Mở đường cho sách Việt xuất ngoại

GD&TĐ -  Mới đây, bản quyền của bộ sách “Em thích giỏi toán” dành cho mẫu giáo và tiểu học do NXB Dân trí và Công ty Cổ phần Văn hoá Giáo dục Long Minh ấn hành đã xuất khẩu sang nước Nga và 4 nước ASEAN là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Điều này là con đường tắt để sách của Việt Nam có mặt trên kệ sách thế giới.

Mở đường cho sách Việt xuất ngoại

Sách Việt bước ra thế giới

Phát hành thành công tại Việt Nam, “Em thích giỏi toán” tiếp tục được chuyển thể sang tiếng Anh, đem giới thiệu lần đầu tiên tại Hội chợ sách lớn nhất thế giới tại Frankfurt (Đức) năm 2014. Tại đây, bộ sách đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các nhà xuất bản (NXB) từ hơn 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhà xuất bản của Nga và 4 nước ASEAN là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia đã ký hợp đồng mua bản quyền xuất bản bộ sách.

Với việc xuất khẩu thành công bộ sách đã cho thấy việc bán được bản quyền ấn phẩm sách cho các NXB nước ngoài dù khó nhưng không phải là không thể nếu như khai thác được thế mạnh trong nội dung, cách trình bày tiệm cận với quy chuẩn mỹ thuật và xuất bản của thế giới.

Năm 2007, cuốn sách “For Better or for Worse” do Giáo sư Thái Cẩm Hưng (Đại học Berkeley, Mỹ) viết về xu hướng phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng Việt kiều đã nhanh chóng bán được 300 ngàn cuốn tại 26 nước. Đối tượng mua sách là các thư viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, các nhà sách ở các nước trên thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam còn có một số tác phẩm văn học được những NXB nước ngoài mua bản quyền như: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do NXB Trẻ ấn đã được NXB Nanmee Books của Thái Lan ký hợp đồng chuyển ngữ sang tiếng Thái, sau đó lại được NXB Dasan Books của Hàn Quốc tiếp tục mua bản quyền dịch sang tiếng Hàn và phát hành tại Hàn Quốc; tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do NXB Trẻ cũng đã được NXB Asia Publishers mua bản quyền và ấn hành tại Hàn Quốc…

Nỗ lực để tiếp thị sách Việt

Trong những năm gần đây, ngành xuất bản Việt Nam đã hội nhập và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự có nhiều sách có thể có mặt trên kệ sách thế giới và bán bản quyền cho nước ngoài, luôn là nỗ lực của các NXB.

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh - cho biết: “Để đạt được mục tiêu xuất khẩu sách của Việt Nam ra nước ngoài, chúng tôi đã tập hợp đội ngũ những nhà viết sách giỏi, có kinh nghiệm và hiểu biết tiếng Anh. Đặc biệt, chúng tôi tập hợp đội ngũ họa sĩ trình bày sách tâm huyết với nghề để mỗi trang sách trở nên sinh động và thu hút được độc giả. Ngoài ra, khi xây dựng nội dung, hình thức mỗi đầu sách chúng tôi đều xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế đã đặt ra.

Muốn xuất khẩu sách ra nước ngoài, doanh nghiệp phải dám làm, dám đầu tư; mỗi tác phẩm cần chú trọng nội dung và hình ảnh; theo xu thế làm sách hiện đại của thế giới. Để có được thành công ban đầu, Công ty Cổ phần Văn hóa Giáo dục Long Minh đã phải nghiên cứu rất kĩ xu hướng phát triển và nhu cầu cùng với các bước chuẩn bị khoảng 5, 6 năm.

Dù số lượng đầu sách Việt được thị trường nước ngoài đón nhận còn rất khiêm tốn nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh suốt nhiều năm liền ngành xuất bản nước nhà trầm lắng so với các nước khác trong khu vực.

Việc tích cực tham gia các hội chợ sách quốc tế ở thế chủ động, mở gian hàng bán sách hoặc bán bản quyền sách Việt, giới thiệu vào hệ thống thư viện ở nước ngoài, đưa sách Việt vào các trường ở nước ngoài để chào bán, đặt đại lý bán sách tại các cơ sở Việt kiều ở nước ngoài… đều là những phương án hữu hiệu và khả thi trên con đường đưa sách Việt ra thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ