Một chiếc Mig-15 của không quân Liên Xô. Ảnh: Military History |
Sáng ngày 30/11/1950, một oanh tạc cơ hạng nặng B-29 của Mỹ đang ném bom trên chiến trường Triều Tiên thì bất ngờ bị một chiếc tiêm kích bay vụt qua tấn công, khiến nó bị hư hại nhẹ. Chiếc tiêm kích bay nhanh đến mức các pháo thủ trên B-29 không kịp ngắm bắn, và các máy bay phản lực F-80 hộ tống cũng nhanh chóng mất dấu vết của nó, theo Airspacemag.com.
Báo cáo của phi hành đoàn chiếc B-29 đã khiến các tướng lĩnh Mỹ đầy lo lắng. Tình báo Mỹ nhanh chóng nhận định rằng chiếc máy bay tấn công đó là tiêm kích Mig-15 mới do Liên Xô sản xuất, nhiều khả năng xuất kích từ một căn cứ ở Manchuria.
Tiêm kích Mig-15 dài khoảng 10 m, sải cánh 10 m, cao 3,65 m, trang bị một động cơ phản lực Klimov VK-1 với tầm hoạt động 1.198 km và tốc độ tối đa 298,6 m/s. Nó được trang bị hai pháo NR-23 23 mm, một pháo N-37 37mm cùng hai bom 100 kg hoặc tên lửa không dẫn đường ở giá treo vũ khí trên cánh.
Sau Thế chiến II, Liên Xô bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất tiêm kích phản lực, với thành quả đầu tiên là máy bay Mig-9 ra đời năm 1946. Tuy nhiên, Mig-9 tỏ ra yếu thế hơn hẳn so với đối thủ P-80 Shooting Star của Mỹ, bởi động cơ phản lực của nó không đủ mạnh.
Vận may bất ngờ đến với Liên Xô khi Thủ tướng Anh khi đó Clement Attlee đã mời các nhà khoa học và kỹ sư Liên Xô đến tham quan nhà máy động cơ phản lực Rolls-Royce trong một nỗ lực làm tan băng quan hệ hai nước. Trước sự ngỡ ngàng của lãnh đạo tối cao Liên Xô Joseph Stalin, Anh thậm chí còn đồng ý cấp phép sản xuất động cơ này tại Liên Xô với cam kết chỉ được sử dụng cho các mục đích phi quân sự.
Khi các động cơ này được nhập về Liên Xô, nhà thiết kế động cơ Vladimir Klimov lập tức bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời động cơ Klimov RD-45, tạo tiền đề để sản xuất Mig-15. Tiêm kích Mig-15 được biên chế chính thức vào không quân Xô Viết năm 1949 để chuyên đánh chặn các máy bay ném bom Mỹ như B-29.
Sau đó, Liên Xô xuất khẩu Mig-15 rộng rãi ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Mig-15 do phi công Trung Quốc và Triều Tiên điều khiển bắt đầu xuất hiện trên chiến trường.
Chuyên gia phân tích quân sự Michael Peck của National Interest cho biết sự xuất hiện của tiêm kích Mig-15 trên bán đảo Triều Tiên thực sự là một cú sốc với các phi công Mỹ vốn đã quen với vị thế thống lĩnh bầu trời.
Các tiêm kích phản lực Mig-15 của Liên Xô nguy hiểm đến mức B-29 dù được đông đảo các tiêm kích F-80 Shooting Star và F-84 Thunderjet hộ tống vẫn phải chuyển thời gian hoạt động sang ban đêm và ưu thế trên không tạm thời thuộc về phi công Trung Quốc.
Đối với các phi công lái B-29 trên chiến trường Triều Tiên, hình ảnh những chiếc Mig-15 lướt qua đội hình của họ đã trở thành nỗi ám ảnh. "Phải nói là mọi người khi ấy đều hoảng sợ", Earl McGill, cựu phi công B-29, kể lại.
Đỉnh điểm là vào một ngày thảm họa trong tháng 10/1951, được gọi là Ngày thứ ba Đen tối, tiêm kích Mig-15 đã loại 6 trong tổng số 9 chiếc B-29 của Mỹ ở Triều Tiên khỏi vòng chiến đấu.
Porfiriy Ovsyannikov, một cựu phi công Mig-15, đánh giá các vũ khí phòng thủ trên B-29 rất tốt, nhưng Mig -15 có thể khai hỏa từ khoảng cách hơn 600 m để hạ B-29 và sử dụng vận tốc cực nhanh của mình chạy thoát trước sự bất lực của các máy bay hộ tống Mỹ.
Chạm mặt đối thủ xứng tầm
Sự lợi hại của Mig-15 buộc không quân Mỹ phải nhanh chóng điều động tiêm kích mới phát triển F-86 Sabre tới Triều Tiên để giành lại thế cân bằng trong không chiến.
Một tốp tiêm kích F-86 của không quân Mỹ. Ảnh: USAF |
Tiêm kích F-86 được đánh giá là đối thủ xứng tầm, bởi nó có khả năng bổ nhào tốt hơn so với Mig-15 nhưng lại yếu thế hơn ở động tác vọt lên cao cũng như khả năng tăng tốc. F-86 có nòng pháo ổn định hơn, nhưng hỏa lực lại kém hơn Mig-15, và bộ khung chắc chắn cũng khiến Mig-15 khó bị bắn hạ.
Các trận không chiến nổi tiếng nhất giữa Mig-15 và F-86 diễn ra ở khu vực "Mig Alley" ở miền bắc Triều Tiên. Tại đây, các tiêm kích này thường đọ sức tay đôi trong các trận chiến một mất một còn, đánh dấu sự ra đời của hình thức không chiến đầu tiên giữa các máy bay phản lực trên thế giới.
Các sử gia Mỹ tính toán rằng có tất cả 224 tiêm kích F-86 Sabre và 566 tiêm kích Mig-15 bị tiêu diệt trong các cuộc không chiến dữ dội trên chiến trường Triều Tiên, nghĩa là một chiếc F-86 có thể hạ được 5,6 chiếc Mig-15 (tỷ lệ 1:5,6). Tuy nhiên, các cựu phi công Liên Xô cho rằng tỷ lệ này chỉ là 1:1,4.
Mig-15 và F-86 được coi là đối thủ ngang tài ngang sức trên chiến trường. Ảnh: Military History |
Ấn tượng với Mig-15 và khao khát muốn khám phá chiếc tiêm kích này, Mỹ hứa hẹn sẽ trả 100.000 USD cho bất kỳ phi công Triều Tiên nào đào thoát cùng chiếc máy bay. Cuối cùng, Mỹ cũng được toại nguyện khi trung úy phi công Triều Tiên No Kum-sok điều khiển một chiếc Mig-15 hạ cánh xuống sân bay Kimpo của Hàn Quốc vào ngày 21/10/1953.
Sau chiến tranh Triều Tiên, những chiếc Mig-15 dần lạc hậu và được thay thế bằng tiêm kích Mig-17. Có tất cả hơn 18.000 chiếc tiêm kích Mig-15 đã được chế tạo và phục vụ trong không quân của hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.