(GD&TĐ) - Nguyên lý giáo dục của Marx và minh triết giáo dục của Bác Hồ cần được quán triệt vào việc kiến tạo chương trình - sách giáo khoa phổ thông trong cuộc đổi mới hiện nay.
Nhìn lại Chương trình - Sách giáo khoa phổ thông ban hành năm 2000
a. Đánh giá mặt được, mặt chưa được CT - SGK PT ban hành năm 2000 không phải là công việc dễ dàng. Phải có những cuộc khảo sát (survey) công phu trên nhiều lực lượng: nhà thiết kế chương trình viết sách giáo khoa, người thực hiện (giáo viên), người chỉ đạo (cán bộ quản lý). Song điều chủ yếu là phải kiểm chứng sản phẩm trực tiếp mà nhân tố này đã tác động sinh thành. Đó là các thế hệ người học.
Nếu lấy đầu vào là “Học sinh lớp 1” năm 2000, thì năm nay 2013 đối tượng đó đã học xong năm thứ nhất trường đại học. Còn lấy đầu vào là “Học sinh lớp 6” thì đối tượng đó là thành viên trong đội ngũ lao động, đầu vào là “Học sinh lớp 10” thì đã có số năm làm việc nhất định trong một ngành kinh tế - xã hội nào đó.
b. Điều dễ thấy là xã hội đang có sự phân tâm về nhận định thành quả của giáo dục, cũng là thành quả của chương trình năm 2000.
c. Sự khen chê chưa khách quan và thiếu dựa vào một chuẩn nào đó về “Người công dân - Người lao động” trong cuộc sống hiện đại đều chưa mang lại hiệu ứng tích cực cho chặng đường đi tiếp.
Công bằng nhận định: Chương trình năm 2000 đã tạo nên những tác động tốt cho động thái đưa đất nước tiến vào nền kinh tế chuyển đổi, nhưng còn đó những ngổn ngang và dở dang trước mục tiêu chấn hưng nền giáo dục mà một thời đất nước đã kiến tạo được.
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở phố Hàng Than, khu Trúc Bạch, Hà Nội, Ngày 31 tháng 12 năm 1958. Ảnh: Tư Liệu |
Quá chú trọng đến Giáo dục trí lực mà coi nhẹ Giáo dục lao động và Giáo dục lòng từ thiện.
a. Cơn lốc thị trường đã cuốn động thái Giáo dục phổ thông trôi vào vòng xoáy của Giáo dục trí lực mà coi nhẹ Giáo dục lao động.
Nhà trường phổ thông nước ta từng có thời đã tạo nên sự kỳ vĩ:
“Có những mái trường xưa
Vừa chống càn vừa học
Giặc lui trong phút chốc
Thầy trò lại ngâm thơ!”
Nhà trường phổ thông từng có thời tạo nên “Phòng thí nghiệm xanh” phương thức “Nhà trường lao động”, dù lúc đó cơ sở vật chất thiết bị dạy học còn rất đơn sơ.
Cần biết rằng mô hình “Nhà trường lao động của Việt Nam” đã được Cuba tiếp nhận sáng tạo và họ đã làm nên các thành tựu ngoạn mục về Giáo dục đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI).
Báo cáo phát triển con người năm 2010 do UNDP công bố cho biết MYS (số năm học trung bình của người dân) mà Cuba đạt được là 9,9 năm, EYS (số năm học kỳ vọng) là 17,5 năm, còn chỉ số tương ứng của Việt nam là 5,5 năm; 10,4 năm.
b. Ngày nay có thể ở một số nhà trường vẫn có một số giờ lao động, giờ hướng nghiệp diễn ra, song tiến trình này còn hình thức. Hình như quá trình giáo dục bị cuốn vào cuộc đua: “ Giáo dục ứng thí”
Còn ít cán bộ quản lý nhà trường ngày nay có say mê như lớp đàn anh của họ về lời dạy của Marx và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Marx trong chỉ thị cho các đại biểu hội đồng Trung ương lâm thời có viết:
“Chúng tôi hiểu Giáo dục gồm 3 điều:
Thứ nhất: Giáo dục trí lực
Thứ hai: Giáo dục thể lực
Thứ ba: Huấn luyện kỹ thuật tổng hợp
Việc kết hợp giữa lao động sản xuất được trả công, Giáo dục trí lực, Giáo dục thể lực và huấn luyện kỹ thuật tổng hợp sẽ nâng giai cấp công nhân lên cao hơn rất nhiều so với trình độ của giai cấp tư sản” (Mác, Anghen, Lê nin - Bàn về Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục năm 1984, trang 29-38)
Bác Hồ viết trong tác phẩm Đời sống mới (1947)
(1) “Sự học tập trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên.
Vì vậy, cốt nhất là phải dạy cho họ biết yêu nước thương nòi, dạy cho họ cả ý chí tự lập tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.”
(2) Bốn điều nhà trường theo Bác Hồ phải dạy cho học sinh:
“Một là làm cho học sinh biết quý trọng sự cần lao
Hai là tập cho họ quen lao khổ
Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỳ lực (tự làm lấy mà ăn)
Bốn là có ích cho sức khỏe của họ”
(Hồ Chí Minh - Toàn tập 5, trang 91)
c. Bày tỏ sự lo ngại về trạng thái của giáo dục, cố GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà minh triết Việt đầy khả kính, có tâm sự:
“Kinh tế tri thức rất hấp dẫn nhưng mang nguy cơ: Tri thức và lý thuyết một khi lộng hành sẽ gạt phăng các giá trị tinh thần đạo đức
Giáo dục tri thức cũng rất hấp dẫn nhưng hàm chứa những nguy cơ tương tự.
Xu thế ngày càng có tính chất áp đảo của giáo dục toàn thế giới là sự truyền đạt tri thức và kỹ năng hầu như đã trở thành mục tiêu duy nhất của giáo dục làm lu mờ mục tiêu giáo dục những giá trị chi phối người học sử dụng những tri thức và kỹ năng đó như thế nào và làm gì.
Xu thế này cũng là một nguy cơ đáng lo ngại đối với nền Giáo dục Việt Nam.
Không mấy ai quan tâm đến nguyên lý giáo dục của Ghandi đề ra từ thế kỷ trước: Giáo dục cơ sở phải lấy minh triết và lòng từ thiện làm nền tảng”
(Luận bàn về minh triết và minh triết Việt - NXB Tri thức năm 2011, trang 28-29)
Hệ giá trị điểm tựa cho việc kiến tạo Chương trình - sách giáo khoa Phổ thông hiện nay
a.Cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI đang được triển khai. Có những tiếp cận mới đang được tiếp nhận và việc thực hiện chiến lược giáo dục 2011-2020. Thí dụ đưa việc dạy học từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.
Song dù tiếp cận lý thuyết bằng ngôn từ hiện đại đến đâu thì trước hết phải quán triệt được Minh triết Giáo dục Hồ Chí Minh.
Trong bức thư gửi dịp khai trường 1945/1946, năm học đầu tiên của kỷ nguyên Giáo dục cách mạng, Bác đã nói lên mục tiêu giáo dục của chế độ mới là xây dựng: “Một nền Giáo dục, nó sẽ đạo tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của các em” (Toàn tập T4, trang 32)
Trong bài nói chuyện khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế, đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác Hồ yêu cầu giáo viên “Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của nhà nước. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo” (Toàn tập T8, trang 138)
Trên thế giới ngày nay việc tranh luận: “Dạy học lấy người học làm trung tâm” hay “Dạy học lấy người dạy làm trung tâm” đã được khép lại. Mọi người thống nhất: “Dạy học phải lấy lợi ích của cộng đồng làm trung tâm”.
b. Giáo dục phổ thông là nền tảng văn hóa của dân tộc
Với đại học (đặc biệt là đại học kỹ thuật - công nghệ) nếu thiếu một loại trường nào đó ta có thể nhập từ thế giới về.
Song không ai làm thay ta về Giáo dục phổ thông. Cái hạt nhân làm nên Giáo dục phổ thông mang chất Việt Nam, mang hồn cốt Việt Nam là Chương trình - Sách giáo khoa. Nhân tố này là tiền đề quan trọng cho cuộc đổi mới thành công phải do người Việt Nam xây dựng nên, là sự hợp lực tổng hợp của nhà khoa học, của các thầy cô giáo, các nhà quản lý và phải lấy được ý kiến của cha mẹ học sinh.
Sự giúp đỡ của quốc tế là cần thiết song nội lực còn cần hơn, đặc biệt là nội lực quản lý: có bản lĩnh tiếp nhận cái hay và gạt đi cái chưa phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.
c. Trong Di chúc (viết năm 1968) Bác Hồ có lời căn dặn thiết tha:
“Đầu tiên là công việc với con người
…Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”
(Toàn tập trang12, trang 504-505)
Trước đó 20 năm(1948), trong thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc và lời căn dặn giáo viên Nền giáo dục bình dân, Bác Hồ từng mong mỏi “Sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. phải có sách kháng chiến kiến quốc. Sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến kiến quốc”…
Bác yêu cầu dạy sao cho người học biết:
1, Thường thức vệ sinh để dân bớt đau ốm.
2, Thường thức khoa học để bớt mê tín nhảm.
3, Bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp.
4, Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước.
5, Đạo đức của công dân để thành người công dân đúng đắn”
Những điều Bác Hồ nêu ra dù đã lùi xa 65 năm vẫn còn giữ nguyên tính thời sự trong cuộc sống hôm nay.
Những thách thức của đất nước về địa chính trị, địa khí hậu đang yêu cầu phải kiến tạo được một nền GDPT đào tạo được những con người có nhân cách “Nhân - Nghĩa - Trí - Dũng - Liêm”, phải tổ chức được nhà trường mà ở đó quá trình giáo dục:
“Học đi với lao động
Lý luận đi với thực tiễn
Cần cù đi với tiết kiệm”
Chương trình - Sách giáo khoa trong cuộc đổi mới lần này phải thúc đẩy để các nhà trường là vầng trán của cộng đồng dẫn dắt trí tuệ của nhân dân cộng đồng nhưng đồng thời còn hòa hợp được trái tim của cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận của mọi người vào mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh đẩy lùi được “lười biếng, tham nhũng, phù hoa, xa xỉ” mà Bác Hồ từng mong mỏi.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo