Miễn nhiệm chức vụ nếu không được tín nhiệm

Miễn nhiệm chức vụ nếu không được tín nhiệm

Sáng nay (21/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với số phiếu tán thành 95,18%.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Theo đó, việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Việc đánh giá mức độ tín nhiệm được căn cứ trên: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Nghị quyết quy định, Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với các mức độ đánh giá: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì người giữ chức vụ có thể xin từ chức.

Trường hợp có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ với 2 mức đánh giá: “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người giữ chức vụ để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có thể trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong các trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị; Có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, người giữ chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các căn cứ để lấy tín nhiệm trong năm trước đó. Đối với trường hợp đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, thì người này có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội, HĐND.

49 chức danh ở cấp Trung ương sẽ được lấy, bỏ phiếu tín nhiệm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ở địa phương, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức vụ Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên thường trực HĐND, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Việc Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

Các nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Hoạt động này cũng nhằm đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; bảo đảm tiêu chuẩn của người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Theo chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ