Mò đốt gây sốt hạch, tổn thương phủ tạng

Người bị ấu trùng mò đốt ban đầu có thể không thấy biểu hiện rõ ràng. Chỉ tới khi ấu trùng mò gây viêm hạch tại chỗ, gây sưng, đau hạch, tổn thương ở các phủ tạng thì người bệnh mới biết.

Mò đốt gây sốt hạch, tổn thương phủ tạng

Sau 5 ngày cho con đi nghỉ ở khu sinh thái du lịch về, bé Nguyễn D. con chị Thuy L. (Hà Nội) không hiểu tại sao bỗng đổ bệnh, sốt hầm hập. 

Từ trước tới nay, chị Thuy L cho biết, con chị chẳng mấy khi bị ốm. Nghĩ rằng con bị viêm họng hay cảm cúm, chị cho con tới khám bác sĩ nhưng qua thăm khám, bác sĩ cho biết, cháu Nguyễn D. không phải nhiễm các chứng bệnh này. 

Một chứng bệnh khiến chị Thuy L. không thể ngờ tới, con chị bị nhiễm phải đó là nhiễm ấu trùng mò.

Sốt mò thâm nhập cơ thể lặng lẽ

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng - Côn trùng Trung Ương, người bị ấu trùng mò tấn công ban đầu có thể không thấy biểu hiện rõ ràng. 

Chỉ tới khi ấu trùng mò gây viêm hạch tại chỗ, gây sưng, đau hạch, tổn thương ở các phủ tạng thì người bệnh mới biết.

Mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, phía trên là các vòm cây cao hoặc trong các hang đá có các loài gậm nhấm sống. Người dân thường bị mò đốt khi đi làm đồng hoặc đi dã ngoại, những nơi có cây cỏ. 

Ban đầu, tại nơi mò đốt nổi lên nốt phổng nước, thời gian này chỉ trong vòng một ngày tính từ khi mò đốt. Song bệnh nhân không hề biết vì không thấy đau, rát hay ngứa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu lưu ý điều nguy hiểm là sau khi bị mò đốt, mọi người không cảm nhận được những dấu hiệu rõ ràng và thường xem nhẹ việc này.

Bệnh sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. Mò vừa là vật chủ, vừa là trung gian truyền bệnh. 

Quá trình nhiễm trùng được duy trì trong tự nhiên giữa mò và các loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột, thỏ, lợn và các loài chim, hoặc gia súc ...

Từ vết loét do mò đốt sẽ đột nhập vào hệ bạch huyết gây viêm hạch tại chỗ rồi tiến tới gây viêm hạch toàn thân, gây sưng, đau hạch. Đồng thời chúng đột nhập vào máu gây viêm nội mạc huyết quản toàn thân gây tổn thương viêm nhiễm ở các phủ tạng.

Bệnh sốt mò có thể dẫn tới tổn thương hệ tim mạch, hô hấp

Với thể thông thường điển hình, thời kỳ nung bệnh: trung bình từ 8 đến 12 ngày, sớm là 6 ngày, dài là 21 ngày. 

Ban đầu, tại nơi mò đốt nổi lên nốt phổng nước, thời gian này chỉ trong vòng một ngày tính từ khi mò đốt. Song bệnh nhân không hề biết vì không thấy đau, rát hay ngứa. Trường hợp cháu Nguyễn D. kể trên là trường hợp ủ bệnh kéo dài.

Sau đó, người bệnh bị nhiễm trùng nhiễm độc thường khá nặng với những triệu chứng sốt nhẹ 1đến 2 ngày đầu, sau sốt cao liên tục. Cũng có nhiều trường hợp đột ngột sốt cao ngay 39 - 40°c trong ngày đầu giống như sốt rét.

Tình trạng nhiễm độc thần kinh ở bệnh nhân thường nặng nề, nhức đầu là dấu hiệu khởi đầu, đau khắp đầu, có thể nhức cả 2 hố mắt, mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, đi lại lảo đảo, ù tai, lưỡi run rẩy, có cơn vã mồ hôi.

Xuất hiện các vết loét khắp cơ thể như bộ phận sinh dục, nách, bẹn rồi đến hậu môn, háng, thắt lưng sau mới tới chân tay, lưng, ngực, bụng, cổ, đôi khi vết loét ở vị trí khá bất ngờ như vành tai, rốn, mi mắt. Ngoài ra, hạch to xuất hiện cùng các vết ban mọc toàn thân. Bệnh nhân có thể bị tổn thương tim mạch cũng như các triệu chứng hô hấp.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, để tránh bị nhiễm bệnh cần phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò, bẫy diệt chuột. Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp cần mặc quần áo dài tay có tất tay, tất chân che kín cơ thể. Không để quần áo hay nằm trên cỏ tránh ấu trùng mò bám vào.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái, tính từ đầu tháng 4/2014 đến ngày 13/ 9/2014 đã có 78 bệnh nhân sốt mò đến điều trị tại bệnh viện huyện và thị xã của tỉnh Yên Bái.

Bệnh nhân sốt mò tập trung nhiều nhất ở huyện Văn Chấn (54%), thị trấn Nghĩa Lộ (21%), huyện Trạm Tấu (15%) và huyện Mù Cang Chải (10%). Tuổi của bệnh nhân từ 1 đến 52 tuổi, phụ nữ mắc nhiều hơn nam.

Ở Việt Nam sốt mò đã được phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bố.

Theo Sức khoẻ và Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ