu như thế có sự tham gia của cha mẹ học sinh. 

Cha mẹ các em rất hứng khởi và đều ghi nhận đây là việc làm để rèn luyện cho học sinh kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình trước đám đông, sự tự tin vào bản thân…

Hoạt động của Hội đồng tự quản lớp cũng rất “mở”. Với các hoạt động của lớp, các em tổ chức cho các bạn nêu đề xuất và đi đến thống nhất. 

Việc điều hành các hoạt động của Hội đồng tự quản lớp cùng rất linh hoạt. Ban chủ tịch hội đồng tự quản cùng với trưởng các ban sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. 

Chẳng hạn để tổ chức một tiết hoạt động ngoại khoá về một chủ đề, các em phân công các ban chuẩn bị về văn nghệ, câu đố, trò chơi, tranh ảnh và các câu hỏi để tìm hiểu về chủ đề đó. 

Như vậy, nhiệm vụ của Hội đồng tự quản không phải áp lực lên chủ tịch Hội đồng tự quản mà được phân chia ra cho các thành viên trong Hội đồng. Các em cùng nhau tổ chức hoạt động, cùng nhau tự quản, tự học, tự tổ chức các hoạt động…

Trên thực tế, cha mẹ học sinh của trường chúng tôi rất đồng tình với việc triển khai áp dụng Mô hình VNEN. Đây cũng là nhiệm vụ đột phá của nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Chúng tôi đã triển khai rất thành công Mô hình VNEN trong những năm qua và chúng tôi tiếp tục triển khai Mô hình VNEN trong năm học tới để tiếp tục đổi mới nhà trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ