Hội thảo báo cáo kết qủa khảo sát thực trạng cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực GD ĐHCL tại Quảng Ninh tháng 6 / 2010 |
1-Nghị định 43 trong các trường ĐH công lập
Thay cho NĐ 10 của Chính phủ năm 2002 về chế độ tài chính trong đơn vị sự nghiệp có thu, NĐ 43 thực sự là làn gió mới, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai chương trình đổi mới cơ chế quản lý với các truờng ĐH giai đoạn 2006-2010, như “khoán 10” vậy. Điều đó đã được cụ thể hoá trong các lĩnh vực: tự chủ về chương trình và phương thức đào tạo; tự chủ trong công tác tuyển sinh; tự chủ trong liên kết đào tạo; tự chủ trong công tác nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ; tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện NĐ 43, vẫn còn một số tồn tại sau đây:
-Năng lực quản lý của các trường ĐH còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong môi trường chuyển đổi, khi tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm được trao nhiều hơn.
-Hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới công tác quản lý hệ thống còn thiếu và chưa hoàn thiện, đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo bị phân tán, không đảm bảo tính liên thông, đầu tư phân tán, hiệu quả còn hạn chế.
-Cơ chế tài chính giáo dục còn nhiều bất hợp lý, chưa góp phần tạo động lực cho GD-ĐT phát triển với chất lượng ngày càng cao. Định mức phân bổ ngân sách cho GD-ĐT chưa gắn chặt với các tiêu chí đảm bảo chất lượng đào tạo, chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học, về cơ bản vẫn mang nặng tính bao cấp, bình quân. Theo nhận xét của các trường được khảo sát (ĐH Mỏ địa chất, ĐHSP kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Đà Lạt, ĐH mở TP HCM) thì mặc dù NĐ 43 và Thông tư số 71, Thông tư 113 của Bộ tài chính đã có những quy định tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo công lập trong công tác quản lý tài chính, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất hợp lý cần phải giải quyết một cách triệt để. Mức học phí ở bậc đại học đã được quy định từ năm 1998 vẫn không thay đổi, trong khi nền kinh tế đã có nhiều biến động tác động mạnh theo chiều hướng tiêu cực tới mức học phí hiện hành. Khung học phí không bao quát hết các cơ sở GD ở các địa bàn KT-XH khác nhau. Từ năm 1998-2006, mức giá cả bình quân tăng 1,55 lần, thu nhập bình quân 1 người dân tăng 2,47 lần, luơng tối thiểu tăng trên 200%...đã dẫn đến mức học phí hiện hành trở nên quá lạc hậu, không thể bù đắp phần thiếu hụt trong chi phí đào tạo, trong khi ngân sách Nhà nước dành cho các trường ĐH hầu như không tăng. Chưa kể còn một bất cập nữa là quy định về học phí không có sự phân biệt cho mọi chuyên ngành, về vùng miền, về chất lượng đào tạo.
Đại diện của trường ĐHBKHN phát biểu tại hội thảo |
2-Về việc triển khai thực hiện NĐ 43
Ngay sau khi NĐ 43 được ban hành, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi tới 54 đơn vị trực thuộc để phổ biến và yêu cầu nghiên cứu, áp dụng. Bộ cũng tiến hành tập huấn và hướng dẫn các đơn vị thực hiện NĐ này, tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện NĐ 43 và hàng năm đều có báo cáo Chính phủ.
Bộ cũng đã tiến hành phân loại các trường trực thuộc và giao dự toán ngân sách theo NĐ 43, cụ thể với 54/72 đơn vị trực thuộc Bộ ở trong diện điều chỉnh của NĐ 43 được chia ra: 10 đơn vị được giao tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; 34 đơn vị được giao tự chủ một phần kinh phí hoạt động thưởng xuyên, 10 đơn vị là do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.
Sau 4 năm thực hiện NĐ 43 cùng các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành liên quan và thực hiện thí điểm, cho tới nay, toàn hệ thống mới chỉ có 6 trường ĐH trực thuộc được thí điểm chuyển từ mô hình tiếp nhận ngân sách nhà nuớc sang hình thức tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (trong tổng số 54 đơn vị thuộc Bộ thực hiện NĐ 43), đó là: Trường ĐH Hà Nội, ĐH ngoại thương, ĐH kinh tế quốc dân, ĐH kinh tế TP HCM, Viện ĐH mở Hà Nội và ĐH mở TP HCM. Trong thực tế, với cơ chế tài chính hiện tại, chỉ có 2 loại hình là đơn vị tự chủ hoàn toàn và đơn vị tự chủ một phần với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, không có trường ĐH nào hoàn toàn không có nguồn thu.
Các trường ĐH đã từng bước làm quen với cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để có thể thực hiện có hiệu quả NĐ 43, cần có các điều kiện về CSVC và đội ngũ, cần có các chuơng trình đào tạo tập huấn về công tác quản lý trường ĐH (bao gồm quản lý học thuật, quản lý NCKH, nhân sự và tài chính); tăng cường năng lực giám sát đánh giá nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động đầu tư cũng như sử dụng tài chính công; tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm định và công nhận nhằm phân loại các trường ĐH theo chất lượng đào tạo, khả năng và trình độ quản lý, từ đó làm căn cứ để phân bổ ngân sách một cách thích hợp.
Việc các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách đầy đủ, có chất luợng và hiệu quả là thực hiện chủ trương cải cách dịch vụ công của Đảng và Nhà nuớc.
Ông Hoàng Văn Cẩn - phó hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM cho rằng: Các trường ĐH đang chủ động "cởi trói" cho mình |
3-Đề xuất mô hình cung ứng dịch vụ trong GD Đại học
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 đã khẳng định: Dịch vụ công cộng liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân là yếu tố quan trọng góp phần ổn định xã hội. Vì vậy, việc chuyển đổi phương thức cung ứng các loại dịch vụ này cần được thực hiện một cách tích cực, nhưng phải có lộ trình và kế hoạch đồng bộ. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập cung ứng dịch vụ công cộng theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán thu chi không vì lợi nhuận; nhà nước không bao cấp tràn lan”.
Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện GD đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010 cũng chỉ rõ: phải tạo được sự chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân. Đến 2020, GD đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới; có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Nghị quyết số 35 của Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015.Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành chỉ thị 296 về Đổi mới công tác quản lý GD đại học giai đoạn 2010-2012.
Đó là những căn cứ quan trọng để các nhà khảo sát nghiên cứu đề xuất những kiến nghị về một mô hình dịch vụ công trong GD đại học cho phù hợp, đưa NĐ 43 đi vào cuộc sống và thực sự trao quyền tự chủ một cách đầy đủ cho các trường ĐH nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ giáo dục ĐH có chất lượng và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Cụ thể:
-Hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới công tác quản lý hệ thống còn thiếu và tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD đại học.
-Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội 12 về đổi mới cơ chế tài chính GD theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cac trường ĐH trong quản lý tài chính, tạo động lực cho các trường ĐH phát triển nhanh với chất luợng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
-Xâydựng các định mức kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác phân bổ ngân sách cho các trường ĐH cũng như làm cơ sở để tính chi phí đào tạo cũng như học phí các ngành đào tạo.
-Tăng cường giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐH trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với năng lực quản lý của nhà trường, tiến tới bỏ hẳn cơ chế chủ quản.
-Đề xuất điều chỉnh các mô hình trường và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhệim vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các trường ĐH công lập là một chủ trương đúng đắn nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ công trong trường đại học công lập, cần được triển khai trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, để thực hiện một cách có hiệu quả, cần xây dựng lộ trình triển khai một cách khoa học, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và trình độ, năng lực quản lý hệ thống cũng như quản lý nhà trường. Dự kiến từ nay đến tháng 8-2010 sẽ hoàn thiện về cơ chế chính sách theo mô hình mới; đến 7-2011 sẽ thực hiện thí điểm các mô hình dịch vụ khác nhau, sau đó là sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho các mô hình dịch vụ công mới trong lĩnh vực GD đại học. Để đến năm 2012 có một mô hình hoàn thiện, làm cơ sở cho việc chuyển biến chất lượng đào tạo đại học Việt Nam.
PV