Minh oan cho chiếc khẩu trang

Minh oan cho chiếc khẩu trang

CNN cho rằng, với những ai sống ở châu Á, thông báo đó sẽ là lời “minh oan” cho chiếc khẩu trang. Ngay từ đầu dịch Covid-19, các nước châu Á đã chấp nhận sử dụng khẩu trang trên diện rộng, và có vẻ đó là phương cách hữu hiệu để giữ tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp cũng như kiềm chế dịch lây lan nhanh.

Với nhiều khu vực khác, suốt thời gian qua, các cơ quan y tế, các chính trị gia và nhân vật truyền thông đã tự tin tuyên bố rằng, khẩu trang không có ích gì, mà thay vào đó thúc giục mọi người rửa tay, duy trì giãn cách xã hội. Giọng điệu của họ từ coi thường đến thất vọng.

Jerome Adams, một bác sĩ phẫu thuật tên tuổi ở Mỹ, gửi tin tweet cuối tháng Hai vừa qua, tất cả bằng chữ in hoa: “HÃY NGỪNG MUA KHẨU TRANG”. “Chúng không hiệu quả trong việc ngăn ngừa công chúng nhiễm virus Corona, nhưng nếu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không thể có khẩu trang để chăm sóc bệnh nhân bị ốm, thì điều đó sẽ khiến họ và cộng đồng gặp nguy hiểm” - ông viết thêm, và từ đó tin này đã được tweet tới 43.000 lần.

Cũng trong tuần đó, Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ CDC, khi phát biểu trước Quốc hội Mỹ, với câu hỏi liệu người dân có nên đeo khẩu trang không, ông ta thẳng thừng: “Không”.

Nhưng giờ đây, ông không chắc chắn như thế nữa. Đầu tuần qua, ông Redfield nói rằng, CDC đang xem xét lại các hướng dẫn phòng chống dịch và có thể khuyến cáo sử dụng khẩu trang để bảo vệ cộng đồng khỏi lây nhiễm.

Tháng trước, Adrien Burch, chuyên gia vi sinh học tại Đại học California (Mỹ), cho rằng có bằng chứng cho thấy khẩu trang giúp ngăn chặn lây nhiễm virus như đại dịch Covid hiện nay. Ông dẫn lời Báo cáo Cochrane - một phân tích có hệ thống các nghiên cứu đã công bố về vấn đề này, cho thấy, trong dịch SARS năm 2003 đã có những bằng chứng về tác dụng của việc đeo khẩu trang. Một nghiên cứu về lây truyền trong cộng đồng ở Bắc Kinh cho thấy, đeo khẩu trang thường xuyên ở nơi công cộng có liên quan đến việc giảm tới 70% nguy cơ nhiễm SARS. Cũng như Covid-19, SARS là bệnh về đường hô hấp gây ra bởi cùng họ virus Corona.

“Cho dù đó chỉ là khẩu trang vải, nếu bạn đeo đúng cách và tránh chạm vào nó, khoa học cho thấy nó sẽ không làm hại bạn và rất có thể giảm việc bạn phơi nhiễm với virus” - Burch nói.

Trong khi Mỹ vẫn còn do dự với chiếc khẩu trang, thì nhiều nước châu Âu coi đó là biện pháp bắt buộc. Chính phủ Áo, từ 1/4, yêu cầu mọi người dân nước này phải đeo khẩu trang khi đến siêu thị và có thể mở rộng ra các khu vực công cộng. Trước đó cả tuần, Séc và Slovakia đã bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Slovenia và nhiều nước Trung Âu khác cũng quy định xử phạt nếu ai ra ngoài mà không đeo khẩu trang.

Thái độ của phương Tây với chiếc khẩu trang thay đổi, một việc tưởng như rất nhỏ, nhưng hóa ra lại là cả một thói quen văn hóa, có ý nghĩa xã hội to lớn và có thể cứu hàng nghìn mạng sống trong đại dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ